Mối đe dọa của các cuộc khủng hoảng (như dịch bệnh) lên hệ thống thực phẩm toàn cầu có thể được giảm thiểu thông qua các hệ thống thực phẩm địa phương.
Dịch bệnh Covid-19 hoành hành khắp thế giới gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Covid-19 gây thiếu hụt lao động, đình trệ sản xuất và chế biến, gián đoạn hậu cần và sự không thống nhất về cung - cầu đã ảnh hưởng đáng kể đến mức sản xuất, phân phối. Thực phẩm địa phương (local food) vì thế rất được chú trọng trong thời gian qua và có xu hướng có thể bùng nổ trong những năm tới.
Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) khuyến nghị các quốc gia và người tiêu dùng cần hỗ trợ các hệ thống thực phẩm địa phương thời hậu Covid-19 với các chuỗi cung ứng ngắn hơn, công bằng hơn và sạch hơn, như một chương mới trong lĩnh vực an ninh lương thực toàn cầu.
Thực phẩm địa phương thường được xem như là một khái niệm địa lý, chỉ khoảng cách từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Một số công ty bán lẻ có định nghĩa riêng về thực phẩm địa phương, như Wal – Mart cho rằng thực phẩm địa phương ở Mỹ là thực phẩm được sản xuất trong nước Mỹ. Một cuộc khảo sát do công ty nghiên cứu thị trường Ipsos Mori và Cơ quan đánh giá tiêu chuẩn phực phẩm tại Vương quốc Anh cho thấy, 35% người tiêu dùng mua nhiều thực phẩm địa phương hơn so với trước cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19.
Theo các chuyên gia, thực phẩm có nguồn gốc địa phương cung cấp lợi ích xã hội cho cộng đồng. Vincent J. Miller - Giáo sư tại Đại học Dayton, bang Ohio (Mỹ) cho rằng, tiêu dùng địa phương tạo ra các kết nối quan trọng của con người trong cộng đồng, điều này rất quan trọng trong thời kỳ khủng hoảng. Hơn nữa, trong điều kiện lệnh phong tỏa hay hạn chế đi lại vì dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thì hệ thống lương thực địa phương thúc đẩy kinh doanh vùng nông thôn, cung ứng lương thực thực phẩm, sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.
Tạp chí Forbes cho rằng, một trong những lý do mà người tiêu thụ ưu tiên chọn lựa thực phẩm có nguồn gốc địa phương vì sự lành mạnh và an toàn. Bởi chuỗi cung ứng ngắn, thực phẩm sẽ được thu hoạch khi đến mùa và tiêu thụ ngay sau đó giúp thực phẩm tươi hơn và bổ dưỡng hơn với các đặc tính tăng cường miễn dịch mạnh hơn. Cũng theo Forbes, các nhà sản xuất thực phẩm địa phương không phụ thuộc vào lao động, vận chuyển, đóng gói hoặc phân phối sẽ giúp phục hồi tốt hơn nếu bị gián đoạn.
Cho dù là đóng gói, chế biến, vận chuyển hay phân phối, khoảng cách ngắn của hành trình thực phẩm đi từ sản xuất đến tiêu thụ sẽ ít tác động đến môi trường tại mỗi điểm dừng và dọc theo chuỗi cung ứng. Sản xuất địa phương cũng tạo ra trách nhiệm lớn hơn giữa các nhà sản xuất, điều đó có nghĩa là họ sẽ có nhiều khả năng tham gia các hoạt động có trách nhiệm với môi trường. Forbes cho rằng, nếu như trước đại dịch Covid-19, vấn đề an ninh lương thực chủ yếu là mối quan tâm của các nước đang phát triển thì nay trở thành mối quan tâm của tất cả các nước, cả giàu và nghèo. Trong tình hình hiện nay, sản xuất thực phẩm địa phương quan trọng hơn bao giờ hết.
Theo nghiên cứu gần đây của công ty đo lường toàn cầu Nielsen, sản phẩm có nguồn gốc địa phương là một trong ba động lực chính ảnh hưởng đến hành vi và thói quen mua sắm của người tiêu dùng hậu dịch Covid-19 trên toàn thế giới, bên cạnh chất lượng và hiệu quả, và công nghệ.