Sông Thu Bồn, phía mạn nam, chảy xuống tới đoạn gần cửa biển hình như bắt đầu chậm lại, chưa đến độ “dùng dằng” không chịu chảy như dòng Hương Giang nhưng cũng làm nên những vũng, những lạch sông. Ở đó, có những xóm nhỏ thật lạ...
Đường vào làng Hà Nới.Ảnh: LÊ TRÂM |
Những chi lưu thì chảy từ dòng chính Thu Bồn vào làng vào xóm, vòng vèo một tí rồi lại “chui” ra ở cuối sông. Cái thì hợp từ mấy nguồn nước chảy từ phía nam ra, cũng giao duyên vào với Thu Bồn. Đoạn sông nối từ Thu Bồn vào tận Bàn Thạch cũng tạo nên những đặc điểm khó lẫn của sông nước Quảng Nam vùng hạ du. Nghĩa là bên bồi, bên lở; rồi lại… bên lở bên bồi. Là những con lạch, những bàu, những bờ bãi làm nên sự màu mỡ cho những con đất dọc hai bên triền sông.
Hà Trước, Hà Nới
Con đường bê tông chạy từ Nam Phước (Duy Xuyên), dọc theo bờ nam Thu Bồn, qua đến Hà Nhuận, xã Duy Phước (Duy Xuyên), đoạn gần chợ Gò bây giờ đã rất thênh thang. Nhưng cứ rẽ vào phía sông là bắt gặp những hàng tre ken dày, râm mát, ra tí chút nữa là bờ là bãi, hoặc gành. Năm này thì gành sâu hoắm có khi sang năm đã là bờ bãi! Cái tên nghe là lạ níu tôi rẽ vào một ngõ xóm: xóm Hà Trước (nghĩa là phía trước sông so với làng mạc bên trong?). Chạy một hồi qua chiếc cầu nho nhỏ, đến gần sông quẹo phải chạy theo con đường hẹp, dọc theo sông một khúc ngắn là… hết đường! Và gặp… tiếng gọi của một người phụ nữ: “Chú ơi, hỏi ai vậy?”. Tôi kịp ghé vào một cái bia ghi dấu khu căn cứ cũ của xã Cẩm Kim, lưu giữ ở xóm Thượng Phước này. Dân thì cứ gọi là xóm Hà Nới (là đất nới thêm ra phía sông?).
Người phụ nữ ấy tên là Trần Thị Kết. Chị bảo xóm này chỉ có 8 nhà và lại thuộc… Cẩm Kim. Chính là khu căn cứ Thượng Phước cũ. Rồi cười bảo, dân thành phố Hội An đấy! Nhưng cũng có mấy nhà chỉ có… nhà và không có người ở. Họ đi xa lâu lâu mới về thắp hương hay cúng kính gì đó! Chị bảo, khoảng những năm 1997 - 1998 phía sau nhà chị là… gành. Sâu lắm. Sông cứ lở dần, lở dần vào sát sau nhà. Vợ chồng chị đành mua thêm một vuông đất và làm nhà phía trong xóm Hà Trước, bên kia bàu. Nhưng vẫn cứ phải quay về chăn nuôi, trồng trọt phía vườn nhà cũ. Độ mươi năm trở lại đây phía sau nhà chị lại trở thành bãi cát rộng thênh và ngày càng được bồi đắp thêm. Thế là người ta quay về chỗ cũ, đắp thêm đất, làm nhà, nhà đổ bê tông kiên cố hẳn luôn. Đất đai quá thật có sự cuốn hút, níu giữ vô cùng kỳ bí và linh thiêng. Đặc biệt, là với những người nông dân vốn ngàn đời gắn bó với vườn tược, đất đai. Như chị. Và họ không muốn có sự thay đổi.
Bấp bênh
Tôi hỏi, sao ở lọt thỏm trong đất Duy Xuyên, thậm chí đã mua đất làm nhà trên đất Hà Trước, thuộc Duy Xuyên mà vẫn cứ hướng về Cẩm Kim, xa lắc dưới kia, mỗi lần đi phải qua cây cầu Bà Ngân vô cùng cách rách, thì chị Kết cười bảo, ở đâu quen đó, dễ chi thay đổi! Trong một bài viết trước đây tôi từng đề cập đến chuyện xen canh, xen cư này và nhận ra nét độc đáo của một số vùng quê ở Quảng Nam. Hồi chiến tranh, một số nhà dời lên tận đầu cầu Câu Lâu để ở nhưng khi chết lại quay về an nghỉ ở nghĩa trang thuộc xã… Cẩm Kim, phía bên kia cầu Bà Ngân. Thì bao nhiêu đời nay đã vậy thì cứ thế mà làm!
Tôi chui qua rào tre sau nhà chị Kết đi ra sông. Phía trước là một bãi bói mọc lúp xúp kéo dài ra tận phía mép nước. Chị Kết bảo năm ngoái, bãi toàn cát mịn, nhìn rất đẹp. Đã có nhà đầu tư lên dọ hỏi thuê bãi 50 năm làm dự án gì đó nhưng rồi chẳng thấy ai nhắc đến nữa. Chuyện gần như cồn đất Triêm Tây ở bên Điện Phương cạnh đó. Cũng có nhiều người tới hỏi mua đất quanh vùng nhưng rồi gần đây đã vắng hẳn! Có vẻ như chưa đến thời điểm để có sự thay đổi ở vùng đất kéo dài từ Hà Trước đến Hà Nới. Xóm Hà Nới không có ruộng, chỉ có đất thổ, đất vườn để trồng hoa màu, bầu bí và nuôi bò. Mùa bão lũ thì mọi thứ ngưng trệ hẳn. Việc trồng lác để dệt chiếu, trồng hoa màu, bầu bí hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường và thương lái vô cùng bấp bênh mà điển hình là một mớ bí đao bị bỏ nằm lăn lóc dưới rặng tre sau vườn nhà chị Kết. Chị bảo, ban đầu giá rẻ quá nên không bán, cuối cùng chẳng thấy ai mua nữa nên đành bỏ. Tiếc nhưng biết làm sao hơn…
Tôi quay lên đầu xóm, đứng giữa chiếc cầu đúc bê tông do một người thiện nguyện tài trợ nối Hà Nới với Hà Trước, nhìn xuống. Từ góc nhìn này, Hà Nới trông thật yên bình, đầy sức sống. Và đẹp! Chợt hiểu vì sao ai cũng gắn bó với nơi này. Ngày cận tết, những người quê xứ này đi làm ăn nơi xa, cháu con khắp nơi lại trở về, Hà Nới trở nên sôi nổi rộn ràng như bao làng quê khác trên đất Quảng.
LÊ TRÂM