Sau bão số 9, rác thải sinh hoạt, lá cây, xà bần, đồ gia dụng hư hỏng xả ra môi trường với khối lượng lớn khiến nhiều tuyến phố và khu dân cư ở nông thôn ùn ứ dài ngày, đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Tại Tam Kỳ, một tuần sau khi bão số 9 xảy ra, rác thải, cành lá cây vẫn ngổn ngang khắp các khu dân cư. Các điểm tập kết, trung chuyển rác thải chậm được xử lý, nên đã bắt đầu xuất hiện ruồi nhặng, nước rỉ tràn ra. Điểm tập kết rác thải gần nhà văn hóa thôn Tân Phú (xã Tam Phú, Tam Kỳ) tồn đọng lượng rác khá lớn, nhưng chậm được mang đi xử lý.
Bộ Y tế vừa ban hành Công điện số 1732 về triển khai công tác y tế khắc phục hậu quả do mưa bão, lũ lụt. Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Phú Yên thực hiện các nội dung như sau: Chỉ đạo trung tâm kiểm soát bệnh tật, trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã, chính quyền địa phương tổ chức lực lượng, phương tiện tiến hành thu gom rác thải, xác động vật chết để xử lý tập trung, không gây ô nhiễm môi trường và phát tán dịch bệnh. Xử lý nguồn nước sinh hoạt, kiểm soát an toàn thực phẩm, phun diệt côn trùng, khử trùng tẩy uế những nơi trũng ngập nước lâu ngày. Khẩn trương tập trung thu dọn, tẩy rửa, khử khuẩn… các nhà trạm bị ngập lũ sau khi nước rút; thau rửa các bể nước ngầm.
Theo người dân địa phương, thông thường 1 - 2 ngày, xe chuyên dụng của công ty môi trường vận chuyển rác ở điểm tập kết đến các bãi xử lý tập trung, nhưng sau bão đến nay một lượng rác lớn vẫn nằm ven đường. Những ngày qua, mưa nắng thất thường khiến rác bốc mùi hôi thối.
Dọc các tuyến đường nội thành Tam Kỳ như Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học, Tôn Đức Thắng, quốc lộ 40B…, rác sinh hoạt lẫn lá cây vẫn còn ngổn ngang. Lượng rác sinh hoạt lẫn các loại thân lá cây, xà bần, đồ dùng dân sinh bị hư hỏng xả ra môi trường gấp nhiều lần ngày thường, trong khi công nhân môi trường không đủ lực lượng để xử lý. Rác tràn ngập đường phố, ao hồ, kênh mương, đến các dòng sông.
Theo UBND TP.Tam Kỳ, trên các tuyến phố trung tâm, đến nay địa phương đã hợp đồng với các đơn vị công ích xử lý triệt để lượng rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, khối lượng cành lá rơi xuống đường nhiều nên việc khắc phục môi trường cần có thêm thời gian.
Tại Hội An, cùng với lượng rác sinh hoạt thì việc dọn bùn non do lũ lụt cũng gặp khó khăn. Mấy ngày nay, lực lượng công nhân vệ sinh công cộng của TP.Hội An đã đi thu gom rác thải và dùng vòi nước xịt rửa lớp bùn non trên các tuyến phố.
Sau bão kèm theo lũ, hàng tấn rác thải theo nước lũ từ thượng nguồn Thu Bồn trôi về sông Hoài rồi tấp lên bờ. Ở khu vực phố cổ, do nhà dân sinh sống đồng thời làm địa điểm kinh doanh, nên việc dọn dẹp vệ sinh diễn ra khẩn trương.
Nhiều nhà dân, nhà hàng, cơ sở lưu trú... đã triển khai thu gom rác, vệ sinh ngay trong lúc nước lũ dâng cao để tránh bùn non bám khô. Hiện tại, thành phố đang huy động nhiều lực lượng thu gom, vớt rác trên sông, dùng xe bồn xịt rửa làm sạch các đường phố.
Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam cho biết, trong số rác thải cần xử lý sau mưa bão có nhiều loại rác công nghiệp như ván ép, tủ gỗ, nệm… của người dân bị ngập hư hỏng, đem ra đường bỏ. Mặt khác, cành thân lá cây đổ cũng được đơn vị thu gom mang đi xử lý riêng. Tuy nhiên hiện nay, công ty tập trung lực lượng vào công việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt là chính.
Ở các địa phương trung du, do rác thải phát sinh khá lớn, nếu chính quyền không quan tâm ký hợp đồng thu gom với đơn vị công ích thì sẽ không được vận chuyển rác. Những ngày đầu sau bão, công ty vận chuyển khoảng 1.500m3 rác thải/ngày, hiện nay khối lượng thu gom, xử lý ít hơn.
Ông Đoàn Kim Thịnh - Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam thừa nhận, sau bão lượng rác các loại ứ đọng dài ngày kể cả các khu dân cư nội thị. Công ty phải xử lý riêng rác thải sinh hoạt và rác thải lá cây, xà bần. “Riêng ở nội thành Tam Kỳ, đơn vị huy động tối đa lực lượng, kể cả thuê thêm lao động phổ thông khác vào dọn dẹp vệ sinh môi trường để vài ngày tới là khắc phục xong tình trạng ùn ứ rác thải” – ông Thịnh nói.