Thời gian gần đây, làng thời trang thế giới quan tâm đến xu thế Upcycling - chế tác lại đồ vật cũ thành sản phẩm mới hoàn toàn, với thiết kế độc đáo, đặc biệt có giá trị thân thiện với môi trường.
Ngành dệt may đóng vai trò quan trọng khi đáp ứng nhu cầu mặc của con người và tạo ra nhiều công ăn việc làm, đóng góp cho nhiều nền kinh tế. Nhưng theo thống kê, mỗi năm có hàng tỷ tấn chất thải bao gồm cả dạng khí, dạng lỏng và dạng rắn đổ ra các bãi chôn lấp hay tràn lan ra môi trường. Trước hệ lụy suy thoái môi trường do ngành may mặc gây ra, một số nhà thiết kế, nhãn hàng thời trang đang hành động để ngăn chặn chất thải dệt may.
Hansome - một chi nhánh thời trang của cửa hàng bách hóa Hyundai (Hàn Quốc) khởi động dự án Carbon Zero vào tháng 2 vừa qua với mục đích cắt giảm lượng khí thải CO2, bằng cách tận dụng những mảnh vải vụn thay vì vứt bỏ để tạo thành các sản phẩm thiết kế thời trang mới.
Hansome cho biết, hằng năm, công ty đốt cháy tới 80.000 mặt hàng quần áo nặng 60 tấn để giải quyết hàng tồn kho. Với Carbon Zero, Hansome hy vọng sẽ giảm 144 tấn khí thải CO2 mỗi năm. Tại Tuần lễ thời trang Seoul (Hàn Quốc) Thu/Đông 2021 vừa được tổ chức trực tuyến vào tháng 3 vừa qua, hơn 40 thương hiệu và nhà thiết kế tuyên bố họ sẽ theo đuổi thời trang bền vững, thân thiện với môi trường.
Ở các nước châu Âu, thời trang bền vững trở thành tiêu chuẩn. Ngày càng nhiều người tiêu dùng tại khu vực này quan tâm đến việc mua các sản phẩm dựa trên tính bền vững. Philippe Werhahn - nhà thiết kế trẻ tuổi tại Berlin (Đức) nổi tiếng với những bộ trang phục độc đáo được chế tác từ những bộ quần áo cũ, lỗi thời, nguyên liệu dệt may được thải ra.
Trên nhãn hiệu TingDing của mình, Philippe Werhahn tạo ra những chiếc váy sành điệu từ quần tây và áo sơ mi cũ. Nhiều sản phẩm thời trang như túi xách làm từ vải bạt cũ hay lốp xe ô tô đã thải ra nhưng vẫn thu hút khách hàng.
Philippe Werhahn nói: “Xu hướng tái chế, tạo ra sản phẩm hoàn toàn mới và chất lượng nhưng sử dụng ít năng lượng hơn cho thấy một phần đóng góp của các hãng thời trang đối với môi trường sống. Bởi, lãng phí chất thải là lãng phí tài nguyên. Lợi ích kinh tế và đạo đức có mối liên hệ không thể tách rời. Chỉ những người đặt các giá trị đạo đức lên trên nhiệm vụ tối đa hóa lợi nhuận mới đạt được thành công lâu dài và bền vững”.
Nhãn hàng thời trang Dean cũng vừa bắt tay vào một dự án hoàn toàn mới, có tác động xã hội, gọi là The R Collective. Dean kỳ vọng giảm thiểu chất thải và ô nhiễm trong chuỗi cung ứng của mình, đồng thời có kế hoạch tăng 25% lợi nhuận. Bộ sưu tập đầu tiên “Start From Zero” được thiết kế hoàn toàn từ chất thải của các nhà máy dệt ở Ý và Nhật Bản, để cho ra đời trang phục áo khoác sắc sảo. Dean cho biết: “Mục tiêu của Dean là trở thành thương hiệu thời trang bền vững, tốt nhất trên thế giới. Dù táo bạo, đó là giấc mơ sớm có thể đạt được”.
Mariam Harutyunyan - người sáng lập thương hiệu thời trang danh tiếng KinArmat của Bỉ khẳng định, phát triển kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu của phát triển bền vững. Nền kinh tế tuần hoàn của ngành thời trang có nghĩa là đảm bảo các sản phẩm và tài nguyên có nguồn gốc bền vững và bao gồm các vật liệu thân thiện với môi trường, lưu thông càng lâu càng tốt trước khi được tái chế thành các sản phẩm mới. Để tồn tại, các thương hiệu phải lắng nghe người tiêu dùng và đón nhận cuộc cách mạng xanh.