Quán sửa xe mà tôi ghé nhỏ xíu, nằm trên con đường dẫn ra chợ ngay sát bờ sông. Tôi không hỏi chủ quán về khoảng thời gian hành nghề nhưng nhìn màu luyn loang kín nền đất tôi đoán chừng cũng đã lâu lắm.
Không gian trong quán như càng sẩm tối bởi những vết ố và sự cũ kỹ của các vật dụng. Nền nhà màu đen, những lốp xe rỗng đen sì treo tầng tầng lớp lớp phía trên cao, rồi từng thùng đồ nghề nơi này một ít, nơi kia một ít, chiếc quạt máy con con đã gãy chốt, đôi dép nhựa sứt quai được vá lại bằng sợi cước ngả màu.
Tay làm miệng nói, người chủ tiệm kể trước đây là công nhân trong ngành đường sắt. Công việc chủ yếu dọn cỏ và các vật liệu xuất hiện bất ngờ trên đường ray, rồi vác đá, vác cọc thép, thay thế những thanh ray khi cần… Sau này, vì tuổi cao không còn đủ sức làm việc nặng nên chú xin nghỉ, cùng vợ dạt vào phố thuê một gian hàng gần xóm chợ hành nghề sửa xe.
Bây giờ, khi nhà ai cũng ba bốn chiếc xe máy hoặc lên đời ô tô thì cửa hàng của chú chỉ nhận sửa xe đạp. Những tưởng ế khách, nhưng mà không. Đó là những cô cậu sinh viên nghèo, những em học sinh, những bà thím đang đèo hàng đi chợ, những ông bác đang đạp xe thể dục bị tuột phanh, lỏng xích…
Đang ngon trớn kể chuyện, chú bỗng nhiên dừng lại khi có một dì khách lớn tuổi đến nhờ sửa phanh. Chú hỏi tôi có thể chờ được không, tôi gật. Chú thay phanh xong, không quên tra thêm dầu vào cổ xe, lúc vô tình đụng tay vào chiếc pê-đan nghe cứng chú lại lật đật đi tìm dụng cụ cạy ra, cho thêm dầu, xoay đi xoay lại mấy vòng.
Chú có đến ba loại dầu tra. Chai thứ nhất màu đen kịt, chai thứ hai đục nhờ, loại thứ ba quánh dẻo có màu vàng mơ. Tôi để ý, dù trên cùng một chiếc xe nhưng ở mỗi vị trí, bộ phận chủ tiệm lại dùng một loại dầu đặc trị riêng.
Dì khách chợt quay sang phía tôi bắt chuyện: “Dì ở tận ngoại ô, vô tình một lần bị hư xe giữa đường thì gặp chú giúp, từ đó đến nay, mỗi lần chiếc xe giở chứng, dì lại tìm đến quán để sửa”. Đến đoạn trả tiền công, dì chủ ý trả thừa thêm một ít, bảo biếu chú ăn quà.
Ngồi ở quán một hồi, khách hàng vào ra liên tục. Khác với sự mua bán, thúc giục ở khu chợ cách đó mấy bước chân, không khí ở đây thật thong dong, nhẹ nhõm. Vì quán chật, nên người trẻ sẽ nép vào góc xó hoặc ngồi sát mé đường, nhường lại chỗ rộng hơn cho những người lớn tuổi. Mọi người ai cũng chào hỏi thân thiện, cười nói rộn ràng.
Tôi chợt nhận ra, trong thành phố vội vã, đông đúc và ngày càng chật chội này, nếu ai đó trong những chuyến dịch chuyển của mình biết chịu khó mở lòng ra để lắng nghe, quan sát thì sẽ tràn ngập những điều bình dị mến thương. Có khi, nơi tối sẫm nhưng lại chan hòa ánh sáng, những nơi cũ kỹ nhưng không hề dung chứa sự phai tàn. Như góc quán ấy, ngày nào cũng mới mẻ, xôn xao.