Xoay xở với rừng - Bài 1: Nhận tiền, rồi chờ...

Phóng sự: TRẦN HỮU PHÚC Bài 2: Chậm đổi mới 10/11/2016 08:56

Các chính sách giao khoán, bảo vệ rừng tự nhiên của Nhà nước, hay nhận chăm sóc vườn cao su cho doanh nghiệp chỉ giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số xoay xở đời sống trước mắt. Cái người dân miền núi mong mỏi là có quỹ đất để canh tác lâu dài.

“Đói mới làm liều”

Thời gian qua, Trung ương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đầu tư phát triển, bảo vệ rừng. Đáng chú ý là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định 99 năm 2010 của Chính phủ; Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 9.9.2015 về cơ chế, chính sách bảo vệ, phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020; Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, ngày 27.12. 2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo trong cả nước (Quảng Nam có 3 huyện nghèo là Nam Trà My, Phước Sơn và Tây Giang). Các chính sách này đều hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho người dân nhận khoán bảo vệ, chăm sóc rừng tự nhiên. Để nhận tiền từ DVMTR, các hộ gia đình, cá nhân đương nhiên phải có trách nhiệm tuần tra, bảo vệ rừng theo các quy định. Nếu không may để diện tích rừng đã nhận khoán cho lâm tặc xâm hại, nhẹ thì sẽ không được chi trả, nặng có thể bị xử lý hình sự.

Các chính sách giao khoán bảo vệ rừng đã giúp cho đồng bào yên tâm giữ rừng, nhưng chưa thể giúp họ ổn định cuộc sống lâu dài.  TRONG ẢNH: Nhóm hộ tuần tra tại khu vực rừng phòng hộ Sông Kôn. Ảnh: HỮU PHÚC
Các chính sách giao khoán bảo vệ rừng đã giúp cho đồng bào yên tâm giữ rừng, nhưng chưa thể giúp họ ổn định cuộc sống lâu dài. TRONG ẢNH: Nhóm hộ tuần tra tại khu vực rừng phòng hộ Sông Kôn. Ảnh: HỮU PHÚC

Thực tế có nhiều lưu vực thủy điện chi trả cho các hộ dân nhận khoán dưới 200 nghìn đồng/ha nên người dân không thiết tha với khu rừng được giao bảo vệ. Thậm chí nơi chi trả cao nhất là lưu vực thủy điện A Vương bình quân 353 nghìn đồng/ha/năm nhưng người dân cũng chưa bằng lòng. Tại xã Ma Cooih (huyện Đông Giang) bình quân mỗi hộ nhận bảo vệ 20ha rừng. Mỗi hộ nhận hơn 5 triệu đồng/năm tiền công giữ rừng. Số tiền này quả thật giúp bà con giữ rừng có trách nhiệm; tuy nhiên, theo họ nếu ăn không ngồi rồi mà không có đất sản xuất, thiếu việc làm ổn định thì dù có núi tiền cũng lở chứ không tồn tại được lâu! Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn đánh giá, có một số trường hợp giao nhận khoán bảo vệ rừng nhưng không đủ sức lao động, không tham gia tuần tra rừng, cá biệt có hiện tượng hộ dân nhận khoán có hành vi xâm lấn rừng. Xót xa hơn, tại khu vực rừng phòng hộ Sông Tranh qua xã Trà Bui (Bắc Trà My) dai dẳng thực trạng phá rừng trong diện tích đã giao cho nhóm hộ bảo vệ. Điển hình, trong năm 2015, tại khu vực rừng này trong số 24 nhóm hộ được giao rừng thì đã có 18 nhóm xâm hại rừng với diện tích gần 21ha. Nhóm hộ do ông Nguyễn Thanh S. (thôn 4 xã Trà Bui) làm nhóm trưởng đã tàn phá hàng chục mét khối gỗ từ chính khu rừng Nhà nước giao khoán bảo vệ theo chính sách DVMTR. Ông S. thanh minh: “Thủy điện đã lấy hết đất của gia đình, đưa dân vào rừng tái định cư. Làm thuê cuốc mướn không đủ ăn, lại không có đất canh tác. Đói quá nên phải làm liều”.

Lo cái lâu dài

Đến nay, các lưu vực có sử dụng DVMTR trên địa bàn tỉnh là 295.745ha. Toàn bộ diện tích trên đều thuộc các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng A Vương, Sông Tranh, Phú Ninh, Đắk Mi, Sông Kôn, Nam Sông Bung, Bắc Sông Bung; Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, Khu Bảo tồn loài Sao La, Vườn Quốc gia Bạch Mã và các Hạt Kiểm lâm Nông Sơn, Đại Lộc, Nam Trà My, Bắc Trà My và Duy Xuyên thực hiện việc quản lý và chi trả DVMTR. Mức thu nhập bình quân mỗi hộ từ nguồn DVMTR đạt 2,5 triệu đồng/năm. Đến nay, Quỹ bảo vệ - phát triển rừng đã thu được 230 tỷ đồng từ tiền chi trả DVMTR.  Riêng năm 2015 đã thực hiện chi trả cho 1.103 nhóm hộ (với 21.218 hộ).
(Nguồn: Quỹ bảo vệ phát triển rừng)

Mất đất sản xuất do các dự án thủy điện và gần đây nhiều đồng bào dân tộc thiểu số lại phải làm thuê trên chính nương rẫy của mình do góp đất với doanh nghiệp đầu tư cây cao su. Nguồn thu nhập hàng ngày hầu như phụ thuộc từ tiền lao động chăm sóc vườn cao su. Thế nhưng, “vàng trắng” mấy năm gần đây rớt giá, buộc doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí đầu tư, trong đó có cả việc đầu tư chăm sóc vườn cây. Cho nên, không ít đồng bào dân tộc thiểu số góp đất đã lâm vào cảnh thất nghiệp. Hộ ông Hồ Văn Tùng (thôn 5, xã Trà Tân, Bắc Trà My) góp 3ha đất trồng cao su với Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam. Theo thỏa thuận thì ông được tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm thường xuyên từ chăm sóc vườn cao su, nhưng từ đầu năm đến nay phải thất nghiệp. Ông Tùng trần tình: “Giá thuê công lao động rẻ mạt, lại làm bữa cái bữa đực nên đồng bào cũng không gắn bó chi. Vô công rồi nghề, có lúc bà con kéo lên xã yêu cầu doanh nghiệp trả lại đất để trồng keo”. Theo chính quyền xã Trà Tân, nguyên thủy diện tích trồng cao su bây giờ là nương rẫy, đất đồi trồng rừng của người dân. Không ít người có nguyện vọng muốn lấy lại đất để sản xuất nương rẫy. Nguồn thu nhập từ các chính sách bảo vệ rừng tuy có cải thiện nhưng không thể nuôi sống cái ăn hàng ngày của người dân.

Trước xung đột giữa người dân với doanh nghiệp trồng cây cao su, chính quyền huyện Bắc Trà My đã vào cuộc giải quyết. Ngoài cương quyết giữ rừng cây, địa phương vận động người dân triển khai canh tác một số loại cây trồng dưới tán rừng cao su để cải thiện thu nhập. Ông Huỳnh Ngọc Thiệu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho biết, đã có ít nhất 70 hộ tham gia trồng gần 100ha cao su tiểu điền ở các xã Trà Ka, Trà Nú, Trà Tân đang triển khai trồng xen canh cây sa nhân. Đây là loại cây thuốc nam nhưng cho giá trị kinh tế cao. Thâm canh dưới tán rừng cao su không cần đầu tư nhiều vốn, công nghệ và có đầu ra khá ổn định nên chính quyền địa phương đang nghiên cứu, khuyến khích nhân rộng mô hình này. Thời gian qua, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hợp tác với các tổ chức, cá nhân trồng xen cây dưới tán rừng cao su, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần giảm suất đầu tư, tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp, cải thiện thu nhập cho người lao động. Tại huyện Nam Trà My, thay vì trông chờ vào đồng tiền chăm sóc, bảo vệ rừng từ chính sách chi trả DVMTR, chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30a, chính quyền đã đầu tư và hỗ trợ vốn giúp đồng bào mở rộng diện tích trồng cây dược liệu dưới tán rừng theo đề án của địa phương. Tương tự, xác định thiếu tư liệu sản xuất là rào cản trong giảm nghèo bền vững,  Phước  Sơn dành nguồn lực hỗ trợ đất sản xuất cho người dân. Từ năm  2011 đến nay, ít nhất 250 hộ dân của huyện thiếu đất được hỗ trợ hơn 31ha, trong đó có 25 đất lúa nước và nương rẫy.

Lâu nay, tâm lý trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước đã thành “căn bệnh kinh niên” của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Số tiền hỗ trợ từ các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương về bảo vệ, phát triển rừng không phải là thấp. Tuy vậy, hiệu quả sử dụng đồng tiền đó ra sao và tác dụng của chính sách đến mục tiêu giảm nghèo đến nay như thế nào vẫn luôn là câu hỏi bỏ ngỏ. Con số hơn 4.000ha không thể nghiệm thu, chi trả từ DVMTR mà Quỹ bảo vệ - phát triển rừng đưa ra tại cuộc họp với Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh vào tháng 10 mới đây, trong đó có nguyên nhân diện tích rừng được giao khoán bị người dân phá làm nương rẫy mấy năm qua cũng đáng báo động.

Phóng sự: TRẦN HỮU PHÚC
Bài 2: Chậm đổi mới

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xoay xở với rừng - Bài 1: Nhận tiền, rồi chờ...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO