Xử lý tang vật vi phạm lâm luật: Lúng túng giữa "rừng" văn bản

TRẦN NGUYỄN 25/08/2017 09:23

Do vướng các văn bản nên lực lượng kiểm lâm vẫn lúng túng trong xử lý các hành vi vi phạm lâm luật.

“Là phổi xanh” rừng đặc dụng và phòng hộ trên địa bàn tỉnh được quy hoạch với diện tích lên đến hơn 742 nghìn héc ta nhưng có xu hướng ngày càng bị thu hẹp bởi chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng do đầu tư các dự án, công trình phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Nhưng nguyên nhân chính khiến rừng bị “teo tóp” là tình trạng phá, xâm hại rừng tự nhiên dai dẳng để mở rộng diện tích trồng rừng sản xuất. Hơn 3 năm nay, lực lượng kiểm lâm và chính quyền các địa phương gần như mất nhiều thời gian, công sức cho việc xử lý các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, nhất là các vùng giáp ranh theo tinh thần của Chỉ thị số 17/2015/CT-UBND ngày 18.8.2015 của UBND tỉnh.

Theo ông Trần Văn Thu - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh, quy định của các điều khoản trong Luật Xử lý vi phạm hành chính có nội dung “cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước trong trường hợp tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép” rất khó thực thi. Bởi lẽ phần lớn phương tiện vận tải tham gia chở gỗ lậu có giá trị lớn, người lái xe đa số làm thuê, thu nhập thấp, điều kiện kinh tế khó khăn nên người vi phạm không có khả năng nộp phạt. Hơn nữa việc quy định “nộp tiền tương đương giá trị tang vật, phương tiện vi phạm” chưa được quy định là hình thức nộp phạt chính hay phạt bổ sung. Ngoài ra, Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thực tế rất khó áp dụng vì người vi phạm đa số là người dân tộc thiểu số, lao động lái xe thuê điều kiện kinh tế khó khăn, ngoài nhà ở thì không có tài sản gì có giá trị để thực hiện việc cưỡng chế. Cá biệt một số văn bản pháp luật còn mâu thuẫn dẫn đến khó áp dụng như giữa Quyết định số 49/2016/QĐ-TTg ngày 1.11.2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý rừng sản xuất, Thông tư số 21/2016/TT-BNNPTNT ngày 28.6.2016 của Bộ NN&PTNT quy định về khai thác chính và tận dụng, tận thu lâm sản và Thông tư số 40/2015/TT-BNNPTNT ngày 21.10.2015 của Bộ NN&PTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT ngày 4.1.2012 của Bộ NN&PTNT quy định hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản có quy định khác nhau về thủ tục khai thác, xác nhận, lưu thông gỗ rừng trồng là rừng sản xuất.

Vướng mắc là bán đấu giá tài sản gỗ tịch thu. Ở cấp huyện, hội đồng xử lý gỗ tịch thu được thành lập gồm nhiều ngành chuyên môn.  Thông thường, hội đồng xử lý gỗ tịch thu địa phương chờ gỗ tập kết về với khối lượng lớn mới giải quyết bán đấu giá một lần, trong khi gần như ngày nào các ngành chức năng cũng tịch thu gỗ lậu. Từ khi tịch thu đến lúc bán đấu giá mất tối thiểu hơn 1 tháng. Đó là chưa kể những vụ cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác minh nguồn gốc kéo dài, khiến gỗ hư mục theo thời gian. Gỗ thuộc nhóm 6, 7 nếu không bảo quản tốt, để ngoài trời một thời gian ngắn giá trị chỉ còn tương đương với củi khô. Trong trường hợp gỗ tịch thu vô chủ, kiểm lâm lập biên bản, ra quyết định tạm giữ gỗ vắng chủ, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 30 ngày. Cho nên sau thời gian thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng thì chất lượng gỗ giảm sút, thất thoát tài sản nhà nước.

TRẦN NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xử lý tang vật vi phạm lâm luật: Lúng túng giữa "rừng" văn bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO