Xứ đảo linh hoạt trong chuyển đổi nghề

MINH HẢI - PHẠM QUỐC 04/09/2021 07:00

Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến hoạt động du lịch ở Cù Lao Chàm (Hội An) điêu đứng gần hai năm nay. Tính toán chuyển đổi tạm thời từ du lịch sang nghề biển là một trong những giải pháp để ứng phó với khó khăn.

Người dân ở Cù Lao Chàm quay lại nghề biển để tìm sinh kế trụ lại qua đại dịch. Ảnh: H.Q
Người dân ở Cù Lao Chàm quay lại nghề biển để tìm sinh kế trụ lại qua đại dịch. Ảnh: H.Q

Du lịch - dịch vụ gặp khó

Trước năm 2009, xã đảo Tân Hiệp là địa phương thuần ngư với 95% dân số làm ngư nghiệp. Đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào khai thác, đánh bắt hải sản và thường xuyên phải nhận cứu trợ từ đất liền vào mùa biển động. Hoạt động du lịch đã thực sự giúp Tân Hiệp chuyển động mạnh mẽ, với nhiều tín hiệu tích cực.

Từ năm 2017, đây là xã đầu tiên trên toàn tỉnh không còn hộ nghèo. Mức thu nhập bình quân của người dân trên đảo vào năm 2019 đạt tới 52,4 triệu đồng/người/năm (cao hơn cả một số phường ở các đô thị trên địa bàn tỉnh). Và nguồn thu ngân sách xã tăng trên 30 tỷ đồng/năm.

Theo thống kê của xã, đã có 85% người dân từ nghề biển chuyển sang nghề du lịch và dịch vụ du lịch. Điều này cũng khiến nhóm ngành du lịch - thương mại - dịch vụ trở thành chủ đạo (chiếm 70%) trong cơ cấu kinh tế của xã.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến mọi thứ đảo lộn. Lượng khách du lịch đến Cù Lao Chàm trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 35.542 lượt (chỉ bằng 53,7% so với cùng kỳ năm 2020) và giảm rất sâu so với các năm trước khi có đại dịch. Lượng khách trên chỉ đạt khoảng 20% so với kế hoạch đặt ra. Và bắt buộc, địa phương này phải có giải pháp thích ứng để giảm thiểu phần nào khó khăn trong đời sống của nhân dân.

Bà Phạm Thị Mỹ Hương - Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết: “Trước đây, xã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn để địa phương phát triển bền vững đồng thời đem lại thu nhập cao cho người dân. Nhưng qua đại dịch, du lịch tê liệt, để giúp người dân trên đảo có sinh kế ổn định đời sống nên HĐND xã vừa thông qua nghị quyết chuyển đổi ngành nghề phù hợp cho bà con”.

Thích ứng với sinh kế truyền thống

Cuối tháng 7 vừa qua, HĐND xã Tân Hiệp đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng 6 tháng cuối năm 2021. Trong đó, ở lĩnh vực ngư - nông - lâm, vận động nhân dân kiêm nghề, đa nghề khai thác hải sản. Chú trọng các giải pháp hài hòa giữa quyền lợi người dân và hoạt động bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Được biết, ngoài việc xác định nghề biển là ngành kinh tế chủ lực hiện tại, kỳ họp HĐND xã Tân Hiệp vừa qua cũng đã tán thành phát triển khu chuyên canh trồng rau sạch trên đảo.

Việc phát triển thêm sản lượng rau vừa giúp xã chủ động trong việc cung ứng thực phẩm, vừa giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh khi phải chờ vận tải từ đất liền. Đây cũng là một giải pháp cho tương lai để phục vụ cho ngành du lịch.

Các hoạt động du lịch phải hoạt động cầm chừng, thậm chí có thời điểm “đóng băng”, nên thời gian qua người dân đã linh hoạt chuyển đổi công năng các phương tiện ghe, thuyền chuyên vụ du lịch sang đánh bắt, khai thác thủy hải sản. 

“Mặc dù nghề biển nhọc nhằn, không cho thu nhập cao như làm du lịch, nhưng trước mắt cũng giúp gia đình có được nguồn thu trang trải, thêm nữa là cũng cho phương tiện hoạt động tránh hư hỏng” - ông Vũ - chủ tàu phục vụ dịch vụ du lịch tham quan, lặn biển “Trang Vũ” chia sẻ.

Còn ông Lê Đối - một chủ nhà hàng hải sản bộc bạch: “Giá cả hải sản tại đảo bây chừ giảm khoảng 50% so với trước khi có dịch. Nhưng với mức thu nhập từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/người đi làm biển/ngày thì cũng rất khá rồi”. 

Qua thống kê sơ bộ, đến nay có khoảng 20 phương tiện chuyên phục vụ du lịch trên đảo đã hoán cải tạm thời để làm nghề biển. Các phương tiện này sẽ được hoán cải công năng để phục vụ du khách một khi du lịch sôi động trở lại. Bên cạnh đó, một số hộ như ông Trần Đức còn mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng để mua sắm thêm phương tiện gắn bó lâu dài với nghề biển.

Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cũng có thư ngỏ chia sẻ các khó khăn của người dân Tân Hiệp trong đại dịch, khẳng định ủng hộ việc thích ứng quay lại sinh kế cũ; đồng thời mong muốn ngư dân không sử dụng nghề mành đèn trong khu bảo tồn biển, khai thác cua đá đúng kích thước… để duy trì nguồn lợi hải sản, bảo vệ môi trường.

Bà Huỳnh Thị Thùy Hương - Phó Trưởng phòng Truyền thông và phát triển cộng đồng (Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) cho hay: “Các quy định về phân vùng bảo tồn biển, quy định về khai thác thì từ lâu người dân trên đảo luôn chấp hành rất tốt. Khi nhận thấy lượng ngư dân quay lại nghề tăng lên, chúng tôi cũng có thực hiện phát tờ rơi tuyên truyền thêm cho nhân dân địa phương tiếp tục phát huy, chấp hành các yêu cầu bảo tồn biển”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xứ đảo linh hoạt trong chuyển đổi nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO