Xứ Quảng chuyện một thời (NXB Hội Nhà văn, tháng 4.2018) của tác giả Lê Thí gồm 77 câu chuyện có liên quan đến các nhân vật lịch xứ Quảng đã từng được đăng trên các báo ở Quảng Nam và Đà Nẵng trong nhiều năm qua. Lần tập hợp này, bên cạnh các chi tiết lịch sử về đất và người Quảng Nam xưa vốn được tra cứu và chọn lọc rất cẩn thận, việc tác giả thêm vào các chú thích đã làm cho các “chuyện kể lịch sử” trong cuốn sách này trở thành “nói có sách, mách có chứng”.
Tập sách Xứ Quảng chuyện một thời. |
Đó là những câu chuyện mang nhiều chi tiết lý thú về hơn 50 nhân vật lịch sử địa phương hoặc liên quan đến địa phương đã từng sống, sinh hoạt, chiến đấu để bảo vệ lợi quyền của dân tộc từ cuối thế kỷ 19 trở về trước; mà người tại thế xa với hiện nay nhất là hoàng đế Lê Thánh Tông - làm vua từ năm 1460 đến năm 1497. Vị vua mở cõi về phương nam này đã được tác giả xưng tụng là “Vị vua tiền hiền mở cõi” (trang 9 - 13). Liền đó, bài viết sau kể về “Trận đánh mở màn cho cuộc Nam chinh của vua Lê Thánh Tông trên đất Quảng” ngày 6 tháng Giêng năm 1471 vào trấn Cu Đê trên sông Cu Đê, tây bắc Quảng Nam - một trận đánh mà theo cách kể của Lê Thí là “trận đánh nhỏ nhưng chiến thắng của nó có ý nghĩa cực kỳ quan trọng” với nhận định đó “là phát súng lệnh để mở đầu cho một thời kỳ đặc biệt, “thời kỳ Quảng Nam” và một định hướng đặc biệt, “định hướng Nam tiến” trong lịch sử lâu dài và hào hùng của dân tộc ta” (tr. 14 - 18).
Giọng điệu kể chuyện nói trên là cách kể của một ông thầy giáo Quảng Nam say sưa kể chuyện lịch sử có liên quan đến quê mình. Dường như chưa đủ, ông giáo ấy đã dựa vào sách “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An ( thế kỷ 16) kể chuyện viên quan phụ trách chuyển vận Nguyễn Phục, người tỉnh Hải Dương, đã tình nguyện chịu chết vì chậm trễ giao lương cho đoàn quân Nam chinh của vua Lê Thánh Tông hơn là để cho lương thực bị chìm, lính vận chuyển bị chết đuối trong cơn bão ở vùng biển giáp Thừa Thiên và Quảng Nam. Chuyện ấy được kể trong bài “Di tích thời mở cõi” (tr. 19 - 20) gắn liền với hình ảnh ngôi miếu thờ cái chết oan khuất của Nguyễn Phục - đó là di tích “Miễu Một - Cây da quỳ” hiện còn ở Đà Nẵng.
Điểm qua ba bài mở đầu để thấy cách kể chuyện của tác giả Lê Thí là chọn lọc các chi tiết lý thú, nổi bật về các nhân vật lịch sử rồi gắn liền với các giai thoại trong dân gian hoặc giai thoại được kể trên sách vở để khái quát được các nét điển hình về nhân vật lịch sử; cố gắng dùng các chi tiết điển hình gợi liên tưởng về chân dung nhân vật - giống như các chi tiết Phạm Ngũ Lão “ngồi đan sọt mà lo việc nước”, Trần Quốc Toản “bóp nát quả cam trong tay”, Trần Thủ Độ với câu nói “đầu tôi chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo!” hoặc Nguyễn Trãi với “Cuộc chia tay với cha già ở ải Nam Quan” từng được kể trong sách xưa… Cách kể chuyện sử Việt “cổ điển” đó đã từng làm thổn thức biết bao thế hệ học sinh, nay, một lần nữa, phần nào được thể hiện trong “Xứ Quảng chuyện một thời”.
Nhưng vượt lên trên cách kể có phần “công thức” mà các nhà viết sách giáo khoa xưa đã từng dụng công, để thích ứng với bạn đọc thời internet có thể kiểm tra mọi chi tiết bằng công cụ Google, người kể chuyện lịch sử vừa phải đảm bảo tính khoa học - nghĩa là phải tra cứu cẩn thận; chi tiết hoặc sự kiện lịch sử đưa ra phải cố gắng đối chiếu đến mức tối đa và giai thoại cũng phải được chọn lọc để kể sao cho phù hợp với trình độ của độc giả hiện đại. Cách kể “chuyện làng xóm, chuyện dòng tộc tổ tiên và cả chuyện lịch sử” của các “bác nông dân” vào “những đêm trăng sáng” trước “mảnh sân nhà” ở một vùng quê heo hút nào đó - thuở chưa có điện đài - trong hồi ức của tác giả ở “Lời nói đầu” (tr. 5 - 7) chỉ có thể làm cho đám trẻ con đồng nội vừa đi học vừa chăn bò hết sức mẫn cảm và ngây thơ ngày xưa mê mẩn, chỉ có thể làm cho những người nhà quê đứng tuổi - chưa hề bị khói bụi thị thành làm ô nhiễm - phải bồi hồi. Nay đời sống đã hiện đại quá nhiều! Trẻ con và người lớn đã khác nhiều so với xưa - cả về trình độ lẫn tâm trạng! Ý thức rõ điều đó, ông giáo Lê Thí đã dùng một văn phong hiện đại, một cách giật tít rất báo chí để kể về những “chuyện một thời” của xứ Quảng. Cách kể của tác giả rất thú vị và gần như đã đạt được mục đích kể “duyên dáng, hấp dẫn và có ích” như anh đã tâm sự và mong muốn ở đầu sách.
Hẳn có người băn khoăn về chi tiết: Đô đốc Long - tướng của vua Quang Trung - đánh đồn Khương Thượng năm Kỷ Dậu 1789 có phải là người vùng Tam Kỳ - Quảng Nam hay không? (“Đô đốc Long, người con thân yêu của đất Tam Kỳ”, tr. 45) hoặc là có đúng Dương Thưởng và Dương Thạc là “hai anh em sinh đôi” và quê gốc của họ có phải làng Chiên Đàn huyện Hà Đông? (“Hai anh em nhà họ Dương” tr. 338). Hoặc có phải cụ phó bảng Nguyễn Dục chỉ duy nhất “có một con trai” là tiến sĩ Nguyễn Thích (“Một gia đình khoa bảng và anh hùng”, tr. 97). Cũng có thể có người băn khoăn về việc nên gọi tên vùng Lao Bảo - Quảng Trị là “ly mi” (tr. 311) hay “ki mi”? (“Lão túy ông - người năm lần tự tử để giữ tròn khí tiết”) hoặc nên gọi tôn xưng cụ Huỳnh Thúc Kháng là “lão phát” (trang cuối) (“Huỳnh Thúc Kháng đi nghe ca Huế trên sông Hương” tr. 259) hay “lão phác”?
Trở lại chuyện giai thoại! Ông Đào Duy Anh tác giả cuốn “Hán Việt từ điển” đã định nghĩa từ này với hai nghĩa như sau: “Giai thoại: - Việc hay người ta thường nói đến – Câu chuyện hay, vui (belle anecdote)”. Căn cứ vào đó, tính chân xác của câu chuyện chỉ là tương đối; mà tính hấp dẫn, lý thú nhằm minh họa cho cốt lõi, cho “chân diện mục” của nhân vật, sự kiện… mới là chính. Xét trên tiêu chí này, những giai thoại mà tác giả “Xứ Quảng chuyện một thời” kể trong sách thật là lý thú; đã giúp người đọc hiểu thêm về những con người yêu nước của “nhiều thời” đã từng sống và chết vì sự trường tồn của xứ Quảng nói riêng và cả nước nói chung.
PHÚ BÌNH