Xói lở đất rừng ở các bãi thiếc

TRẦN NGUYỄN 11/03/2015 12:22

Nhiều cánh rừng ở vùng cao Bắc Trà My bị xói lở đất nghiêm trọng do hệ lụy tận thu thiếc trái phép. Những năm gần đây, “cuộc chiến” giữ tài nguyên lòng đất không hề cân sức dù chính quyền có lực lượng chuyên đánh phá “thiếc tặc”.

Khai thác trái phép ở các bãi thiếc Bắc Trà My. Ảnh: T.N
Khai thác trái phép ở các bãi thiếc Bắc Trà My. Ảnh: T.N

“Vòi rồng” trong núi

Từ thị trấn Trà My, mất hơn một giờ đồng hồ đi xe máy và cuốc bộ, chúng tôi đã tiếp cận được “đại bản doanh thiếc tặc” khu vực Nước Oa (xã Trà Tân), bãi thiếc Dương Hòa vùng giáp ranh của  2 xã Trà Sơn và Trà Giang thuộc huyện Bắc Trà My. Tại một vạt rừng thuộc địa phận Nước Oa, mặt đất lở loét, đầy hang hục. Dấu vết cũ khai thác suốt thời gian dài còn để lại, vô số cây bật gốc ngả nghiêng. Tiến sâu vào một vị trí không bị che khuất bởi bóng cây, chúng tôi chứng kiến gần như cả vùng rộng lớn ở Nước Oa hoang tàn, cây bứng gốc cảm giác như vừa có một cơn bão mạnh càn quét qua. Đường đi trơn như mỡ, đất dính nước dẻo quẹo.

Quy trình tận thu thiếc trong rừng phòng hộ Sông Tranh đơn giản hơn nhiều so với với lấy quặng vàng, nhưng sức tàn phá môi trường thì khủng khiếp hơn nhiều. Chỉ cần một máy nổ và ống dây nhựa, các đối tượng có thể dẫn nước từ trên cao về, mở tối đa công suất hoạt động của máy để xịt nước chảy mạnh vào các điểm có quặng thiếc nằm trộn với lớp đất. Nước sẽ cuốn đất đá trôi đi, chỉ còn quặng thiếc nằm lại một chỗ, “thổ phỉ” tha hồ thu lượm cho vào từng lon, bỏ vào bao tời cất giấu một nơi rồi chờ lúc thuận lợi đem đi tiêu thụ. Hệ thống dây ống nước chằng chịt, dài lòng thòng nằm trong rừng. Khi thăm dò được vị trí có thiếc, giới “thổ phỉ” không đưa máy móc, công nghệ hiện đại vào bới móc lòng đất mà chỉ cần đưa hệ thống vòi rồng vào phun nước làm trôi hết đất rồi lấy quặng.

Giai đoạn 2011 - 2014, lực lượng chức năng huyện Bắc Trà My và chính quyền các xã Trà Sơn, Trà Tân,  Trà Giang và Trà Giác tổ chức 71 đợt truy quét khai thác thiếc trái phép trên địa bàn. Theo đó, đẩy đuổi ra khỏi rừng hàng trăm đối tượng, đốt phá 127 lán trại, 9.340m2 bạt xanh, 1.050m mương dẫn nước, 48.965m ống dây dẫn nước. Ngoài ra, còn phá hủy 8 máy phát điện, 35 đập chứa nước có dung tích khoảng 1.222m3…

Theo quan sát của chúng tôi, những nơi rừng đã triệt hạ, đối tượng còn san ủi mặt bằng xây các đập chứa nước để dễ dàng tận thu trong mùa khô. Người dân địa phương cho biết, một lon (vỏ lon sữa ông Thọ) thiếc hiện bán ra thị trường hơn 200 nghìn đồng. Mỗi ngày một lao động nếu khai thác tốt có thể thu được đến 100 lon thiếc. Chính vì lợi nhuận quá hấp dẫn này mà lao động tứ phương đổ xô về đây vơ vét tài nguyên. Lúc cao điểm đếm không xuể lán trại trái phép dựng trong rừng. Do tiền đầu tư mua sắm dụng cụ khai thác không lớn nên đối tượng “thiếc tặc” sẵn sàng bỏ của chạy lấy người nếu bị lực lượng chức năng phát hiện, tịch thu phương tiện.

Chưa cân sức

Lường trước những hậu họa “chảy” tài nguyên khoáng sản, hủy diệt môi trường sinh thái, 5 năm trở lại đây, chính quyền huyện Bắc Trà My huy động tổng lực các ngành chức năng, chính quyền các xã vào cuộc, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể. Nhằm siết chặt công tác quản lý nhà nước, UBND huyện chỉ đạo chính quyền 3 xã Trà Giang, Trà Tân và Trà Sơn lên danh sách các đối tượng có dấu hiệu liên quan đến hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán quặng thiếc trái phép để quản lý, giáo dục và viết cam kết không tiếp tay cho “thiếc tặc” trên địa bàn. Trong đợt truy quét dịp tết, tổ công tác cơ động đặc biệt của huyện Bắc Trà My đột nhập khu vực Dốc Dẻ và thác 5 Tầng (xã Trà Giang), phát hiện 5 lán trại, 140m2 bạt xanh, bồn đãi quặng, 100m ống dây dẫn nước và một số dụng cụ tham gia lấy quặng. Ở khu vực Nước Oa còn nguyên 4 lán trại mới dựng, 60m2 bạt xanh, 2 bồn đãi quặng. Mở rộng phạm vi kiểm tra ở Đá Bàng (xã Trà Sơn), lực lượng chức năng đốt phá 2 lán trại và nhiều dụng cụ khai thác quặng.

Tình trạng khai thác thiếc trái phép tạo thành “điểm nóng” kéo dài dai dẳng nên có thời điểm năm 2011 và 2013, địa phương tăng cường  thêm cán bộ chiến sĩ công an, quân đội và chính quyền các xã Trà Sơn, Trà Tân, Trà Giang, Trà Giác triển khai chốt giữ, quản lý các bãi thiếc Nước Oa và Dương Hòa. Thế nhưng, tình hình vẫn chưa được cải thiện triệt để. Nguồn nước sông Trường đục bạc quanh năm mà nguyên nhân xác định do hệ lụy từ khai thác thiếc bừa bãi. Điều đáng nói hơn, trong các lần ra quân truy quét, ngành chức năng hầu như không bắt giữ được đối tượng vi phạm nào. Trong khi đó, đội ngũ thi hành công vụ cũng không thể có mặt thường xuyên ở các “điểm nóng” nên tình hình khai thác quặng trái phép vẫn tái diễn.

Ông Nguyễn Nhuần – Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My phân trần, các đối tượng lén lút tận thu quặng thiếc với công cụ đơn giản, thô sơ nên rất khó phát hiện, đẩy đuổi. Hạn chế là lực lượng truy quét của huyện rất mỏng, trong khi địa hình rộng, phức tạp nên không đủ khả năng truy quét, chốt giữ thường xuyên, liên tục cùng lúc tại tất cả khu vực trên địa bàn huyện. Trong một văn bản gần đây về quản lý khoáng sản, chính quyền địa phương thừa nhận thực trạng tàn phá môi trường lấy quặng thiếc rất phức tạp. Các đối tượng chủ yếu là dùng sức nước từ trên cao để làm xói lở, trôi chảy đất, càng làm cho mức độ hủy diệt môi trường thêm nặng hơn. Được biết, năm 2011, lãnh đạo huyện Bắc Trà My từng kiến nghị cấp trên lập hồ sơ cấp phép cho đơn vị đủ điều kiện tiến hành thăm dò, khai thác quặng thiếc trên địa bàn huyện nhưng chưa được chấp thuận. Các bãi thiếc quý đang bị “móc ruột” mỗi ngày, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản.

TRẦN NGUYỄN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xói lở đất rừng ở các bãi thiếc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO