Xốc lại du lịch Cù lao Chàm

QUỐC HẢI 04/10/2014 08:37

Du khách tăng đột biến nhưng hoạt động quản lý, kinh doanh dịch vụ du lịch còn mới mẻ buộc chính quyền xã đảo Tân Hiệp và TP.Hội An phải “xốc lại” để hướng tới chuyên nghiệp và phát triển bền vững.

Dịch vụ lặn biển đang được đưa vào quản lý . Ảnh: QUỐC HẢI
Dịch vụ lặn biển đang được đưa vào quản lý . Ảnh: QUỐC HẢI

Du khách trong và ngoài nước đến tham quan Cù Lao Chàm liên tục tăng trong thời gian gần đây, thậm chí có thời điểm tăng đột biến khiến cho các dịch vụ trên đảo rơi vào tình trạng quá tải. Tại xã đảo Tân Hiệp có 46 hộ tổ chức dịch vụ homestay, hàng chục hộ với hàng trăm lao động trực tiếp tham gia buôn bán nhà hàng, hàng lưu niệm cùng các dịch vụ khác. Hoạt động trên lĩnh vực này tại Cù Lao Chàm nhiều năm qua, ông Phan Hưng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Ngân Hà (thôn Bãi Làng, Tân Hiệp) cho biết: “Hiện tại thấy có khởi sắc, khách đến rất nhiều, bà con có công ăn việc làm nhưng cái khó nhất là vốn đầu tư. Các doanh nghiệp, kể cả các nhà hàng, cơ sở kinh doanh đều gặp khó khăn. Đặc thù ở đây là làm du lịch theo thời vụ nên vốn liếng rất khó. Chính quyền, các tổ chức có thể cho vay thế chấp, tín chấp hoặc hỗ trợ nguồn vốn để các doanh nghiệp từng bước đầu tư xây dựng”.

Có thể thấy, đây là một trong những vấn đề rất đáng quan tâm đối với sự phát triển của ngành du lịch dịch vụ trên đảo. Tuy nhiên, do mới đi vào hoạt động nên trước mắt, địa phương tập trung cho việc sắp xếp hoạt động, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời triển khai công tác bảo vệ môi trường biển đảo và tăng cường quản lý trật tự trong kinh doanh du lịch. Ngay từ đầu năm nay, Ban quản lý du lịch Cù Lao Chàm phối hợp với bộ phận ngân sách xã tổ chức họp hơn 50 hộ kinh doanh tại khu vực cầu Cảng, Bãi Ông, Bãi Làng để ký kết hợp đồng thuê mặt bằng, bốc thăm phân lô, đấu giá lô kinh doanh, triển khai việc niêm yết giá cùng các nội dung liên quan đối với các hộ bán hải sản khô và hàng lưu niệm. “Ban quản lý vừa phối hợp với Thanh tra Sở VH-TT&DL để chấn chỉnh và thống nhất việc đăng ký kinh doanh cho các hộ kinh doanh dịch vụ homestay trên địa bàn. Ngoài ra, Quy chế du lịch tạm thời của thành phố trong việc đăng ký khách cũng đã được các doanh nghiệp thực hiện cơ bản và từng bước đi vào nền nếp” - bà Đinh Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Thương mại – du lịch Hội An cho biết.

Về cơ sở hạ tầng du lịch, trước mắt, địa phương đầu tư sửa chữa các công trình vệ sinh đã xuống cấp và hệ thống cung cấp nước ngọt tại thôn Bãi Ông; chú trọng công tác vệ sinh môi trường, nhất là các khu vực bãi biển du lịch; hoàn thiện phao phân luồng, biển báo, bản chỉ dẫn và nội quy khu du lịch tại Bãi Ông và nhà đón tiếp du khách. Ngoài ra tăng cường công tác quản lý số lượng khách đến tham quan, lưu trú. Mặt khác, xã luôn đảm bảo tốt công tác trực cứu hộ, cứu nạn và có kế hoạch đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cứu hộ của Ban quản lý du lịch.

Hiện địa phương tiếp tục phối hợp với tổ liên ngành của thành phố tăng cường kiểm tra chấn chỉnh, xử lý các trường hợp kinh doanh dịch vụ không đúng hàng đăng ký, không niêm yết công khai giá, buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè và tự ý nâng ép giá. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành chức năng của thành phố và tỉnh cũng đang tập trung nghiên cứu, đề xuất những biện pháp nhằm hỗ trợ du lịch dịch vụ tại Tân Hiệp để phát triển ổn định và bền vững, tránh tình trạng khai thác bừa bãi, phá vỡ cảnh quan, tác động tiêu cực đến Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

QUỐC HẢI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xốc lại du lịch Cù lao Chàm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO