Sau tập phê bình “Đèn khuya soi bóng” (xuất bản năm 2020), cô giáo Nguyễn Thị Bích Hiền, giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm tiếp tục gửi đến độc giả tập phê bình “Xứ Quảng và bục giảng tôi yêu” (NXB Hội Nhà văn - 2022).
Tập sách chia làm 2 phần rõ rệt: phần “Xứ Quảng” là 11 bài phê bình về tác phẩm của một số tác giả Quảng Nam cùng 1 bài về người Quảng và sự ra đời của thể thơ tự do từ đầu thế kỷ 20 đến năm 1945; phần “Bục giảng” là tập hợp 6 tiểu luận về một số tác phẩm và những trao đổi chung quanh các vấn đề liên quan trong giảng dạy, học tập chương trình Ngữ văn THPT.
Sự phân lập để tạo ra giới hạn, ranh giới trong quá trình nghiên cứu, phê bình văn học của cô giáo Nguyễn Thị Bích Hiền, đồng thời giúp người đọc cảm thụ thuận tiện hơn là ưu điểm nổi bật của “Xứ Quảng và bục giảng tôi yêu”.
Tất cả bài viết trong tập đều được viết dưới dạng phê bình tác phẩm kết hợp cung cấp thông tin về tác giả để tham chiếu và có thể thấy, đây là cách thức phê bình phổ biến.
Hẳn phải rất yêu và hiểu bạn văn, cảm thụ sâu sắc tác phẩm, cô giáo Nguyễn Thị Bích Hiền mới có thể trải tâm tình và chắt chiu câu chữ trên từng trang sách.
Trong “Bùa yêu - văn chương duyên nợ”, Nguyễn Thị Bích Hiền “giải mã” tác phẩm “Bùa yêu” của người đồng nghiệp Nguyễn Tấn Ái: 22 truyện ngắn ở nhiều mảng đề tài khác nhau, nhưng đều được kết cấu khá tự nhiên, có những tác phẩm có lẽ được gợi cảm hứng từ những trải nghiệm thú vị ở đời.
“Khi đọc, tôi ao ước truyện chỉ là truyện thôi”, nhưng rồi, “đó chỉ là mong ước, còn thực tế sao y hệt truyện Nguyễn Tấn Ái vậy!”.
Về tập thơ “Mặt trời trong xác lá” (Trương Vũ Thiên An), tác giả Bích Hiền đúc kết, “thơ không chỉ là sự thăng hoa, sự giải thoát mà còn là sự cứu rỗi. Trương Vũ Thiên An vừa sống cho đời và cũng vừa sống cho thơ” (Sự hoàn nguyên của xác lá).
Nguyễn Thị Bích Hiền cũng có điểm nhìn thấu cảm và xúc động với những tác phẩm của tác giả khác. Với tác phẩm “Thiên nga bay đi” (Nguyễn Giúp), theo Bích Hiền, đây là một trong những “đôi mắt mới” của thơ đất Quảng hiện đại (Chất thơ trong “Thiên nga bay đi”).
Với “Đêm nguyệt bạch” (Lê Trâm), tác giả cho rằng Lê Trâm thành công trên nhiều phương diện: cách kể, giọng kể, cách kết truyện mà không kết… “Để làm được điều đó, đòi hỏi người viết phải có sự trải nghiệm thực tế” (Đi tìm Lê Trâm trong “Đêm Nguyệt bạch”).
Tương tự, Nguyễn Thị Bích Hiền có điểm nhìn mang tính phát hiện với tác phẩm, tác giả khác như “Viết cho những ngày xưa cũ” (về tập thơ “Thanh âm mùa” - Lê Trường An); “Phía sau tháp nắng - văn đời tương hợp” (về tập truyện “Phía sau tháp nắng” - Nguyễn Bá Hòa); “Tình duyên dan díu, tơ vương trả đời” (tập thơ “Ý tưởng xanh” của Đinh Huyền); “Chiến tranh có mãi mãi là quá khứ?” (tập ký “Chinh chiến nơi miền đất lạ” - Nguyễn Tam Mỹ); “Phía xa xăm, quá khứ vọng về” (tập thơ “Phía xa xăm” - Lê Văn Ri); về tập thơ “Ký họa mùa đông” của Vũ Thiên Tường; về tập sách “Hà Đông - Tam Kỳ, những lát cắt thời gian” của Ngô Phú Thiện…
Ở phần “bục giảng”, tác giả tập trung thẩm bình về một số tác phẩm văn học trong nhà trường - dưới góc nhìn của cô giáo dạy văn. Bao gồm tiểu luận: “Soi chiếu nhân vật văn học dưới góc nhìn thời đại” bàn về nhân vật trong “Truyền kỳ mạn lục” (Nguyễn Dữ); “Bàn luận thêm về chi tiết trong truyền thuyết An Dương Vương và Mỵ Châu - Trọng Thủy”; “Ứng xử nghệ thuật trong đoạn trích “Trao duyên” (Truyện Kiều - Nguyễn Du); “Bóng ảnh nghệ thuật” trong truyện ngắn “Đời thừa” (Nam Cao), kịch “Vũ Như Tô” (Nguyễn Huy Tưởng), truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu); tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp và “Dấu ấn của văn hóa dân gian qua một số tác phẩm văn học”.
Cuốn sách bổ ích đối với những người yêu văn thơ, đặc biệt là giáo viên, phụ huynh, học sinh. Chỉ có điều hơi tiếc là thay vì trích dẫn tương đối dài và nhiều, nếu tác giả chọn trích dẫn chi tiết, hình ảnh đắt giá của từng tác phẩm, có lẽ tập phê bình “Xứ Quảng và bục giảng tôi yêu” sẽ cô đọng hơn.