Xử phạt nợ bảo hiểm xã hội: Nhiều rào cản

LÊ DIỄM 10/08/2018 07:35

Kể từ ngày 1.7.2018, Quyết định 888/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam có hiệu lực thi hành, nhằm tạo cơ sở pháp lý để xử phạt các đơn vị chây ì, nợ đọng kéo dài hay trốn đóng các loại bảo hiểm cho người lao động.

Khi doanh nghiệp nợ thì quyền lợi của lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh: D.L
Khi doanh nghiệp nợ thì quyền lợi của lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh: D.L

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ban hành Quyết định 888/QĐ-BHXH về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Quy trình thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Cụ thể, trường hợp người sử dụng lao động chậm đóng BHYT từ 30 ngày trở lên thì phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng 2 mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì bị trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động (quy định cũ, trong trường hợp này, thẻ BHYT được coi là hết giá trị sử dụng). Quyết định 888 này sửa đổi và thay thế Quyết định 595, trong đó điểm mới chủ yếu là tập trung giải quyết khúc mắt cho đơn vị tham gia BHXH cho người lao động. Đơn vị tham gia có trụ sở chính ở một nơi khác, nhưng có chi nhánh ở các tỉnh thành thì có thể tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động tại trụ sở chính mà không cần tham gia ở nơi mở chi nhánh.

Về vấn đề này, theo BHXH tỉnh nếu triển khai thực hiện thì đây sẽ là một bất cập lớn cho công tác quản lý đơn vị sử dụng lao động cũng như tham gia bảo vệ quyền lợi cho người lao động của địa phương đang làm việc tại chi nhánh của các doanh nghiệp có trụ sở chính ở nơi khác. Lý do người lao động của tỉnh nhưng tham gia BHXH ở tỉnh, thành khác mà không tham gia trong tỉnh, nên cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp không quản lý được hồ sơ. Nếu có tranh chấp lao động xảy ra, mọi quyền lợi của người lao động sẽ bị ảnh hưởng, vì cơ quan quản lý nhà nước không vào cuộc được, người lao động muốn được giải quyết chế độ liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN phải đến tận nơi tham gia chính sách để được giải quyết.

Theo thống kê, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm là hơn 202 tỷ đồng, với hơn 150 đơn vị nợ từ 30 ngày trở lên. Đối với các đơn vị nợ đọng kéo dài, số tiền lớn thì dựa theo quy định, cơ quan BHXH phối hợp với các đơn vị quản lý nhà nước về lao động, công an kinh tế để thanh tra, thu hồi nợ nhưng kết quả vẫn không khả quan.

Ông Phạm Ngọc Hà - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, Quyết định 888 quy định đối với việc truy thu, tính lãi suất chậm đóng vẫn trên nền tảng của Quyết định 595 là chính. Quy định chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN từ 30 ngày trở lên thì Điều 49 của Luật BHYT cũng đã quy định rất rõ, không chỉ phải nộp lãi suất chậm đóng 2 mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng mà đơn vị sử dụng lao động còn phải chi trả mọi chi phí khám chữa bệnh phát sinh của người lao động khi thẻ BHYT không còn hiệu lực vì chậm đóng. “Riêng việc đơn vị sử dụng lao động không thực hiện thì bị trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động, tỉnh cũng đã thử thực hiện rồi nhưng khi chưa có sự đồng thuận từ chủ tài khoản, ngân hàng đối với cơ quan BHXH thì không dễ thực hiện, bởi ngân hàng vì khách hàng nên quyền lợi của khách hàng vẫn là ưu tiên” - ông Hà nói.

Cũng theo ông Phạm Ngọc Hà, khi đến thanh tra các đơn vị nợ đọng kéo dài, dù biết rằng vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng quyền lợi người lao động nhưng họ đổ lỗi do điều kiện kinh doanh không thuận lợi, xin giãn nợ, khoanh nợ. Có đơn vị riêng thanh tra, đòi nợ đã đi trên 3 lần, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được khi công tác khởi kiện không thực hiện được, nên nợ vẫn cứ kéo dài. “Các đợt thanh tra chuyên ngành của cơ quan BHXH có thực hiện nhưng chủ yếu vẫn là đôn đốc, nhắc nhở chứ chưa xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 95. Mà khi chưa xử lý hành chính được thì chưa có cơ sở hoàn thiện hồ sơ để khởi tố, xử lý hình sự như quy định của Bộ luật Hình sự” - ông Hà phân tích.

LÊ DIỄM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xử phạt nợ bảo hiểm xã hội: Nhiều rào cản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO