Quảng Nam đã quy hoạch đồng bộ từ đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải sinh hoạt thông thường đến chất thải công nghiệp nguy cơ ô nhiễm cao. Tuy nhiên, ngoài công nghệ và hạ tầng xử lý tốt, các ngành chức năng cần giám sát có hiệu quả “đường đi” của chất thải nguy hại.
Năm 2022, nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Bắc Quảng Nam bằng công nghệ lò đốt tại Đại Lộc đã đưa vào vận hành, thay thế khu xử lý rác thải Đại Hiệp (Đại Lộc) đã đóng cửa. Đây là nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt cho các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn.
Nhằm giám sát “đường đi” của rác, chính quyền tỉnh đã yêu cầu các địa phương lắp đặt thiết bị đầu cuối (ti vi, máy vi tính) để phối hợp với Công ty CP Môi trường Huy Hoàng ECO (chủ đầu tư nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Bắc Quảng Nam) kết nối, truyền dữ liệu camera giám sát việc giao, nhận rác thải tại nhà máy để theo dõi, quản lý.
Theo Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam, công ty đảm bảo thu gom rác tối thiểu từ 2 - 3 lần/tuần để giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đồng thời đàm phán với Công ty CP Môi trường Huy Hoàng ECO để thống nhất kế hoạch tiếp nhận rác vào ban đêm cho phù hợp, không để xảy ra tình trạng ứ đọng xe rác tại khu vực vào nhà máy, gây ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, Sở TN-MT chủ động phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt là các cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại (nhà máy tái chế dầu công nghiệp, dầu thải và tiêu hủy chất thải nguy hại tại xã Đại Hiệp của Công ty TNHH Thương mại và xây dựng An Sinh và cơ sở xử lý chất thải nguy hại tại xã Tam Xuân 2, Núi Thành của Công ty TNHH MTV Xử lý Môi trường Quảng Nam).
UBND tỉnh giao Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; kịp thời chấn chỉnh, xử lý đối với các cơ sở vi phạm.
Công an tỉnh chỉ đạo các phòng chức năng và công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; đặc biệt là hành vi thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp không đúng quy định.
Phó Giám đốc Sở TN-MT Võ Như Toàn cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, sở đã yêu cầu Công ty TNHH Thương mại và xây dựng An Sinh, Công ty TNHH MTV Xử lý môi trường Quảng Nam và các tổ chức, cá nhân có hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp và cung cấp đầy đủ chứng từ liên quan đến hoạt động vận chuyển, xử lý cho chủ nguồn thải và lưu giữ chứng từ xử lý chất thải theo đúng quy định.
Theo Sở TN-MT, Đề án quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 hướng đến mục tiêu từng bước đưa công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước vào sử dụng. Áp dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hạn chế hình thức chôn lấp không đảm bảo môi trường.