Xoay xở với rừng - Bài 3: "Ăn xổi ở thì"

TRẦN HỮU PHÚC 14/11/2016 10:23

Phát triển rừng được xem như “cứu cánh” cho miền núi trên hành trình giảm nghèo bền vững, nhưng ngành kinh tế này vẫn rất ì ạch, nhất là chưa nâng cao giá trị từ sản phẩm rừng trồng bởi kiểu “ăn xổi ở thì”.

  • Xoay xở với rừng - Bài 1: Nhận tiền, rồi chờ...
  • Xoay xở với rừng - Bài 2: Chậm đổi mới
Khai thác keo nguyên liệu.  Ảnh:  HỮU PHÚC
Khai thác keo nguyên liệu. Ảnh: HỮU PHÚC

Vòng luẩn quẩn

Giá trị mà lĩnh vực nông - lâm nghiệp đem lại nhiều năm nay luôn “thống lĩnh” cơ cấu kinh tế của các địa phương miền núi. Và nguồn lợi từ giá trị rừng đem lại không hề nhỏ. Tuy nhiên, cũng như các loại nông sản khác, gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh thiếu sức cạnh tranh. Hầu như ở các địa phương miền núi, trung du nào cũng đều hình thành vùng trồng cây nguyên liệu tập trung để phục vụ cho nhu cầu chế biến của các nhà máy sản xuất dăm gỗ. Diện tích vùng nguyên liệu gỗ keo đã mở rộng nhiều hơn so với 5 năm trước đây, song năng suất và giá trị kinh tế đem lại cũng không được cải thiện. Tại vùng cao Bắc Trà My, cách đây 5 năm, cây keo đã giúp cho nhiều hộ tại xã Trà Dương thoát nghèo, vươn lên làm giàu khá nhanh, nhưng giờ trở lại xứ sở này, cơ sở hạ tầng vẫn còn nham nhở, bao năm qua hầu như chẳng có gì đổi thay. Tháng 11 là đầu mùa trồng rừng nhưng không khí lao động không còn hối hả như xưa. Theo một số người trồng rừng địa phương, thị trường gỗ keo nguyên liệu hiện đã bão hòa, giá mỗi tấn gỗ keo dao động trên dưới 1,1 triệu đồng. Nghĩa là 5 năm nay gỗ keo vẫn bình ổn giá.  Một héc ta keo sau chu kỳ 5 - 7 năm trồng cho năng suất hơn 50 tấn. Ông Nguyễn Văn Hùng, người trồng keo ở thôn Dương Trung (xã Trà  Dương) tính toán: “Sau 7 năm trồng, mỗi héc ta cho hơn 50 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, lãi không đáng kể. Vùng này ít gió bão nhưng cây đến tuổi là khai thác, chứ để lâu năm cũng phát triển đến đó thôi”.  Toàn huyện Bắc Trà My trồng gần 10.000ha rừng cây nguyên liệu, mỗi năm khai thác khoảng 600ha, nhưng ước tính chỉ thu về hơn 33 tỷ đồng.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, năng suất rừng trồng bình quân trên địa bàn tỉnh với chu kỳ 7 năm khai thác là 70m3/ha, khá thấp so với các tỉnh lân cận. Rừng chỉ kinh doanh với chu kỳ ngắn, ít ỏi diện tích rừng đạt chứng chỉ quốc tế FSC, gây lãng phí nguồn lực đất đai, hạn chế phát triển nghề rừng. Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2011 - 2014,  nguồn thu từ lâm nghiệp rất thấp, bình quân 560 tỷ đồng mỗi năm, đóng góp của lĩnh vực này vào GRDP toàn tỉnh xấp xỉ 4% tính toán dựa trên lượng gỗ khai thác từ rừng trồng và tận dụng từ rừng tự nhiên.

Báo cáo của ngành nông nghiệp cho thấy diện tích đất rừng sản xuất được điều chỉnh tăng thêm nhưng nghịch lý là năng suất lẫn giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích thâm canh nhiều năm qua gần như giẫm chân tại chỗ. Các địa phương giàu về kinh tế rừng như Hiệp Đức, Bắc Trà My, Tiên Phước quả quyết rằng, mấu chốt nằm ở thị trường tiêu thụ. Cây keo, bạch đàn có thể trồng kéo dài hơn 10 năm mới thu hoạch, giá trị gỗ sẽ khác hẳn nhưng nhu cầu thị trường rất ưa chuộng loại cây dưới 7 năm tuổi. Trong khi đó, nông dân không đủ kiên nhẫn chờ đợi, cần thu hồi vốn nhanh để tái sản xuất. Mặt khác, đầu ra cho gỗ lớn luôn bó hẹp, thời tiết gió bão khắc nghiệt nên rủi ro rất cao. Nông dân với đồng vốn sản xuất eo hẹp, giữ thói quen trồng rừng làm dăm gỗ với chu kỳ khai thác ngắn không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, lại ít chịu rủi ro do gió bão. Điều đáng nói, trong tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, cơ quan chức năng khuyến cáo nông dân mạnh dạn thay đổi tư duy bằng cách đầu tư trồng rừng gỗ lớn, kéo dài thời gian thu hoạch. Tuy vậy, đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có mô hình rừng gỗ lớn để chứng minh hiệu quả của bài toán kinh tế nên việc vận động người dân gặp khó khăn.

Xứ rừng nhưng phải nhập khẩu gỗ

Có phải người nông dân xứ Quảng còn “tư duy ngắn hạn” trong phát triển kinh tế rừng? Để tìm câu trả lời xác đáng, chúng tôi đã lặn lội về nhiều rẻo cao lắng nghe những suy tư của người trồng rừng. Ông Phạm Xuân Linh đã trồng 10ha keo nguyên liệu tại thị trấn Trà My (Bắc Trà My). Hơn 10 năm qua, sau 2 lứa thu hoạch với giống keo giâm hom, tai tượng truyền thống, ông Linh gần như chỉ... lấy công làm lời. Ông cho biết, 2 năm trước, sau khi tận mắt thấy Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh trồng thí điểm 10 cây keo cấy mô (chu kỳ 9 năm trồng) có thể bán ra thị trường mỗi cây hơn 2 triệu đồng, ông đã nung nấu ý định đầu tư cánh rừng gỗ lớn. Nhưng tréo ngoe là các cơ sở cung ứng giống trên địa bàn tỉnh không sản xuất với số lượng lớn giống keo cấy mô. Vì vậy, mùa trồng rừng năm nay ông vào tận tỉnh Bình Định đặt hàng mua 20 nghìn cây keo cấy mô để canh tác trên diện tích gần 10ha. “Trước đây, với diện tích này tôi trồng 30 nghìn cây keo con giống truyền thống, nhưng giờ giảm còn 20 nghìn cây. Giống keo cấy mô đắt hơn keo giâm hom, tai tượng gấp 2,5 lần nhưng bù lại cây phát triển nhanh, giảm chi phí làm cỏ, chống chịu với thời tiết khắc nghiệt. Lợi hơn nữa là giá sản phẩm gỗ có thể cao gấp 3 lần gỗ cây truyền thống” - ông Linh phân tích.  

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng

Theo Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 4.11.2016 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, các nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới là quản lý, thưc hiện nghiêm Quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và các quy hoạch chuyên ngành về quản lý, phát triển tài nguyên rừng. Hoàn thành giao đất nông nghiệp và giao rừng tài nguyên cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng bảo vệ gắn với xác định mốc giới các loại rừng ngoài thực địa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân. Ngăn chặn hiệu quả và đẩy lùi tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Tập trung nguồn lực để triển khai hiệu quả các đề án, cơ chế quản lý bảo vệ rừng gắn với các chính sách hỗ trợ người dân miền núi ổn định sản xuất…H.Q

Theo các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ trên địa bàn tỉnh, khi tỉnh chủ trương “đóng cửa rừng” tự nhiên, thì các cơ sở chế biến đồ gỗ gặp khó khăn trong tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào. Thời gian qua, ít sản lượng gỗ có đường kính lớn từ 20cm trở lên. Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam vừa trồng rừng và chế biến gỗ, thừa nhận nhiều bất cập vùng nguyên liệu gỗ và đã… thua trên sân nhà. Công ty mới thực hiện 1.500ha rừng trồng đạt tiêu chuẩn chứng chỉ quốc tế FSC. Mỗi năm, công ty này có nhu cầu khoảng 12 - 15 nghìn mét khối gỗ keo nguyên liệu để phục vụ sản xuất. Trong đó, gỗ tròn đạt tiêu chuẩn, chứng nhận FSC chiếm 70 - 80%. Một thời gian dài, công ty phải nhập khẩu gỗ từ Malaysia với giá 145 - 150USD/m3. Được biết, trước đây nguồn nguyên liệu gỗ keo từ các dự án trồng rừng của Nhà nước như các chương trình 327, 661… với độ tuổi khai thác trung bình hơn 10 năm, đáp ứng cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ. Tuy vậy, gần đây ra đời hàng loạt nhà máy dăm gỗ trong và ngoài tỉnh đã hút hết nguồn gỗ nguyên liệu. Có thời điểm cầu vượt cung trong ngành sản xuất dăm gỗ. Hệ lụy là doanh nghiệp, người dân trồng rừng khai thác, bán gỗ dăm ra nước ngoài với giá thấp; ngược lại doanh nghiệp chế biến phải nhập khẩu nguyên liệu gỗ với giá rất cao.

Tư duy “ăn xổi ở thì” đã và đang kìm hãm con đường phát triển của kinh tế rừng, gây lãng phí tài nguyên đất rừng. Vì sao miền núi chưa có những cánh rừng trồng gỗ lớn? Câu trả lời đúng chính là ngành nông nghiệp vẫn thiếu tầm nhìn xa trông rộng trong định hướng quy hoạch và phát triển sản xuất rừng trồng; sai lầm trong chính sách một thời kêu gọi thu hút đầu tư bằng mọi giá các nhà máy chế biến dăm gỗ. Và nguyên nhân sâu xa nằm ở khâu giống. Ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, phần lớn các doanh nghiệp chế biến gỗ lớn trong tỉnh đều nhập khẩu gỗ từ nước ngoài. Năm 2015, tỉnh bắt đầu mua giống keo có nguồn gốc từ Úc với giá mỗi ký khoảng 1.000USD. Đây là giống cây mà đất nước Malaysia đã sử dụng và các doanh nghiệp của tỉnh mua gỗ từ họ. “Không riêng gì Quảng Nam mà cả nước chẳng có cơ sở sản xuất giống cây nào ra trò. Bây giờ mới có lèo tèo vài doanh nghiệp đầu tư theo hướng cánh rừng gỗ lớn ở Hiệp Đức, Phú Ninh” - ông Hưng nói.

“Vương quốc” rừng trồng gỗ lớn dường như chỉ là ước mơ của người nông dân xứ Quảng. Trong các bản cáo thành tích về tài nguyên rừng, dường như chỉ thấy mỗi “màu hồng” về độ che phủ, mở rộng diện tích vùng nguyên liệu và sản lượng khai thác tăng nhưng ít thấy đề cập về giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác, khả năng cạnh tranh kinh tế rừng trên thị trường trong nước và thế giới ra sao...

--------------------------
Bài cuối: Đi tìm vị thế cho rừng

TRẦN HỮU PHÚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xoay xở với rừng - Bài 3: "Ăn xổi ở thì"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO