Xử lý rác thải nhà bếp tại Hội An: Hiệu quả bước đầu

QUỐC HẢI 04/08/2016 09:41

Từ đầu năm 2010, Phòng TN&MT Hội An đã triển khai “Dự án xử lý rác thải nhà bếp” nhằm tái sử dụng một lượng rác thải, tạo phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ban đầu, 30 hộ ở Cẩm Hà, Tân An, Cẩm Nam, Cẩm Thanh, Cẩm Châu là đối tượng triển khai dự án này. Tiếp sau đó, từ cuối năm 2012 đến nay, thí nghiệm đã được mở rộng tại 400 hộ có vườn trên địa bàn thành phố. “Đối tượng nghiên cứu là rác hữu cơ như cơm thừa, cá cặn, cọng rau, vỏ trái cây cùng các phụ gia như nước vo gạo, cám gạo, đất bùn và tro. Trước tiên, chúng tôi xác định quy trình ủ phân cụ thể phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Một mặt, theo dõi các hiện tượng trên các thí nghiệm khác nhau, từ đó rút ra quy trình chung cho thành phố; mặt khác, tìm hiểu khả năng và tốc độ phân hủy của rác từ các chất phụ gia khác nhau như cám gạo, nước vo gạo, tro, đất bùn. Sau đó đưa ra đánh giá, nhận xét hiệu quả phân compost dựa trên các điều kiện tối ưu để đạt chất lượng compost” - chị Trần Thị Mỹ Ánh, cán bộ Phòng TN&MT thành phố cho biết.

Rác nhà bếp được cho vào thùng làm phân compost tại Trà Quế, xã Cẩm Hà, TP.Hội An.Ảnh: Q.HẢI
Rác nhà bếp được cho vào thùng làm phân compost tại Trà Quế, xã Cẩm Hà, TP.Hội An.Ảnh: Q.HẢI

Để triển khai, ban đầu thành phố cung cấp cho 30 hộ 90 thùng compost, bình quân mỗi hộ 3 thùng. Quy trình làm phân gồm 3 bước. Trước tiên là khâu chuẩn bị rác thải, bao gồm các loại vỏ trái cây, cọng rau, thức ăn thừa; sau đó cho lượng rác đã chuẩn bị vào trong thùng compost, bổ sung thêm phụ gia để giảm thời gian phân hủy của rác và khâu hoàn thành sau phân hủy gói thành phẩm bón cho cây. Cụ thể, rác hữu cơ được thu gom lại cho vào thùng compost để ở góc vườn nhà. Sau mỗi lần bỏ rác vào thùng nhựa, cho một lượng phụ gia vào như cám gạo, nước vo gạo, tro hoặc đất bùn rồi đậy nắp thùng lại, ủ yếm khí cho đến khi nào rác phân hủy thành phân có màu nâu, tơi mịn.

Trong quá trình triển khai, một số hộ ở Cẩm Nam, Cẩm Hà và Tân An đã dừng thí nghiệm do có mùi quá hôi và xuất hiện nhiều dòi, ảnh hưởng đến sinh hoạt trong gia đình. Trong thời gian đó, mưa bão cũng đã làm hỏng hầu hết 100% các thùng phân ở Cẩm Nam, ở Cẩm Châu có 5 hộ và Cẩm Thanh 4 hộ. Các hộ này phải bắt đầu làm lại thí nghiệm. Riêng xã Cẩm Hà và phường Tân An, thí nghiệm vẫn tiếp tục thực hiện theo đúng tiến độ. Thực tế, các hộ sử dụng nước vo gạo chỉ thực hiện thùng 1 hoặc sang thùng thứ 2 thì ngưng do hỗn hợp phát sinh dòi và mùi hôi nặng. Đối với hộ sử dụng nước vo gạo mà lượng rác cho vào chỉ là chất xơ, không có nhiều chất dinh dưỡng thì hỗn hợp ít dòi và khô hơn nên thực hiện đầy đủ 3 thùng. Chị Trần Thị Mỹ Ánh cho biết thêm: “Từ thực nghiệm cho thấy, nước vo gạo có độ ẩm quá cao, không thể điều chỉnh được độ ẩm, vì vậy sinh ra nhiều dòi, mùi hôi, lượng phân không hình thành, kết quả không thành công. Đối với cám gạo, do thành phần rác hữu cơ được đưa vào không cân bằng, có hộ compost được hình thành, có hộ thì không đạt hiệu quả; nguyên nhân là thành phần đạm quá nhiều sinh ra nhiều dòi, mùi hôi. Đối với đất mùn, cần thu gom đất đạt chất lượng là các thành phần trong đất có các chất dinh dưỡng tốt như các vi sinh vật có ích, giun đất...”. Thực tế, do các hộ sử dụng đất mùn không đạt chất lượng nên quá trình thành phân không hiệu quả. Với phụ gia tro, không sinh ra mùi hôi, dòi; điều chỉnh được độ ẩm, sản phẩm khô ráo, sạch sẽ; tạo sản phẩm phân tốt. Được biết, compost được tạo thành từ 2 đến 3 tháng vào mùa hè, và 4 đến 5 tháng vào mùa đông. Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào lượng thức ăn cho vào khác nhau, cách bảo dưỡng compost, điều kiện về đất và khí hậu cụ thể.

Thông qua kết quả thí nghiệm trên, Phòng TN&MT thành phố cho rằng phụ gia phù hợp nhất cho dự án là sử dụng tro, đất mùn khô hoặc lá cây khô để điều chỉnh độ ẩm. Để triển khai hiệu quả đề án, cũng cần có sự quan tâm chỉ đạo đồng bộ các cấp các ngành. Đặc biệt, công tác tuyên truyền phải được coi trọng và tiến hành thường xuyên, sâu rộng hơn. Dự án được thực hiện tại những hộ có vườn, nhà rộng thì hiệu quả hơn. “Hiện thành phố triển khai thực hiện việc xử lý rác thải nhà bếp cho 400 hộ gia đình. Kết quả ban đầu khá khả quan, tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là dự án phải được thực hiện đúng quy trình từ khâu thu gom đến khâu xử lý. Hơn nữa, cũng cần phải đưa vào định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, văn minh đô thị của từng xã, phường và thành phố trong thời gian đến. Có như vậy, việc phân loại rác thải tại nguồn mới góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và có tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội tại Hội An” - ông Nguyễn Đình Diên, Phó Trưởng phòng TN&MT nói.

QUỐC HẢI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xử lý rác thải nhà bếp tại Hội An: Hiệu quả bước đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO