Xử lý nghiêm vi phạm trong phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

VĂN SỰ 05/09/2019 11:17

UBND tỉnh vừa có Công văn số 5107/UBND-KTN gửi ngành liên quan và chính quyền các địa phương yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi nhằm mang lại hiệu quả cao.

UBND tỉnh yêu cầu tăng cường kiểm tra việc xử lý tiêu hủy heo bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: VĂN SỰ
UBND tỉnh yêu cầu tăng cường kiểm tra việc xử lý tiêu hủy heo bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: VĂN SỰ

UBND tỉnh đề nghị UBND 18 huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng bằng vôi bột và hóa chất. Đồng thời thực hiện việc chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, khai báo kịp thời tình hình dịch bệnh, không vứt xác heo chết ra môi trường và không tiến hành tái đàn trong thời gian có dịch. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp phải tổ chức tổng vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng trên phạm vi rộng trong khoảng thời gian 30 ngày kể từ khi heo mắc bệnh bị chết phải tiêu hủy bắt buộc cuối cùng.

UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương xây dựng phương án giết mổ heo để tiêu thụ nhằm giảm đàn trong thời gian có dịch, đảm bảo mỗi địa phương cấp huyện không quá 3 điểm giết mổ heo tương đối đủ điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và môi trường. Cùng với đó, tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm những quy định về phòng chống dịch bệnh; vận chuyển, kinh doanh, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn; vứt xác heo chết ra môi trường. Đặc biệt, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp thu tiền của dân trái phép, yêu cầu người dân tự tiêu hủy heo mắc bệnh, khai không đúng về số lượng và trọng lượng heo buộc phải tiêu hủy theo quy định để trục lợi...

* Về việc xử lý tiêu hủy heo mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, UBND tỉnh hướng dẫn bổ sung một số biện pháp sau: Đối với các cơ sở chăn nuôi (hộ gia đình, gia trại, trang trại) có chuồng trại, khi dịch xuất hiện thì chỉ tiêu hủy những con heo mắc bệnh chết, có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi. Còn những con heo khỏe mạnh, mẫu máu xét nghiệm nếu kết quả âm tính, được để lại nuôi hoặc giết mổ tiêu thụ. Chủ cơ sở chăn nuôi chịu trách nhiệm chi trả kinh phí lấy mẫu, gửi mẫu và xét nghiệm mẫu máu đối với những con heo khỏe mạnh.

Đối với những hộ chăn nuôi heo thả rông, không có chuồng trại, thực hiện xử lý heo mắc bệnh theo các văn bản đã ban hành nhằm đảm bảo không lây lan dịch bệnh...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xử lý nghiêm vi phạm trong phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO