Là khối phố khó khăn nhất của phường Phước Hòa, nhưng đã trở thành truyền thống, năm nay khối phố 6 - người dân quen gọi theo tên cũ xóm Cồn Thị - vẫn tổ chức ngày hội trung thu cho trẻ em địa phương. Công việc cũng đã được phân chia từ trước: chi đoàn cùng trẻ em tự làm lồng đèn; chi bộ và ban nhân dân khối phố đi vận động nguồn quỹ mua bánh kẹo, tặng quà cho thiếu nhi; đội lân của xóm tranh thủ luyện tập sau giờ học; và cuối cùng, vào đêm hội trung thu, tất cả người lớn phải có mặt để cùng thắp lên niềm vui của xóm lao động.
Đội lân xóm Cồn Thị biểu diễn tại hội trung thu của xóm. Ảnh: THANH XUÂN |
Ngay sau khi cơn bão số 4 đi qua, cả xóm Cồn Thị bắt tay vào tổ chức đêm hội trung thu. Mới 5 giờ chiều, đám trẻ con đã kéo ra sân nhà sinh hoạt văn hóa gõ dàn âm thanh trống con, chập cheng thúc giục cả xóm chuẩn bị dự hội trung thu. Xóm Cồn Thị nghèo nhất phường Phước Hòa, với hơn 300 hộ dân hầu hết là lao động phổ thông, làm bữa nào hay bữa đó. Nhưng hôm nay, trẻ em nhà nào cũng được bố mẹ cho ăn cơm tối sớm hơn mọi ngày, rồi cả nhà chuẩn bị tươm tất để cùng đi dự hội. Bốn mẹ con chị Hồ Thị Tiềm cũng theo hàng xóm đi dự hội, chị đẩy xe lăn đưa đứa con gái lớn bị bại liệt theo sau hai đứa nhỏ. Chồng qua đời vì ung thư, hai năm nay chị Tiềm một mình tất tả nuôi 3 con, buổi sáng bán cháo gạo lức, buổi chiều bán bánh gói, hôm nay xóm mở hội trung thu, chị tranh thủ gánh hàng về sớm để đưa con đi chơi. Nỗi vất vả có lẽ sẽ còn lâu mới vơi, nên chị chỉ muốn đem lại niềm vui cho đứa con gái tật nguyền được lúc nào hay lúc đó. “Tôi đi làm quanh năm, đâu có đưa con đi chơi được nhiều, nên chỉ có trung thu thì mới đưa con đi chơi, năm nào cũng vậy, có khi đẩy xe đưa con qua tận trụ sở UBND phường để nhận quà, con nó bị tàn tật nên làm gì được cho nó vui là mình vui” - chị Tiềm chia sẻ.
Trong ngày hội trung thu, bốn mẹ con chị Hồ Thị Tiềm như bỏ lại phía sau nỗi buồn gia cảnh để hòa trong niềm vui chung của xóm lao động. Bởi ở đây, mỗi người có một nghề, người buôn bán dạo, người làm thợ hồ, đánh bắt cá trên sông, làm thuê, đổi nước ở chợ..., họ đồng cảnh ngộ kiếm cơm đong gạo từng bữa, rồi cũng từ cái khó bao đời họ lại trở nên gắn bó, tối lửa tắt đèn dìu dắt nhau. Ngay cả những đứa trẻ cũng sớm tự lập và biết đoàn kết sẻ chia. Em Lê Hoàn Chỉnh - đội trưởng đội lân xóm Cồn Thị chia sẻ: “Từ đầu tháng 8 âm lịch em đã hội ý với bạn bè cùng xóm lập đội lân rồi gọi thêm mấy em nhỏ rủ nhau tự luyện tập sau giờ học. Lân của tụi em nhỏ thôi nhưng mà đoàn kết và vui là chính”.
Ở xóm Cồn Thị này, trung thu có lẽ không chỉ là ngày hội của trẻ thơ mà còn là niềm vui của mọi người ở mọi lứa tuổi. Bà Ngô Thị Tá (78 tuổi) năm nay lại thêm một lần được dự ngày hội với cả 9 đứa cháu chắt. Bà đã gắn cả đời mình ở xóm chài Cồn Thị, trải qua những ngày đói khổ nhất nên lại càng thấy được giá trị của cuộc sống hôm nay, bà đã cười suốt hội trung thu, những nụ cười hạnh phúc. “Trung thu năm ni vui hơn mọi năm, có múa lân, trẻ con được tổ chức vui hội, được phát quà. Bà thấy xóm ni dù nghèo nhưng không khí rất vui” - bà Tá nói.
Xóm Cồn Thị ở bên kia sông Bàn Thạch, nơi ấy từ bao đời nay, cuộc sống tách biệt với thị thành. Ngay cả tiếng trống lân cũng như tan vào dòng người ngược xuôi bên kia sông. Nhưng cũng nơi ấy có những giá trị vẫn tròn trịa để ai đã một lần đến sẽ biết dừng lại giữa nhịp sống bề bộn, để biết trân trọng hơn những gì đã có được hôm nay. Và biết chia sẻ nhiều hơn trong cuộc sống.
THANH XUÂN