(QNO) - Sáng 1.8, phát biểu kết luận hội nghị tổng kết thực hiện Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng cần xử lý nghiêm những sai phạm của các tổ chức, cá nhân thời gian qua, đồng thời hoàn thiện các quy định, chính sách để phát triển khai thác thủy sản.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: chinhphu.vn |
Chủ trương đột phá, chính sách hợp lòng dân
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhất trí cao với đánh giá của đại diện các bộ, ngành, địa phương trong phần thảo luận trước đó cho rằng, sau 3 năm thực hiện Nghị định 67, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân, đã thu được nhiều kết quả rất quan trọng trong việc thực hiện các chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, hỗ trợ ngư dân...
Rõ nét nhất là những kết quả quan trọng trong việc đổi mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá; đóng mới 761 tàu trong đó có 301 tàu vỏ thép; việc đào tạo thuyền viên; bảo quản hải sản theo công nghệ mới; việc tổ chức sản xuất trên các vùng biển cũng được triển khai hiệu quả hơn…
“Với những kết quả thu được nêu trên, có thể khẳng định việc ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP là chủ trương lớn mang tính đột phá, đồng bộ, trúng và đúng với tâm tư nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các mục tiêu chiến lược của Nghị định 67 đã được triển khai có hiệu quả” - Phó Thủ tướng nói.
Bước đầu đã đạt được mục tiêu của chính sách về hiện đại hóa tàu cá, thể hiện qua kết quả triển khai chính sách vay vốn tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá.
Cùng với đó, đã tạo động lực khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư đóng mới tàu cá có công suất lớn bằng vật liệu vỏ thép, vỏ vật liệu mới; ngư dân mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật khai thác và bảo quản sản phẩm tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Việc triển khai thực hiện Nghị định 67 trong 3 năm qua cũng đã góp phần quan trọng vào việc tái cơ cấu ngành khai thác hải sản theo hướng bền vững và tổ chức lại sản xuất trên các vùng biển theo hướng vùng biển xa bờ tổ chức sản xuất theo tổ đội, nghiệp đoàn nghề cá; giảm áp lực khai thác trên vùng biển ven bờ góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nâng cao đời sống của cộng đồng ngư dân ven biển.
Tàu kém chất lượng, người đóng chịu trách nhiệm
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng bên cạnh nhiều kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Nghị định 67 còn bộc lộ các hạn chế, tồn tại cả trong nội dung của Nghị định, cả trong việc triển khai thực hiện.
“Chính sách đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đòi hỏi. Cơ sở hạ tầng nghề cá chất lượng thấp, thiếu đồng bộ, việc đầu tư, nâng cấp chưa tương xứng, chưa đáp ứng yêu cầu của ngư dân” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Các chính sách về bảo hiểm còn vướng mắc, việc thực hiện bảo hiểm khi có sự cố còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, hệ thống giám sát tàu cá trên biển còn thiếu, chưa hiệu quả, chưa bảo đảm tốt an toàn cho tàu cá.
Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, hạn chế lớn nhất trong quá trình triển khai Nghị định 67 chính là việc một số tàu vỏ thép tại Bình Định và một số tỉnh Nam Trung Bộ bị hư hỏng do chất lượng kém, vỏ thép bị rỉ sét nặng, máy tàu thường xuyên bị hư hỏng, trang thiết bị khai thác, hàng hải như máy dò, hầm bảo quản, bóng đèn bị hư hỏng hoặc không hoạt động... gây thiệt hại cho ngư dân và ảnh hưởng lớn đến chính sách của Đảng và Nhà nước.
Phó Thủ tướng cho rằng, có nhiều nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng này như công tác kiểm soát chất lượng tàu cá còn nhiều hạn chế, từ khâu tư vấn thiết kế đến tổ chức thực hiện; công tác giám sát thẩm định còn thiếu chặt chẽ trong tất cả các khâu; công tác đăng kiểm còn bị buông lỏng. Tuy nhiên, trách nhiệm chính phải thuộc về các doanh nghiệp đóng tàu.
“Tàu cá chất lượng hay không là do người đóng tàu, và vai trò của cơ quan kiểm tra, giám sát, đăng kiểm. Người dân không thể biết, giám sát chất lượng tàu cá. Do đó, khi xảy ra sự cố, cơ sở đóng tàu phải chịu trách nhiệm” - Phó Thủ tướng khẳng định.
Từ kinh nghiệm này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải tăng tính chuyên nghiệp, trách nhiệm của các đơn vị đóng tàu.
“Việc tăng cường kiểm tra, giám sát là cần thiết nhưng không mang tính quyết định trong việc bảo đảm chất lượng cho tàu. Quyết định chất lượng chính là các doanh nghiệp đóng tàu” - Phó Thủ tướng nói. Do đó, các doanh nghiệp đóng tàu phải nghiêm túc tuân thủ quy định, quy trình, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Yêu cầu đặt ra là chất lượng tàu đóng cho ngư dân phải được bảo đảm, đồng bộ.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: chinhphu.vn |
Tăng vai trò giám sát của người dân
Để tiếp tục thúc đẩy ngành thủy sản phát triển, trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung thực hiện đồng thời hai nhóm giải pháp. Một mặt tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị định 67 đã nêu ra. Cùng với đó, phải sớm nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của Nghị định 67 để phù hợp hơn, áp dụng hiệu quả hơn trong thực tiễn.
Trong đó, nhiệm vụ ưu tiên cấp bách là sớm khắc phục sự cố tàu vỏ thép. “Không thể người dân bỏ tiền ra mà phải mua tàu không an toàn, kém chất lượng” - Phó Thủ tướng nói và chỉ đạo: “Phải tăng vai trò giám sát của người dân, chủ tàu cá trong quá trình đóng mới, bảo dưỡng, nâng cấp tàu cá”.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải điều tra, xử lý nghiêm sai phạm của các tổ chức, cá nhân trong việc đóng mới, cải tạo tàu cá; chấn chỉnh công tác đăng kiểm.
Yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước nhanh chóng tổng hợp, rà soát các cơ sở đóng mới, nâng cấp tàu cá, đưa ra khỏi danh sách các cơ sở không đủ điều kiện hoặc thiếu trách nhiệm trong đóng mới, sửa chữa tàu cá cho ngư dân; rà soát thiết kế, vật liệu đóng tàu đã ban hành; tham khảo, tiếp thu kinh nghiệm của người dân.
Về vốn, Phó Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng thương mại vào cuộc một cách trách nhiệm, có giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn về vốn cho ngư dân.
Bộ NN&PTNT rà soát lại quy hoạch phát triển đội tàu cá, gắn với việc điều tra nguồn lợi thủy sản, bảo đảm nguồn lợi thủy sản bền vững, phù hợp với năng lực đánh bắt, đáp ứng yêu cầu tham gia bảo vệ biển đảo, chủ quyền quốc gia. Việc rà soát quy hoạch phát triển đội tàu cá cũng phải gắn với chiến lược và quy hoạch phát triển thủy sản theo hướng bền vững, tránh tình trạng đóng tàu ra thừa, không có ngư trường.
“Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của ngư dân, các địa phương để bảo đảm triển khai đồng bộ, hiệu quả Nghị định 67” - Phó Thủ tướng yêu cầu.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 theo tờ trình của Bộ NN&PTNT, tập trung ở mức cao nhất để hoàn thiện dự thảo, ban hành trong quý IV/2017.
Theo Phó Thủ tướng, về đầu tư hạ tầng nghề cá, phải có cơ chế huy động nguồn lực, xây dựng đồng bộ các hạ tầng thiết yếu của các cảng cá loại 1, khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng và đầu tư xây dựng các cảng cá động lực tại 5 khu vực là Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang.
Về vốn tín dụng, cần áp dụng cơ chế cho vay phù hợp, bổ sung cơ chế xử lý rủi ro đối với vay vốn lưu động. Quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong giám sát đóng mới, giải ngân vốn vay, hướng dẫn chuyển đổi đối với những chủ tàu không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án.
Về chính sách thuế, cần sửa đổi, bổ sung các quy định về ưu đãi thuế phù hợp với Luật Thuế hiện hành.
Các tỉnh, thành phố ven biển cần tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm chính sách đã được ban hành theo Nghị định đạt hiệu quả tốt nhất, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, đặc biệt là cần tăng cường chỉ đạo các Sở NN&PTNT trong thực hiện chính sách vay vốn đóng tàu.
Các địa phương cũng phải rút kinh nghiệm sâu sắc từ sự cố tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 bị hư hỏng, thực hiện việc khắc phục nhanh chóng, kịp thời cho ngư dân. Hướng dẫn ngư dân duy tu, sửa chữa định kỳ đối với các tàu cá vỏ thép theo quy định; tổ chức sản xuất hiệu quả, tập trung tổ chức đào tạo, tập huấn vận hành, bảo quản đối với các tàu cá vỏ thép theo quy định; theo dõi, đôn đốc ngư dân vay vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại kịp thời trả gốc và lãi khi đến hạn; kịp thời phát kiện, xử lý, báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; tập trung hỗ trợ đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên, vận hành tàu vỏ thép…
(Theo chinhphu.vn)