Xu hướng phát triển canh tác hữu cơ

NAM VIỆT 20/11/2019 14:38

(QNO) - Hiện nay, thực phẩm hữu cơ nhận được rất nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng.

Một trang trại canh tác hữu cơ. Ảnh: national geographic
Một trang trại canh tác hữu cơ. Ảnh: national geographic

Canh tác hữu cơ hay nông nghiệp hữu cơ là một hệ thống nông nghiệp luân phiên khép kín chủ yếu dựa vào phân bón có nguồn gốc hữu cơ, làm tăng cường độ phì của đất và cân bằng sinh thái, vì sự phát triển bền vững. Trong đó thực phẩm hữu cơ thực vật bao gồm các loại rau củ quả.

Theo Liên đoàn Các phong trào nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM), nông nghiệp hữu cơ hay canh tác không sử dụng hóa chất để tạo ra sản phẩm sạch. Đây là một mô hình sản xuất đóng góp an ninh lương thực bền vững, cải thiện dinh dưỡng vì sức khỏe cộng đồng và duy trì sinh kế khu vực nông thôn, đồng thời vừa giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu vừa bảo vệ môi trường.

Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ (FiBL) và IFOAM, trong năm 2017, diện tích đất hữu cơ tăng lên trên tất cả châu lục, với tổng cộng 69,8 triệu héc ta đất dành cho canh tác hữu cơ, tăng 20% so với năm 2016. Trong đó, Australia đứng ở vị trí số một với 35,6 triệu héc ta.

Tuy nhiên, đất nông nghiệp hữu cơ trên toàn thế giới chỉ chiếm 1,4% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp nói chung. Cũng trong năm 2017, thị trường nông nghiệp hữu cơ mang về cho cho nền kinh tế thế giới khoảng hơn 100 tỷ USD.

Công nhân đóng gói rau hữu cơ tại một trang trại ở tỉnh Ratchaburi, Thái Lan. Ảnh: AFP
Công nhân đóng gói rau hữu cơ tại một trang trại ở tỉnh Ratchaburi, Thái Lan. Ảnh: AFP

Tại Đông Nam Á, Philippines hiện có diện tích trang trại dừa hữu cơ với gần 150.000ha, chiếm 70% tổng diện tích dừa hữu cơ của khu vực; trong khi cà phê hữu cơ được trồng ở Indonesia, với hơn 46.000ha. Việt Nam cũng nằm trong 170 quốc gia có mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên thế giới. 

IFOAM cho biết, hiện Philippines đứng thứ 5 trong danh sách các quốc gia có số lượng nhà sản xuất hữu cơ lớn nhất khu vực. Năm 2010, Chính phủ Philippines thông qua một đạo luật về phát triển nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt để nhà nông khai thác sức mạnh và lợi ích của sản phẩm nông nghiệp không có hóa chất.

Tại Thái Lan, Viện Cộng đồng nông nghiệp bền vững (ISAC) được thành lập để thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ và khuyến khích nền nông nghiệp bền vững. Thông qua Kế hoạch quốc gia về canh tác hữu cơ, Thái Lan phấn đấu đạt 208.000ha đất canh tác hữu cơ vào năm 2021 và có ít nhất 40% sản phẩm từ các trang trại này được tiêu thụ trong nước.

Tại Pháp, nhiều người dân ở các đô thị lớn tự cung cấp rau sạch bằng phương pháp thủy canh và khí canh, dựa trên công nghệ để tạo ra sản phẩm hữu cơ, sạch, vừa bảo vệ sức khỏe và không gây ô nhiễm môi trường.

Đồng sáng lập chợ nông sản hữu cơ Johor Green tại Malaysia, ông Chris Parry cho biết, nông nghiệp hữu cơ, một xu hướng được chứng minh mang lại sự cân bằng cho mọi thứ sống - đó là một phong trào có thể trao quyền cho cả người nông dân và người tiêu dùng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xu hướng phát triển canh tác hữu cơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO