Xóm đan rổ

VIẾT DUYÊN 02/07/2013 08:51

Nằm cách đường ĐT 618 xuống Tam Hải, biển Rạng khoảng vài trăm mét, thôn An Tây (xã Tam Quang, Núi Thành) có 7 gia đình gắn bó với nghề đan rổ hấp cá từ lâu.

Bảy gia đình này tạo thành xóm nghề đan rổ bỏ mối cho các cơ sở hấp cá. Theo ông Lương Công Cừu (54 tuổi, người trong thôn) cho biết: “Trước đây ở thôn có cụ Võ Thanh Tịnh làm nghề này, nhà cụ có mở cơ sở và thuê người về làm công. Sau đó, cụ Tịnh truyền nghề đan rổ cho con trai là Võ Thanh Minh và còn truyền cho cả anh em tôi”. Giải thích về sự hình thành xóm nghề, trong khi người dân ở đây chủ yếu theo nghiệp biển, ông Cừu nói rằng, các mặt hàng thủy sản từ vùng biển như cá, mực… để đưa lên Tây Nguyên tiêu thụ thường được hấp chín. Lượng cá, mực hấp phục vụ thị trường Tây Nguyên lớn nên đòi hỏi số lượng rổ hấp nhiều nhưng lượng cung ứng rổ ở các cơ sở địa phương Quảng Ngãi, Bình Định không đáp ứng kịp nên thương lái phải tìm mua rổ hấp cá ở các tỉnh khác. Nhờ thế nghề đan rổ hấp cá của An Tây được duy trì.

Anh Lương Thế Vĩnh (bên trái) và nhân công vót nan làm vành rổ.Ảnh: Viết Duyên
Anh Lương Thế Vĩnh (bên trái) và nhân công vót nan làm vành rổ.Ảnh: Viết Duyên

Ông Cừu cho hay, rổ có hai loại, loại nhỏ (đường kính 40cm) giá 18.000 đồng/cái; loại lớn (đường kính 60cm) giá 24.000 đồng/cái (tùy thời điểm). Mỗi cái rổ bán ra, trừ chi phí, công cán, người làm nghề lãi 2.000 - 3.000 đồng. Ghé thăm An Tây, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh các mẹ, các chị chăm chút ngồi đan. Còn đàn ông thì cặm cụi chẻ tre, vót nan trước hiên nhà. Từ đôi bàn tay họ, những chiếc rổ làm xong được chở đến các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phan Thiết để tiêu thụ.

Anh Lương Thế Vĩnh, người xóm nghề, cho biết: “Để làm ra một cái rổ tròn có đường kính 40 - 60cm đòi hỏi phải qua nhiều công đoạn và sự khéo tay như làm vành, làm mê, chấn, thui, nứt (buộc cước)... giống như một “dây chuyền” sản xuất hàng trong xí nghiệp. Mỗi công đoạn đều có người đảm trách riêng. Nguồn tre được cung cấp từ các huyện Phú Ninh, Thăng Bình..., 10 ngày một chuyến, mỗi chuyến khoảng 170 cây (giá từ 4,5 - 5 triệu đồng, tùy thời điểm). Tùy theo kinh nghiệm, công đoạn và số lượng sản phẩm mà người chủ cơ sở trả tiền công cho người làm. Chị Trần Thị Thuận làm công đoạn nứt rổ, mỗi cái được 1.200 đồng; còn đóng chống, đóng đinh thì dễ dàng hơn nên tiền công cũng ít hơn, mỗi cái rổ đóng đinh xong được tính 500 đồng. “Mỗi ngày mẹ con cô đóng đinh được 100 cái rổ, được 50.000 đồng. Làm cả ngày mà được chừng đó kể cũng ít nhưng được cái nghề này ở trong mát, nhẹ nhàng, lúc nào rảnh thì làm” - cô Lê Thị Mai (44 tuổi) cho hay.

Anh Lương Thế Vĩnh - cũng là Bí thư Chi đoàn thôn An Tây - tiếp nối nghề đan rổ hấp cá từ cha mình, ông Lương Công Cừu, được hơn 5 năm nay. Nghề không những đem lại thu nhập ổn định cho gia đình anh Vĩnh mà còn giúp giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động lớn tuổi trong thôn. Anh Vĩnh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thanh niên huyện Núi Thành trong phong trào “lập thân, lập nghiệp”. Từ nghề đan rổ, mỗi tháng anh Vĩnh thu nhập 5 - 6 triệu đồng. Từ thành công của mình, cộng với nhu cầu của thị trường tiêu thụ rổ ngày càng nhiều, anh đã rủ những thanh niên trong thôn không có nghề nghiệp ổn định đến nhà cùng làm nghề. “Ở đây có em Phạm Văn Vương (ở thôn 2) đã làm cho cơ sở nhà mình được mấy năm, giờ rành nghề lắm, thành chuyên nghiệp rồi. Mỗi ngày Vương được trả công sản phẩm ít nhất 170 nghìn đồng. Những người tranh thủ làm lúc rảnh rỗi cũng kiếm được 50 nghìn đồng/ngày”.

Có thể nói, nghề đan rổ cung cấp cho các cơ sở hấp cá trở thành nghề chính để nuôi sống gia đình 7 hộ dân nơi đây. Ngoài ra, cơ sở của các gia đình này đã giúp giải quyết gần 100 lao động nhàn rỗi trong vùng kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống hàng ngày. Cả trẻ em tranh thủ ngày hè cũng tham gia đan rổ kiếm tiền mua sách vở cho năm học mới.

VIẾT DUYÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xóm đan rổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO