Xót xa cảnh thú rừng bị xẻ thịt

ĐÔNG YÊN 13/09/2023 16:00

(QNO) – Mặc dù chính quyền, ngành kiểm lâm đẩy mạnh tuyên truyền, quản lý và xử phạt các hành vi buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép nhưng hoạt động này vẫn còn lén lút tái diễn ở một số địa bàn miền núi. Báo Quảng Nam đã thâm nhập và xót xa khi chứng kiến các loại thú rừng như voọc, gấu… bị xẻ thịt không thương tiếc.

Các loại tay gấu tươi, tay gấu ngâm rượu được bà N.L. bán trái phép và khẳng định sẽ ship hàng toàn quốc theo nhu cầu của khách. Ảnh: Đ.Y
Các loại tay gấu tươi, tay gấu ngâm rượu được bà N.L. bán trái phép và khẳng định sẽ ship hàng toàn quốc theo nhu cầu của khách. Ảnh: Đ.Y

Lén lút bán thịt thú rừng

Hiện nay, một số địa bàn miền núi của tỉnh vẫn còn tình trạng lén lút kinh doanh, buôn bán thịt thú rừng. Tại huyện Bắc Trà My, có thời điểm, sự ráo riết vào cuộc của lực lượng chức năng khiến hành vi phạm pháp luật này chìm lắng. Nhưng thời gian gần đây, mọi chuyện đâu lại vào đấy.

Qua mạng xã hội Facebook, phóng viên tiếp cận một tài khoản tên N. L. với lời tự giới thiệu là đầu nậu lớn nhất nhì về các loại thịt ĐVHD và sản phẩm tận thu từ thú rừng. Sau những ngần ngại và dò xét, người phụ nữ này đồng ý nói địa chỉ.

Thấy khách lạ, bà N. chỉ giới thiệu một vài loại thú rừng như dúi, heo và sóc với lời khẳng định chắc nịch là “hàng rừng” 100%. Trong chiếc bao tải được cấp đông, bà N. tư vấn nhiệt tình, đưa các bọc thịt heo rừng, nai, dúi đã được xẻ thịt ra để khách xem hàng.

“Nếu ở xa thì chị sẽ hỗ trợ đóng kiện gửi về cho các em, tiền ship chỉ 100 nghìn đồng/thùng thôi. Các em yên tâm không lo mất hàng vì chị gửi đi các tỉnh thường xuyên” – chồng bà N. cam đoan.

Khi đã tin tưởng nên phóng viên tỏ ý muốn tìm “hàng cao cấp” là gấu rừng thì bà N. khẳng định bà có bán cao gấu loại “xịn”, giá dao động từ 700 nghìn đồng cho tới vài triệu đồng. Thậm chí, người phụ nữ này còn gửi qua tin nhắn cho chúng tôi hình ảnh và video về tay, chân, các bộ phận nội tạng gấu đã được mổ xẻ để bán.

Một bộ 4 chân gấu có giá 25 triệu đồng, còn móng gấu, móng và nanh cọp thì rẻ nhất là 700 nghìn đồng đến khoảng 10 triệu đồng. Sau những tin nhắn qua lại, bà N. xóa hình trong tin nhắn để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện.

Mật gấu, cao gấu, các loại thịt thú rừng cũng luôn có khi khách cần. Ảnh: Đ.Y
Mật gấu, cao gấu, các loại thịt thú rừng luôn có khi khách cần. Ảnh: Đ.Y

[VIDEO] - Công khai buôn bán thịt gấu:

Qua điều tra, tại thị trấn Bắc Trà My, nhiều cửa hàng trang sức, cá nhân lén lút bán các sản phẩm móng gấu, móng hổ và nanh hổ. Trong vai những khách đi phượt, chúng tôi ghé tiệm vàng gần chợ thị trấn để hỏi mua loại sản phẩm bất hợp pháp này. Không chút ngần ngại, chủ tiệm vàng mang ra một số loại móng gấu thô và một số đã được làm thành phẩm bọc vàng.

“Ở đây, vẫn còn gấu tự nhiên họ nuôi lấy mật và xẻ thịt nhưng anh chỉ có móng làm trang sức thôi. Giá thì rẻ nhất là 300 nghìn đồng/móng và đắt thì tầm hơn 600 nghìn đồng, còn móng cọp thì đắt lắm, từ vài triệu đồng trở lên nên nếu mua anh sẽ lấy ra cho xem. Loại này hàng cao cấp nên không tùy tiện được” – chủ tiệm vàng cho biết.

Người đàn ông này khẳng định, ở đây các cửa hàng kinh doanh vàng bạc đều có, giá ngang bằng nhau và chỉ hơn nhau về việc bọc vàng có thẩm mỹ hay không mà thôi. Để làm tin, chúng tôi buộc lòng mua 1 móng gấu nhỏ với giá 300 nghìn đồng.

Ở một số tiệm vàng tại thị trấn Bắc Trà My luôn có sẵn các loại trang sức làm từ móng gấu, cọp. Ảnh: Đ.Y
Ở một số tiệm vàng tại thị trấn Bắc Trà My luôn có sẵn các loại trang sức làm từ móng gấu, cọp. Ảnh: Đ.Y

Khi lấy món hàng này đi hỏi người địa phương, ngay lập tức nhận được sự giới thiệu đến một người chuyên cung cấp. Để an toàn, người đàn ông tên B. đón chúng tôi tại một quán cà phê. Tại đây, B. đưa chúng tôi xem 4 cái móng gấu và 1 móng cọp còn nguyên thô.

“Các anh tìm đến đây là đúng địa chỉ rồi. Hàng mà các anh vừa mua đúng là móng gấu nhưng là loại không chất lượng, đã qua sử dụng được bán lại mới có giá 400 nghìn đồng. Còn ở đây anh bán giá “chát” hơn nhưng móng đẹp, riêng móng cọp này giá 3 triệu đồng và cần thêm thì anh sẽ lấy về ship tận nhà cho” – B. vừa nói, vừa hướng dẫn chúng tôi biết cách chọn móng gấu sao cho đẹp. 

Nếu khách có nhu cầu làm thành mặt dây chuyền đeo thì cũng có người nhận làm ngay để khách mang đi gấp.

Người đàn ông tên B. giới thiệu các loại móng gấu, cọp cho khách. Ảnh: Đ.Y
Người đàn ông tên B. giới thiệu các loại móng gấu, cọp cho khách. Ảnh: Đ.Y

Voọc trở thành... mồi nhậu

T. – “thổ địa” không dám ra mặt nhưng gửi vị trí vài quán nhậu ở thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn) để chúng tôi tự xâm nhập. Nhâm nhi ly cà phê, T. cười và hỏi: “Các anh tin là có cả  thịt vọoc không?”. Thấy sự ngỡ ngàng của chúng tôi, T. giải thích: “Voọc ở đây người ta săn như bao thú rừng khác. Sau đó mang về sấy khô để bán cho các quán nhậu, hiện giờ có mấy đội săn như vậy nhưng họ không cho mình theo đâu vì sợ bị lực lượng chức năng phát hiện”.

Trong vai những người làm công trình xây dựng, chúng tôi vào quán nhậu U.N. Thấy khách vãng lai, bà chủ quán chối ngay việc có thịt thú rừng: “Kiểm lâm bắt được phạt ngay nên không có đâu”. Tuy nhiên, từ những thông tin do T. cung cấp nên qua nói chuyện, người phụ nữ này tin tưởng và chỉ chúng tôi vào tủ cấp đông trong góc bếp để lựa thịt.

Trong túi ni lông kín mít được giấu sâu dưới đáy tủ lạnh, người phụ nữ mở ra và cho biết đây là thịt voọc đã sấy khô. Để chứng minh là voọc thật, bà nhanh chóng đặt 2 tảng thịt đen đúa, bóng nhẫy lên mặt bàn cho chúng tôi xem. Đồng thời, chỉ cho chúng tôi cách phân biệt thịt voọc như thế nào.

“Hàng này, dạo này hiếm lắm vì người dân săn khó khăn hơn do kiểm lâm quản lý chặt. Nếu các anh mua thì em để giá 600 nghìn đồng/kg, còn cả xương lẫn thịt chung thì 500 nghìn đồng” – chủ quán nhậu U. N. nói.

Chủ quán nhậu ở thị trấn Khâm Đức đưa ra các tảng thịt và khẳng định là thịt voọc thật. Ảnh: Đ.Y
Chủ quán nhậu U. N. ở thị trấn Khâm Đức đưa ra các tảng thịt và khẳng định là thịt voọc thật. Ảnh: Đ.Y

Thậm chí, khi chúng tôi bày tỏ nhu cầu mua hàng để gửi biếu bạn bè ở Hà Nội, bà này quả quyết có thể gửi xe khách hoặc qua các bưu điện với điều kiện khách phải đặt cọc tiền trước. Thậm chí, nếu có nhu cầu thu mua xương voọc hoặc khỉ để nấu cao, bà này cũng sẵn sàng cung cấp với giá chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi ký.

Rời quán U. N., chúng tôi tiếp cận một người từng buôn bán ĐVHD có tiếng ở Phước Sơn. “Bán lời lắm nhưng giờ nghĩ lại thấy thất đức nên tôi nghỉ bán rồi, chuyển qua kinh doanh nghề khác để tích phước cho con cháu” – bà H. phân trần.

Nhiều đầu nậu bán voọc tại Phước Sơn ra giá từ 400 - 700 ngàn/kg thịt voọc. Ảnh: Đ.Y
Nhiều đầu nậu bán voọc tại Phước Sơn ra giá từ 400 - 700 nghìn đồng/kg thịt voọc. Ảnh: Đ.Y

Bằng mối quan hệ từng có, không khó khăn để H. chỉ một số đầu mối bán thịt thú rừng tại huyện này. Sau khi đọc “mật mã” là tên người “dẫn mối”, N. – một người bán thịt thú rừng, ngay lập tức yêu cầu chúng tôi nhắn tin qua Zalo để bảo mật, né tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Qua tin nhắn, N. gửi cho phóng viên nhiều hình ảnh, video ghi lại cảnh sấy khô thịt mà N. khẳng định là voọc. Thậm chí, N. còn yêu cầu phóng viên không dùng từ voọc để tránh bị cảnh sát công nghệ cao quét từ khóa, phát hiện việc buôn bán trái phép này.

“Có người bán trộn hàng là thịt khỉ nhưng mình chỉ bán cho bạn hàng được giới thiệu, tin tưởng nhau thì tôi chỉ bán hàng đúng voọc” - N. quả quyết.

[VIDEO] - Voọc bị xẻ thịt làm mồi nhậu:

Sẽ xử lý nghiêm

Ông Nguyễn Văn Tình - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn cho biết, tất cả các hộ kinh doanh tại địa bàn huyện này đã ký cam kết tuyệt đối không tiêu thụ các sản phẩm liên quan đến ĐVHD. Tuy nhiên, vừa qua, cơ quan chức năng cũng phát hiện và xử phạt một số vụ việc liên quan đến thú rừng.

Về thông tin thịt voọc sấy khô bán tại các quán nhậu, ông Tình khẳng định: “Hiện nay, voọc tại Phước Sơn đã không còn, do đó chưa thể khẳng định thông tin này là thật hay giả. Tuy nhiên, đơn vị sẽ khẩn trương tiến hành kiểm tra, làm việc với chủ cơ sở được phản ánh, đồng thời sẽ xử phạt nghiêm khi phát hiện vi phạm”.

Còn ông Trương Bá Lâm - Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My nói, từ thông tin Báo Quảng Nam cung cấp, đơn vị sẽ sớm làm việc với chủ cơ sở N.L., các cá nhân buôn bán ĐVHD và xử lý đúng quy định của pháp luật nếu có những hành vi vi phạm pháp luật.

Các quán nhậu ở Phước Sơn bán thịt voọc tại quán và sẵn sàng chế biến khi có yêu cầu. Ảnh: Đ.Y
Một quán nhậu ở Phước Sơn bán thịt voọc và sẵn sàng chế biến khi khách có yêu cầu. Ảnh: Đ.Y

Từ năm 2020 đến tháng 6/2023, trên toàn địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 92 vụ vi phạm pháp luật liên quan bảo vệ ĐVHD (8 vụ vô chủ). Trong đó, đã xử lý 83 vụ vi phạm hành chính về hành vi mua bán, vận chuyển động vật rừng thông thường trái pháp luật, thu giữ 1.576 cá thể, cứu hộ 1 cá thể Tê tê Java nằm trong danh mục loài nguy cấp quý hiếm. Tổng số tiền xử phạt hơn 331,95 triệu đồng.

Các cơ quan chức năng cũng thả lại môi trường tự nhiên 1.229 cá thể ĐVHD và tiến hành tiêu hủy những cá thể đã chết, bị bệnh theo quy định... Tịch thu các dụng cụ tự chế, gồm 1 súng cồn, 1 súng hơi và 9.921 bẫy dây dùng săn, bẫy bắt động vật rừng.

Thịt voọc bị cắt nhỏ, làm thành món ăn bán cho khách. Ảnh: Đ.Y
Các hành vi buôn bán ĐVHD cần được nghiêm trị. Trong ảnh: Thịt voọc bị cắt nhỏ, làm thành món ăn bán cho khách. Ảnh: Đ.Y

Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã ký ban hành chỉ thị về tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ ĐVHD trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm chính đối với ngành mình quản lý về công tác quản lý, bảo vệ các loài ĐVHD, nhất là các loài nguy cấp, quý, hiếm.

Quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ các loài ĐVHD; gương mẫu không sử dụng, tiêu thụ trái phép ĐVHD và các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ ĐVHD.

Yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố tổ chức tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo vệ các loài ĐVHD; đặc biệt tại các khu vực, địa điểm có nguy cơ cao như: nhà hàng, quán ăn, địa điểm đông khách du lịch, nơi có các khu rừng tự nhiên và cư trú của các loài ĐVHD cũng như các loài di cư.

Tổ chức ký cam kết thực hiện “5 không”: Không săn bắt, không vận chuyển, không buôn bán, không nuôi nhốt, không sử dụng, tiêu thụ trái phép ĐVHD và các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD. 

Các địa phương cần chỉ đạo đơn vị chức năng tăng cường tuần tra truy quét trong rừng, khu vực trọng điểm; kiểm tra các nhà hàng, quán ăn, các chợ, các địa điểm kinh doanh, các khu dân cư, các cơ sở gây nuôi ĐVHD… để phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về săn bắt, mua bán, vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, trưng bày, quảng cáo để kinh doanh các loài ĐVHD, mẫu vật các loài ĐVHD trái phép …

Công an tỉnh cần chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các địa phương phối hợp với lực lượng kiểm lâm, chủ rừng, tăng cường đấu tranh phòng ngừa và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến ĐVHDã; tổ chức theo dõi, xử lý các hành vi quảng cáo mua bán ĐVHD trên không gian mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xót xa cảnh thú rừng bị xẻ thịt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO