Xóm Gò còn được gọi là xóm Hai Huyện bởi vì xóm… thuộc hai huyện. Vậy thì chẳng có chi để nói nếu như nó không… nằm giữa sông! Đó là đoạn cuối của sông Bà Rén. Tách ra từ sông Thu Bồn, khúc sông chạy qua Cầu Chìm gọi tên Tam Thi (chẳng biết bây giờ có ai gọi vậy không?), khúc còn lại mang tên Bà Rén. Xóm là cái cồn nằm cuối sông Bà Rén, trước khi sông hợp lưu với sông Ly Ly, chảy ngang Bàn Thạch, chợ Nồi Rang rồi đổ ra biển.
Nhà cửa khang trang ở xóm Gò. Ảnh: B.LÂM |
Ở xóm Hai Huyện, sông chia hai nhánh, nhánh phía bắc thuộc huyện Duy Xuyên, phía nam, thuộc Quế Sơn. Không gọi xóm Cồn mà lại là xóm Gò, có thể khi xưa chỉ là cái gò đất mọc lẻ loi giữa sông. Cho nên xóm cũng chia đôi, nửa là một đội sản xuất của thôn Thi Thại thuộc xã Duy Thành (Duy Xuyên), nửa kia thuộc thôn Trà Đình 2 xã Quế Phú (Quế Sơn). Từ Mộc Bài tách theo hướng đông, rồi ngược về phía đông bắc, qua một chiếc cầu phao tên gọi cầu Gò là đến xóm Gò. Xóm chia làm đôi theo trục đông – tây, qua hết xóm Gò - Quế Phú là đến xóm Gò - Duy Thành, lại vượt một chiếc cầu bê tông khá hẹp là… ra khỏi xóm.
Thời trước, ghe buôn bán đi từ Hội An lên, ghé Bàn Thạch và lên cả nơi này. Phía đối diện xóm Gò về phía mạn nam có cái biền lớn đầy cỏ lát. Nghe mấy cụ già kể rằng một vị quan Lãnh binh bị tử trận đã được đưa về đây bằng ghe và chôn trên một cánh đồng nằm phía bên bờ nam của sông Gò mà lai lịch của vị Lãnh binh vẫn là điều bí ẩn, chưa được tìm hiểu rõ. Ngày trước, xóm Gò ít ruộng, chỉ toàn đất thổ. Sau năm 1975, dân nhận thêm ruộng ở hai bên sông để làm. Thời thịnh, nhiều gia đình làm nghề chài lưới, chủ yếu đánh cá trên sông. Đi biển thì có ghe nhà ông L. Nhà ông L. ở đuôi xóm, tiếp giáp ngã ba sông Bà Rén hợp lưu với sông Ly Ly nên rất thuận lợi cho ghe thuyền vào ra. Ghe nhà ông L. nhận nhiều “bạn” trong làng cùng đi biển khơi, mấy tháng mới về. Sau này, nghề đi biển thu hẹp dần, nhiều người chuyển qua làm các ngành nghề phổ thông khác, nhiều người ra Đà Nẵng, vào Tam Kỳ, thậm chí vào tận miền Nam để làm ăn.
Chiếc cầu dẫn vào xóm Gò. Ảnh: B.LÂM |
Có một điều đặc biệt là dân xóm Gò rất khoái đua ghe! Đua ghe khi mùa màng rảnh rỗi, đua ghe ngày tết hoặc vào các dịp nghỉ lễ. Xóm nho nhỏ như vậy nhưng có đến hai đội ghe đua, một thuộc Duy Thành, một thuộc Quế Phú, với những “con bơi” nổi tiếng khắp vùng. Những ngày tết hoặc lễ lớn, hai đội ghe đua này còn tham gia đua tận ngoài Đà Nẵng và không ít lần lần giật giải! Thường, ngày tết ngày lễ, người ta tổ chức đua ngay sông Gò, đoạn thuộc xã Quế Phú nối liền xóm Đình với xóm Gò bởi chiếc cầu phao. Sau một tai nạn gây chết đuối, giải đua này dừng hẳn.
Bây giờ, xóm Gò, cả Duy Thành và Quế Phú đã rất khang trang. Nhà cửa khá đẹp. Những thổ đất vườn đã xanh ngắt màu đậu phụng hoặc rau các loại. Từ một sự phát hiện tình cờ một khách nước ngoài đã hình thành một tuyến du lịch làng quê đặc biệt chạy ngang qua xóm Gò. Tuyến bắt đầu từ Hội An qua Cẩm Kim, tới Bàn Thạch, ghé ngang xóm Gò, lên chợ Mộc Bài, chợ Gò Dê, qua Duy Trung, Duy Sơn rồi lên Mỹ Sơn. Khách đi bằng xe máy, có khi bằng xe đạp. Có đoàn có hướng dẫn viên, có đoàn tự đi. Đây là tuyến du lịch làng quê khá thú vị đối với khách nước ngoài, vừa có phong cảnh phong phú, vừa gần hơn rất nhiều so với tuyến đường ô tô qua ngõ Vĩnh Điện. Khi bắt đầu thi công cầu Gò phía nối xóm Gò với thôn Trà Đình 2, khách vẫn tự tìm ra được đoạn đường tạm để duy trì tuyến. Hy vọng sau khi hoàn thành cầu mới và nhất là xây dựng được chiếc cầu kiên cố nối Hội An với Cẩm Kim, đây sẽ trở thành tuyến du lịch thú vị dành cho du khách.
Khi ấy, xóm Gò không những là xóm Hai Huyện mà sẽ trở thành xóm của rất… nhiều huyện!
LÊ TRÂM