Xứ Quảng - không chỉ có bóng đá

AN NHI 27/03/2020 11:07

Tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng hồi chưa chia tách đã có truyền thống về bóng đá với đội bóng Quảng Nam Đà Nẵng vang danh một thời. Đến khi ra riêng, cả Đà Nẵng lẫn Quảng Nam đều có đội bóng thi đấu đỉnh cao.

Vận động viên được khen thưởng nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT tỉnh (nay là Trung tâm Đào tạo và thi đấu Quảng Nam). Ảnh: A.N
Vận động viên được khen thưởng nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT tỉnh (nay là Trung tâm Đào tạo và thi đấu Quảng Nam). Ảnh: A.N

Bóng đá xứ Quảng

Đội bóng Quảng Nam góp mặt ở V-League - giải đấu cao nhất của bóng đá nước nhà từ năm 2014. Năm 2017, đội lập cú đúp vô địch V-League và Siêu cúp quốc gia. Tính ra, không nhiều địa phương trên cả nước có được đội bóng V-League (12 tỉnh, thành phố) và càng ít đội bóng đang chơi ở giải đấu này từng bước lên ngôi cao nhất (6 đội). Nhiều địa phương có truyền thống bóng đá nhưng nhiều năm qua vẫn không thể trở lại giải đấu đỉnh cao như Huế, Bình Định, Đồng Tháp, Long An, Cần Thơ hay An Giang. Nói điều này để thấy, đó là một vinh dự rất lớn đối với người dân xứ Quảng, như lời một vị lãnh đạo tỉnh từng chia sẻ.

Nhiều người bảo có ông bầu ắt có đội bóng V-League. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Đội bóng Quảng Nam có bầu Hiển “chống lưng”, song bóng đá xứ Quảng có truyền thống lâu đời và đặc biệt được các vị lãnh đạo tỉnh, ngành TD-TT, người hâm mộ quan tâm, đó mới là điều quan trọng. Ngay thời điểm tái lập tỉnh năm 1997, Quảng Nam sớm thành lập đội bóng tham gia thi đấu giải hạng nhì. Không nản dẫu biết bao lần “lên bờ xuống ruộng”, lãnh đạo tỉnh và người hâm mộ luôn song hành cùng đội bóng quê hương để rồi cuối cùng có “quả ngọt” mang về.

Thời gian bóng đá xứ Quảng chuyển sang chuyên nghiệp đã tròn trèm 10 năm. Lãnh đạo tỉnh xác định, chuyển sang chuyên nghiệp do doanh nghiệp quản lý, song đội bóng Quảng Nam là của tỉnh và người dân xứ Quảng. Vậy nên, suốt thời gian ấy, tỉnh vẫn luôn dành sự quan tâm đầu tư cho đội bóng theo hướng ngày càng tăng. Ít có địa  phương nào mà bóng đá đã đi vào nghị quyết của tỉnh. Mỗi năm, tỉnh hỗ trợ 16 tỷ đồng cho Câu lạc bộ Quảng Nam để thi đấu tại V-League và chăm lo công tác đào tạo trẻ. Ngoài số “tiền tươi” này, hàng chục tỷ đồng mỗi năm cũng được địa phương chi ra đầu tư cơ sở vật chất, sân bãi...

Những môn thể thao vàng

Nhưng thể thao xứ Quảng đâu chỉ có bóng đá! Rất nhiều môn thể thao khác trong hơn 20 năm qua đã gặt hái không ít thành công. Đó là Pencak Silat với các “cô gái vàng” Đặng Thị Thúy, Lê Thị Hồng Ngoan - những người đã góp phần giúp cho Pencak Silat Việt Nam tạo ra thời kỳ hoàng kim với nhiều tấm huy chương vàng SEA Games, châu Á và thế giới. Điền kinh cũng để lại ấn tượng với cái tên Nguyễn Thị Hòa - cô gái từng “làm mưa làm gió” ở nội dung 5.000m và 10.000m tại các giải đấu quốc gia những năm 2005 - 2006. Và ấn tượng sâu sắc nhất với Nguyễn Thị Hòa chính là việc cô chinh phục nội dung marathon tại SEA Games (mang về tấm huy chương bạc) và giải marathon xuyên quốc gia như Ấn Độ, Hồng Kông tổ chức năm 2005.

Những năm gần đây, Quảng Nam được nhắc đến nhiều với thành tích xuất sắc từ các môn Karatedo, Taekwondo và Võ cổ truyền. Karatedo có những cái tên như Bùi Thị Triều, Bùi Như Mỹ; Taekwondo là Trần Thị Mỹ Khanh, Phạm Thị Thu Hiền còn Võ cổ truyền là Nguyễn Hồng Ninh lọt vào danh sách vận động viên tiêu biểu của cả nước. Trong số này, nổi bật hơn cả là Phạm Thị Thu Hiền. SEA Games 30 năm 2019 là kỳ SEA Games thứ 4 liên tiếp nữ vận động viên này góp mặt. Và một kết thúc có hậu dành cho cô gái 25 tuổi khi một lần nữa mang về cho Tổ quốc tấm huy chương vàng. Cô gái người Tam Kỳ còn đi vào lịch sử thể thao Quảng Nam khi là vận động viên đầu tiên tham gia tranh tài tại đấu trường Asiad và giành tấm huy chương đồng (Asiad năm 2014 tại Hàn Quốc). Phạm Thị Thu Hiền trở thành biểu tượng của thể thao xứ Quảng.

Điều đáng mừng là thể thao Quảng Nam vẫn giữ được truyền thống ‘tre già măng mọc”. Một số gương mặt trẻ, nhiều triển vọng hiện đang nổi lên, Taekwondo có Hoàng Thanh Long (năm 2019 giành huy chương vàng giải Cúp quốc gia, trẻ quốc gia và vô địch trẻ Đông Nam Á); Karatedo có Nguyễn Hiên Hưng, Đàng Tôn Trung Duyên, hay Võ Cổ truyền với Trần Văn Bình. Môn Vovinam cũng mang lại niềm hy vọng qua sự xuất sắc của các tài năng tuổi đời còn khá trẻ, tiêu biểu như Nguyễn Miên, Bùi Xuân Nhật mới 18 tuổi đã lên ngôi vô địch quốc gia.

Rõ ràng, bóng đá cùng nhiều môn khác đã và đang làm rạng danh thể thao xứ Quảng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xứ Quảng - không chỉ có bóng đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO