Xóm bún gần 200 năm tuổi

PHÚC VIỆT - QUỲNH TRÂN 01/07/2016 08:03

Nghề làm bún tươi truyền thống ra đời và tồn tại ở khối phố Phương Hòa Đông, phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ đã gần 200 năm qua.

Bà Lại Thị Từ (60 tuổi) chia sẻ kinh nghiệm làm bún ngon: “Gạo làm bún phải là gạo 13/2 thuần chủng trộn chung với gạo 5 số theo tỷ lệ 1:1 để bún dai, không nhão và gạo phải được vuốt thật sạch thì bún mới trắng. Sau khi lăn bột thành từng khối thì phải lấy bao ny lông đậy lại để bột không bị nứt, khô se; nếu bột bị nứt, khô da thì con bún sẽ không thẳng đều. Rồi khi luộc thì phải đun lửa lớn để đủ nhiệt độ bún chín, không ngâm bún lâu trong nồi bún sẽ nhão và nát. Từng công đoạn cũng phải thực hiện chuẩn xác, canh đúng thời gian thì bún mới đảm bảo chất lượng”. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hồng Sa cho biết, công đoạn quan trọng của việc làm bún là thời gian bòng. Tức gạo sau khi ngâm mềm vớt ra xay rồi cho bột đã xay vào một túi vải, vặn miệng túi chặt lại và vác đá chần lên trên túi bột cho rỏ nước trong vòng 10 tiếng. Nếu không đủ thời gian đó, bột chưa đủ độ khô nhưng nếu để lâu quá bột sẽ bị chua.

Theo tài liệu “Di tích đình làng Phương Hòa”, nghề bún tươi truyền thống Phương Hòa có cách đây gần 200 năm. Ông tổ làm bún là ông Nguyễn Dột, quy trình làm bún thủ công phải qua nhiều công đoạn, thuở ban đầu có 5 -7 hộ, sau phát triển thêm. Nghề làm bún tươi được phát triển rộng khắp trong làng ấp, kết hợp với nuôi đàn heo thịt, đời sống người dân được ổn định, giải quyết được lao động. Ngày 13.4.2008, làng vinh dự và tự hào đón nhận bằng công nhận làng nghề bún tươi truyền thống Phương Hòa.

Bà Bùi Thị Tự (88 tuổi) là người làm bún lớn tuổi nhất “xóm bún” cho biết, bà sinh ra và lớn lên tại đây, từ khi mới lên ba lên năm tuổi, bà đã phụ giúp gia đình một số việc vặt trong các công đoạn làm bún. “Của hồi môn” mà ông bà, cha mẹ để lại cho bà chính là nghề làm bún. Rồi bà lập gia đình và ở lại đây tiếp tục công việc gia truyền của dòng họ. “Nhờ có nghề bún, với tận dụng nước vo gạo, nước luộc bột, luộc bún; chúng tôi nuôi thêm heo nên kinh tế gia đình cũng ổn định và nuôi 4 người con khôn lớn, trưởng thành”. Bà Tự tâm sự. Hai người con gái bà là Lại Thị Từ (60 tuổi) và bà Lại Thị Tư (57 tuổi) cũng đang tiếp tục nối nghiệp mẹ và bà vẫn phụ giúp các con như đun lửa, quay kít... Cũng như bà Tự, rất nhiều người ở xóm bún vì là “con nhà nghề” nên từ nhỏ họ đã biết làm bún. Ông Nguyễn Châu (78 tuổi) và bà Nguyễn Thị Đồng (67 tuổi) cũng vậy, họ đều là người dân gốc tại đây nên họ không biết mình đã làm bún được bao nhiêu năm. Ông Châu chia sẻ: “Chúng tôi sinh ra, rồi lớn lên cùng nghề bún”. Đời ông truyền đời cha rồi đời cha truyền đời con, các thế hệ trong các gia đình nối nhau giữ nghề”.

Bà Nguyễn Thị Đồng chia sẻ thêm, mỗi ngày gia đình bà làm khoảng 50kg gạo, được khoảng 85 - 90 ký bún, tùy vào chất lượng gạo. Bà bỏ sỉ giá 9.000 đồng/kg, bán lẻ thì 10.000 đồng/kg. Nếu bán hết tổng tiền lãi khoảng 400 nghìn đồng. Bà nói: “Nhờ làm bún tôi có thêm một khoản tiền để dành lúc đau ốm, dưỡng già. Và tôi sẽ tiếp tục làm đến khi nào không còn sức khỏe để làm nữa thì thôi”. Là khách hàng thường xuyên của xóm bún, chị Phạm Thị Thu Hà (53 tuổi, khối phố Phương Hòa Nam, phường Hòa Thuận) chia sẻ: “Tại chợ thì bún được bày bán  rất nhiều, nhưng thông tin bún có chứa hóa chất, hàn the luôn làm người tiêu dùng như tôi cảm thấy lo lắng. Do đó, bún tại “xóm bún” là sự lựa chọn an toàn để gia đình tôi yên tâm đổi món thay cơm vào những bữa cuối tuần”.

PHÚC VIỆT - QUỲNH TRÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xóm bún gần 200 năm tuổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO