Xu hướng dịch chuyển FDI toàn cầu

QUỐC HƯNG 26/06/2015 10:25

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu năm 2015 dự báo sẽ tăng so với năm trước, cùng với xu hướng dịch chuyển của FDI về các thị trường truyền thống.

Bảng báo cáo của Liên hiệp quốc ngày 24.6 thống kê, FDI toàn cầu năm 2014 giảm rất đáng kể so với năm 2013, với mức giảm 16%, tức khoảng 1.230 tỷ USD. Tuy nhiên, sự dàn trải FDI lại rất không đồng đều ở các khu vực. Tỷ như, FDI đổ vào các nước đang phát triển gia tăng ở mức cao nhất, với 2%, khoảng 681 tỷ USD, nằm trong top 10 nhóm nhận FDI cao nhất toàn cầu, thì nhóm các nước phát triển lại chứng kiến dòng chảy FDI vào khu vực với mức giảm 28%.

Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (United Nations Conference on Trade and Development- UNCTAD) lý giải nguyên nhân dẫn đến FDI toàn cầu năm 2014 giảm mạnh là sự hồi phục mong manh của nền kinh tế toàn cầu khi đó. Ngoài ra, sự e ngại của các nhà đầu tư vào thị trường do nguy cơ rủi ro từ những cơn biến động địa chính trị diễn ra khá căng thẳng tại nhiều nơi trên thế giới, nhiều nhà đầu tư lớn cũng rút vốn đầu tư đợi cơ hội, tránh tổn thất lớn.

Nhiều nước Đông Nam Á tiếp tục là điểm thu hút FDI. (Ảnh: ponds)
Nhiều nước Đông Nam Á tiếp tục là điểm thu hút FDI. (Ảnh: ponds)

Tuy nhiên, trước nhiều cơ hội và dự báo khả quan về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015 và cho những năm sau, UNCTAD cho rằng FDI toàn cầu năm 2015 tăng 11%, tức tăng 1.400 tỷ USD so với năm 2014, rồi tiếp tục tăng ấn tượng 1.500 tỷ USD năm 2016 và 1.700 tỷ USD năm 2017. Để đạt được những tín hiệu vui trên, các chính phủ, tổ chức, hiệp hội, khu vực đàm phán kinh tế đang và sẽ nỗ lực thực hiện hiệu quả 3.300 thỏa thuận kinh tế đã được ký kết cho đến thời điểm hiện tại. Liên quan đến vấn đề này, Mukhisa Kituyi - Tổng thư ký UNCTAD thừa nhận, nhiều thỏa thuận đầu tư quốc tế xem ra “lỗi thời” bởi không theo kịp sự biến động của thị trường hiện nay và những năm sau này. Do đó, sự cải tổ, thay đổi một số định luật đầu tư hệ thống đầu tư quốc tế toàn cầu là rất cần thiết để bắt kịp xu hướng của thời đại.

Theo UNCTAD, 2015 sẽ là một năm tăng trưởng mạnh dòng vốn FDI vào châu Âu. Đó là nhờ Ngân hàng trung ương châu Âu vào cuối tháng 3 vừa qua đã thông qua Chương trình nới lỏng định lượng (Quantitative easing- QE) để kích thích nền kinh tế, sau vài năm suy thoái do khủng hoảng nợ công. Với QE, các ngân hàng trung ương sẽ tạo ra tiền bằng cách mua chứng khoán như trái phiếu chính phủ mà trước đây chưa có nhằm tăng quy mô dự trữ ngân hàng trong nền kinh tế bằng số lượng tài sản được mua. Bên cạnh đó, sự mất giá kỷ lục hiện nay của đồng euro so với đồng USD và các ngoại tệ khác, lãi suất tiền tệ thấp sẽ là những nhân tố chính giúp EU trở thành điểm thu hút vốn FDI.

Thậm chí FDI lại có xu hướng chảy quay về thị trường các nước phát triển nhờ các nước này đã giảm lợi thế so sánh về giá nhân công so với các nước phát triển, lợi thế về cơ sở hạ tầng, lao động có chuyên môn cao và thị trường tiêu thụ tiềm năng.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xu hướng dịch chuyển FDI toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO