Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, doanh nghiệp (DN) buộc phải “sống” trong trạng thái bình thường mới. Nhiều giải pháp được kích hoạt để vừa chống dịch, vừa phục hồi, phát triển sản xuất. “Sức khỏe” của DN tốt thì công ăn việc làm được giải quyết, mới đóng góp sự phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn khó khăn.
KÍCH HOẠT TRẠNG THÁI BÌNH THƯỜNG MỚI
Một trạng thái bình thường mới khi dịch bệnh phức tạp, khó lường khiến DN khá hao hơi tốn sức. Tuy vậy, “sống chung” với dịch bệnh bây giờ là con đường mà DN phải xác định. An toàn là trên hết, nhưng không thể bỏ qua việc sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội. Thế nên việc DN khẳng định quyết tâm vượt qua đại dịch bằng mọi cách có thể càng giá trị và ý nghĩa.
Vững tâm
Những ngày Điện Bàn nằm trong tâm dịch của làn sóng thứ 2, chị Lê Thị Hoa (phường Điện Nam Đông, Điện Bàn) vẫn đều đặn đến Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Miền Trung làm việc mỗi ngày. Công việc vẫn đang chờ lao động (LĐ) bởi đơn hàng bắt buộc phải thực hiện đúng thời hạn cho đối tác. Chị Hoa kể, mỗi ngày, sau khi trải qua các công đoạn kiểm soát phòng dịch từ ngoài cổng vào đến xưởng sản xuất, chị mới bắt đầu công việc của mình. Mỗi người trong chuyền sản xuất ai cũng chăm chỉ, hăng hái bởi họ tin vào việc thực hiện phòng dịch của DN.
Chị Hoa tâm sự: “Thời điểm khó khăn này, vì dịch bệnh mà nhiều người mất việc làm, nhưng chúng tôi vẫn được đi làm, có thu nhập là niềm vui lớn lắm! Chúng tôi tin vào việc thực hiện quy định phòng dịch của công ty và tuân thủ tuyệt đối. Khi DN an toàn thì chúng tôi mới sống tốt được, công việc sẽ không gián đoạn. Khi ở công ty cũng như khi về nhà, chúng tôi đều tự bảo vệ bản thân, gia đình trước dịch bệnh Covid-19”.
Để các LĐ nằm trong vùng dịch yên tâm trong thời gian phải nghỉ việc nhằm đảm bảo an toàn cho xưởng sản xuất, các công ty đều có chính sách hỗ trợ LĐ hưởng chế độ phép. Như ở Công ty TNHH MTV Sơn Hà Duy Xuyên (CCN Tây An, Duy Xuyên), có hơn 20 LĐ nằm trong vùng có lệnh cách ly, phong tỏa nên công ty cho họ nghỉ hưởng chế độ. Còn lại hơn 400 LĐ vẫn đến công ty hàng ngày, cùng DN vừa sản xuất vừa chống dịch.
Ông Vũ Văn Thủy - Phó Giám đốc Công ty Sơn Hà Duy Xuyên cho biết: “Khi LĐ yên tâm đến làm việc thì các đơn hàng của DN mới được giải quyết. Để họ yên tâm thì DN phải phòng chống dịch bệnh xâm nhập thật tốt bằng các giải pháp quyết liệt. LĐ ở vùng cách ly, phong tỏa không đi làm, công ty vẫn trả chế độ phép. LĐ đi làm thì công ty tăng cường sức đề kháng cho LĐ bằng chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường thêm nước trái cây, sữa, bánh trong bữa ăn ca. Chuyền may giãn khoảng cách 3m. Khách hàng liên hệ công việc qua e-mail, điện thoại, zalo..., chúng tôi tuyệt đối không tiếp khách”.
Sống chung với dịch bệnh
Dịch bệnh có thể quay trở lại như những làn sóng, hết đợt này đến đợt khác, nên DN chỉ còn cách “sống chung” với nó. Vừa phòng dịch, vừa sản xuất an toàn trở thành trách nhiệm song hành mà DN bắt buộc phải thực hiện. Tất cả DN còn hoạt động trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng dịch để sản xuất an toàn.
Đợt dịch bệnh thứ 2 bùng phát, do dịch bệnh xuất hiện nên Công ty Giày Rieker Việt Nam (KCN Điện Nam - Điện Ngọc, Điện Bàn) phải cho 10.000 người LĐ nghỉ làm việc. Còn lại các DN trong tỉnh, đặc biệt các KCN lớn như Điện Nam - Điện Ngọc, KCN Bắc Chu Lai, KCN Tam Thăng... dù có gặp một số khó khăn nhưng đều duy trì hoạt động, đảm bảo việc làm cho LĐ.
Tại Công ty CP Ô tô Trường Hải (Khu Kinh tế mở Chu Lai, Núi Thành), toàn bộ 7.376 LĐ của công ty vẫn làm việc trong điều kiện bắt buộc phải tuân thủ phòng chống dịch bệnh. Do dịch bệnh, Nhà máy Thaco Bus khó khăn, phải ngừng hoạt động, nhưng người LĐ ở nhà máy này không mất việc mà được điều chuyển sang làm việc tại các nhà máy khác.
Theo như lời ông Nguyễn Quang Bảo - Phó Tổng Giám đốc Thaco thì “sống chung” với dịch bệnh khiến DN vất vả hơn nhưng không còn con đường nào khác để đảm bảo an toàn cho sản xuất và sức khỏe người LĐ. Từ nhà máy sản xuất đến xe đưa đón, nhà ăn, thậm chí khi người LĐ về nơi cư trú đều được khuyến cáo bắt buộc tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh.
Ông Bảo cho biết: “Đầu năm có khó khăn, nhưng những tháng cuối năm tình hình kinh doanh có khả quan hơn, nên công ty phải vừa chống dịch vừa hoạt động. Xe bán ra được là dấu hiệu tốt, người LĐ sẽ có việc làm nhiều hơn, và công ty cũng sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Chúng tôi đang rất cố gắng để dịch bệnh không xâm nhập bằng tất cả các biện pháp mà công ty có thể thực hiện được”.
CHUYỂN NGUY THÀNH CƠ
Với những nỗ lực trong khâu marketing, một số DN vẫn có nhiều đơn hàng tốt dù trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trong cơn khốn khó của kinh tế toàn cầu vì đại dịch, đã có nhiều DN của tỉnh trụ lại được và ổn định đơn hàng, sản xuất đến hết năm nay.
Nỗ lực tìm kiếm đơn hàng
Trong thời điểm này, có đơn hàng đã là may mắn, có đơn hàng tốt lại càng hiếm hơn. Khi dịch bệnh phức tạp ở Trung Quốc, thì Công ty TNHH CCI Việt Nam (KCN Bắc Chu Lai, Núi Thành) lại đón nhận những cơ hội kinh doanh tốt hơn. Đó không phải là may mắn hay ngẫu nhiên, mà là cả quá trình phấn đấu của một DN kể từ lúc ra đời cho đến hôm nay. Uy tín, chất lượng sản xuất mặt hàng linh kiện điện tử của CCI Việt Nam được khẳng định nên các đối tác như Hãng Abbott (Hoa Kỳ) tin tưởng, chuyển những đơn hàng từ nhà máy ở Trung Quốc sang Việt Nam sản xuất. Cụ thể ở đây là những thiết bị điện tử, linh kiện công nghệ cao sử dụng sản xuất các thiết bị y tế, ngành công nghiệp quan trọng và thiết yếu trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra trên toàn thế giới.
Ông Alex Ng Chan Kok - Phó Tổng Giám đốc CCI Việt Nam thông tin rằng CCI Việt Nam đã chuẩn bị sẵn mọi phương án hợp lý và cần thiết để duy trì hoạt động sản xuất của đơn vị với mức độ an toàn cao nhất. Kể cả trong trường hợp phải cách ly toàn nhà máy thì CCI Việt Nam cũng phải sản xuất linh kiện để cung ứng cho các hãng sản xuất thiết bị y tế, phục vụ công tác chống dịch, là tình huống được xem cấp bách nhất. Trong 7 tháng đầu năm 2020, toàn bộ hơn 2.400 LĐ của CCI Việt Nam đã làm việc liên tục, thậm chí tăng ca xấp xỉ mức tối đa theo quy định là 200 giờ/lao động/năm.
Hay như tại Công ty TNHH Việt Vương (KCN Điện Nam - Điện Ngọc, Điện Bàn), toàn bộ 2 nhà máy Việt Vương 1 và Việt Vương 2 với 1.800 LĐ phải hoạt động liên tục để đảm bảo kịp tiến độ cho đơn hành sản xuất đồ bảo hộ y tế cho đối tác. Hoặc như tại Công ty Fashion Garment (KCN Tam Thăng, Tam Kỳ) khi có dịch bệnh đợt đầu, để LĐ không bị mất việc làm thì bộ phận marketing của công ty đã thỏa thuận, tìm kiếm đơn hàng sản xuất khẩu trang để duy trì việc làm cho người LĐ. Công ty đã có thêm nhiều đơn hàng sản xuất áo quần mới, đảm bảo ổn định việc làm cho LĐ, và có nhu cầu tuyển thêm hơn 150 LĐ kỹ thuật cao, có tay nghề ở nhiều vị trí khác nhau.
Chủ động như tại Công ty TNHH MTV Sơn Hà Duy Xuyên (Duy Xuyên) thì đơn hàng mà công ty đang có đã đảm bảo sản xuất cho người LĐ đến tháng 5.2021. Vấn đề còn lại của công ty là kiểm soát tốt dịch bệnh bằng mọi biện pháp, để hoạt động sản xuất không bị gián đoạn, ảnh hưởng đến tiến độ của đơn hàng. Trong dịch bệnh, duy trì được việc làm cho người LĐ nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn phòng dịch, các DN đã nỗ lực bằng nhiều cách, thực sự đáng trân quý!
Thử thách hiện hữu
Muốn lắp đặt dây chuyền sản xuất cho nhà máy mới đi vào hoạt động, nhiều công ty không thể đưa chuyên gia người nước ngoài qua Việt Nam làm việc do dịch bệnh phức tạp. Như Công ty Groz Becker Việt Nam (Đại Lộc) đã xây dựng thêm nhà máy mới, dự kiến tuyển dụng thêm 150 LĐ vào làm việc. Nhưng nhà máy xây xong mà không thể đưa chuyên gia từ các nước qua Việt Nam lắp đặt dây chuyền sản xuất, nên công ty cũng chưa biết khi nào mới có thể đưa nhà máy mới vào hoạt động.
Ông Gerd Josey Jeufel - Tổng Giám đốc Công ty Groz Becker Việt Nam nói: “Với hoạt động của chúng tôi hiện tại vẫn đảm bảo việc làm cho toàn bộ 886 LĐ. Nhưng nhà máy mới chưa biết khi nào đi vào hoạt động được vì chuyên gia nước ngoài không thể vào Việt Nam. Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ về vấn đề này”.
Công ty TNHH Hyosung Quảng Nam (KCN Tam Thăng, Tam Kỳ) là đơn vị có nguồn vốn đầu tư lớn nhất vào KCN Tam Thăng, với 2 dự án sản xuất vải mành và dự án sản xuất túi khí.
Ông Kim Kyung Hwan - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hyosung Quảng Nam kiến nghị: “Có một số nhà máy chúng tôi đã lắp đặt xong máy móc, nhưng muốn đi vào hoạt động cần có đội ngũ chuyên gia nước ngoài kiểm tra tính kỹ thuật, vận hành an toàn. Nhưng hiện nay chuyên gia không nhập cảnh được, nên chúng tôi mong muốn sẽ nhận được sự giúp đỡ của Chính phủ và UBND tỉnh”.
Hoặc như tại Công ty Fashion Garment (KCN Tam Thăng), hiện có 9 chuyên gia từ nhiều nước như Sri Lanka, Australia, Trung Quốc không sang công ty được để hỗ trợ các khâu kỹ thuật trong quá trình sản xuất. Những sự kiểm soát nghiêm ngặt người đi và đến từ vùng dịch là yêu cầu bắt buộc, nhất là đối với chuyên gia, LĐ người nước ngoài đến Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng. Thế nên, những thử thách về đơn hàng hay con đường vận chuyển hàng hóa, DN có thể xoay xở được. Nhưng khó khăn về nhập cảnh cho chuyên gia thì cần sự vào cuộc tích cực của tỉnh cũng như tháo gỡ khó khăn của Chính phủ.
ĐỒNG HÀNH VỚI DOANH NGHIỆP
Việc vừa phòng dịch vừa đảm bảo an toàn sản xuất trong tình hình mới của mỗi DN đều đáng được ghi nhận. Vì thế mà những sự trợ giúp của các sở ngành, và chuyến thăm mới đây của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trở thành sự động viên lớn đối với các DN.
Hỗ trợ mọi mặt
Những khó khăn trong việc đảm bảo an toàn phòng dịch, tuyển dụng LĐ hay kiến nghị cho LĐ làm thêm giờ như Công ty TNHH CCI Việt Nam, Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng, Công ty Fashion Garment... đều đã được Sở LĐ-TB&XH, Sở Y tế tiếp nhận.
Theo ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế từ đợt dịch bệnh đầu tiên đến đợt 2 này, Sở Y tế cùng các sở, ngành đã phối hợp, hỗ trợ các DN trong việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh xâm nhập. Cụ thể, những quy định về phòng dịch trong cơ sở LĐ đã được Sở Y tế hướng dẫn cụ thể, có bộ tiêu chí đánh giá nguy cơ lây nhiễm trong cơ sở LĐ với rất nhiều hạng mục, tiêu chí rõ ràng. DN đã được hướng dẫn tự chấm điểm theo bộ tiêu chí, đảm bảo an toàn sản xuất tại chỗ, an toàn cho sức khỏe người LĐ. Khi DN có thắc mắc, tất cả đều được giải đáp. Khi mỗi DN có yếu tố nghi ngờ, chỉ cần DN liên hệ sẽ có Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn phân luồng, cách ly y tế đối với từng nhóm người cụ thể, tùy theo nguy cơ lây nhiễm cao hay thấp.
Còn theo bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, các DN có khó khăn về tuyển dụng LĐ khi liên hệ đều được sở giới thiệu nguồn LĐ để DN lựa chọn. Riêng đối với những DN lo ngại tuyển dụng LĐ mới vì sợ nguy cơ lây nhiễm nếu LĐ mới có liên quan đến yếu tố dịch tễ, thì DN có thể thực hiện các quy trình phòng dịch đối với LĐ mới theo khuyến cáo của ngành y tế. Riêng với LĐ là chuyên gia người nước ngoài vào Việt Nam, các DN đều có thể lập danh sách, thủ tục gửi đến Sở LĐ-TB&XH để được hướng dẫn cụ thể và nhanh nhất. Về khó khăn trong việc tăng giờ làm lên hơn 200 giờ/người/năm như kiến nghị của Công ty TNHH CCI Việt Nam, công ty này có thể bóc tách đơn hàng, nếu có sản xuất linh kiện phục vụ cho các đơn hàng thiết bị y tế phục vụ chống dịch tại Việt Nam thì Sở LĐ-TB&XH sẽ tham mưu UBND tỉnh có kiến nghị đến Bộ LĐ-TB&XH xem xét yếu tố cấp bách phục vụ chống dịch, cho phép người LĐ của DN làm việc hơn 200 giờ, nhưng tuyệt đối phải đảm bảo sức khỏe cho người LĐ trong thời điểm dịch bệnh phức tạp.
Tuyệt đối đảm bảo điều kiện cho DN hoạt động
Trong chuyến làm việc với một số DN tại KCB Bắc Chu Lai, KCN Tam Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh rất hoan nghênh và ghi nhận những nỗ lực của DN trong suốt thời gian qua. Dù dịch bệnh, nhưng DN đã tự thân vận động trước tiên, đảm bảo an toàn cho môi trường sản xuất, duy trì việc làm cho người LĐ. Lãnh đạo tỉnh hết sức chia sẻ với những thử thách mà DN gặp phải, đồng thời đề nghị tất cả sở, ngành phải hết sức tận tâm, trách nhiệm trong việc hỗ trợ cho DN. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các DN không chủ quan, lơ là với dịch bệnh, bởi nguy cơ vẫn rất cao dù bước đầu đã dần kiểm soát. Ngoài đảm bảo an toàn tại nơi sản xuất thì người LĐ khi về nơi cư trú cũng tuyệt đối tuân thủ quy định phòng dịch, nhằm không mang dịch bệnh vào trong DN. Việc đi lại giữa Quảng Nam và các địa phương còn gặp khó khăn do Quảng Nam là vùng dịch, người đi vào hay đi ra đều được kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các DN chia sẻ với sự bất tiện này. Tất cả biện pháp nhằm đảm bảo tốt nhất một môi trường an toàn cho sự đầu tư, hoạt động của mỗi DN, kiểm soát được dịch bệnh tốt thì mọi hoạt động mới có thể trở lại trạng thái bình thường.
Đối với việc hỗ trợ chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm việc, ông Lê Trí Thanh đã đề nghị các DN lập danh sách, báo cáo cụ thể để UBND tỉnh xin ý kiến của Chính phủ cho phép chuyên gia nhập cảnh. Tuy nhiên, hiện sân bay Đà Nẵng chưa thể mở cửa, nên các công ty có thể tính toán để chuyên gia nhập cảnh đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) hoặc Tân Sơn Nhất (TP.Hồ Chí Minh), từ đó đến Quảng Nam qua sân bay Chu Lai hoặc Phú Bài (Huế). Điều bắt buộc là chuyên gia vào phải có thời gian cách ly, theo dõi y tế nên các công ty cần tính toán sớm phương án đưa chuyên gia vào, đảm bảo hoạt động sản xuất, vận hành nhà máy thông suốt theo đúng kế hoạch.