Xuân 68 và những mảnh vụn ký ức

PHẠM PHÚ PHONG 29/01/2018 08:52

Cũng tiếng còi xe râm ran phố thị, bước ra ngoại ô là dòng sông bến nước con đò,… Cũng cái làng quê ấy thôi, nhưng trong mỗi người lại có một làng quê/phố thị của riêng mình, đúc thành khối, dựng thành tượng đài nguy nga tráng lệ, là hình vóc của quê hương. Cũng có khi, bị đứt gãy, vụn vỡ, cứ âm ấm tro than, có lúc khơi cháy bùng lên réo gọi trong gan ruột, nung nấu mang theo trên các nẻo đường đời, trôi đi dưới con mắt chăm chú một cách nghiêm khắc của thời gian, đọng lại thành ký ức vụn rời, bởi phải sống tha hương.

Cây cầu bắc qua Gò Nổi (Điện Bàn) hôm nay, và phía xa là dòng sông mẹ Thu Bồn.
Cây cầu bắc qua Gò Nổi (Điện Bàn) hôm nay, và phía xa là dòng sông mẹ Thu Bồn.

1. Trong sâu thẳm tâm hồn tôi, dường như lúc nào đang trườn đi rát bỏng trên sa mạc, ký ức về quê hương là bóng mát của đời tôi. Tôi rời quê hương từ mùa xuân 1968, cách đây đã tròn năm mươi năm. Ký ức còn sống mãi trong tôi, là sự dữ dội và khốc liệt của chiến tranh: cánh đồng Điện Minh (Điện Bàn) mùa xuân năm ấy không có mai vàng rực rỡ, mà là rực lửa đạn bom. Trên quốc lộ, xe tăng của lính Nam Hàn khạc đạn vào những người dân xuống đường; dưới sông đại liên từ ca nô nhả đạn lên; trên đầu máy bay trực thăng UTT bắn rốc kết như trùm kín bầu trời, chúng tôi chạy sấp ngửa trên cánh đồng trống hoang và mịt mù khói súng…

Gò Nổi quê tôi như một con thuyền trên sông Thu Bồn, neo đậu bến bờ bằng chiếc cầu thuở ấy còn mỏng manh đen trũi. Đó là chiếc cầu dã chiến do Pháp xây dựng nhưng vật liệu được Mỹ tài trợ chở từ Virginia sang. Ký ức tuổi thơ dữ dội của tôi trôi qua trong khói lửa chiến tranh cũng gắn liền với dòng sông ấy. Qua mấy năm xa cách, sau ngày thống nhất đất nước, tôi về thăm mẹ tôi, mới gặp lại dòng sông. Chiếc cầu dã chiến kia đã bị đánh sập, tôi phải xuống xe ở Vĩnh Điện và đi đò dọc từ Bến Đá lên bến đò Lam rồi đi bộ về nhà. Chiếc đò nhỏ trôi đi trong lặng lẽ. Chỉ nghe tiếng mái chèo vỗ nhẹ mạn đò như âm thanh từ xa xưa vọng lại. Khách chỉ có hai người, tôi và một cụ già râu tóc bạc phơ, da thịt hồng hào trong bộ bà ba trắng, với vóc dáng tiên ông đạo cốt. Ông giúp cô chèo đò bằng cách ngồi ở mũi đò, cầm lấy dầm chèo phụ. Tôi không còn đâu chút lãng mạn rơi rớt xuống hồn mình của những câu ca xưa cũ “Anh đi đò dọc ước mơ sông dài”, mà là tâm trạng nôn nao muốn gặp mẹ, người mà cả một đời vì chồng vì con, vì cách mạng, bám trụ đào hầm nuôi giấu cán bộ, mặc cho những khủng bố, tù đày, tra tấn dã man. Hơn nữa, tin ba tôi bị địch phục kích bắn chết từ cuối năm 1968, nhưng trong lòng tôi, cho đến thời điểm ấy, vẫn không tin, không chấp nhận đó là sự thật, vẫn cứ hy vọng mong manh có một sự nhầm lẫn nào đó về thông tin trong chiến tranh… Qua một hồi gạ chuyện, chúng tôi mới nhận ra nhau: hóa ra đạo cốt tiên ông chính là bác họ của tôi tên là Phạm Phú Cò, thường gọi là ông Đội Cò, chiến tranh trôi dạt vào lập nghiệp ở Lai Vung, Sa Đéc, nay hòa bình thống nhất mới trở lại thăm quê. Nắng sớm mai lấp lánh xuyên qua cây lá hai bên bờ sông, tiếng cười nói của những người tắm giặt bên sông rộn ràng, bỗng ai đó, ban đầu chỉ một người, sau đó là nhiều người cùng la lên: “Bác Hồ bay ơi”, “Bác Hồ chèo đò bay ơi”, “Ra mà coi Bác Hồ chèo đò về thăm Gò Nổi mình nè”… Ban đầu bác tôi hơi ngạc nhiên, pha lẫn chút hốt hoảng, rồi sau đó hiểu ra cái sự nhầm nhưng cũng đưa tay lên vẫy vẫy, chào mọi người rồi vuốt chòm râu bạc với nụ cười vừa hóm hỉnh vừa sảng khoái và nhân hậu. Lúc ấy tôi mới quay lại nhìn kỹ bác tôi, giữa mênh mông sông nước, trong cái nắng ấm của những ngày hòa bình đầu tiên, một ông già râu tóc bạc phơ, mắt sáng tinh anh, nụ cười nhân hậu, bàn tay buông chèo khoan thai nhẹ nhàng, quả thật là hình ảnh xiết bao ấn tượng! Niềm vui đầu tiên khi trở lại làng quê sau chiến tranh náo nức trong tôi, chở nặng đầy trên chuyến đò buổi sáng mai năm ấy.

Ai đó đã nói rằng, người nào nghĩ nhiều đến quá khứ, người đó không có tương lai. Nhưng với tôi, như con lạc đà luôn mang nặng vác đầy quá vãng, tâm thức tôi luôn thường trực ý nghĩ rằng, người nào sống mà không biết gì đến quá khứ, đó không phải là con người toàn vẹn với ý nghĩa của từ này, mà chỉ là một kẻ vô ơn đáng trách.

2. Trên thảm cỏ xanh thấm đẫm hơi sương ngọt ngào đồng nội trong ký ức của tôi, không phải lúc nào cũng ngập tràn ánh sáng ban mai hoặc trôi xa thăm thẳm trong tít mù quá khứ. Gần đây, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.2017, chính quyền thị xã Điện Bàn có tổ chức lễ tôn vinh thầy cô giáo và trao “Giải thưởng Phạm Phú Thứ” dành cho học sinh có thành tích cao trong học tập. Tôi có được mời về dự với tư cách là một trong những “hậu duệ” của gia tộc Phạm Phú. Tôi hết sức cảm động về điều này. Càng xúc động hơn là những thành tích, những con số không vô cảm bò qua như đàn kiến lạnh lùng mà là “những con số biết nói” về thành tích thầy và trò đã đạt được trong thời gian qua, trở thành những sinh thể quẫy đạp trong tâm thức mọi người. Cũng nhờ có dịp này, tôi có thêm đêm thứ ba tươi sáng, tôi được ngủ ở phố thị quê nhà. Đêm đầu tiên tôi ở lại thị trấn Vĩnh Điện là đêm không sao ngủ được, dưới những trận đòn roi, khi tôi bị bắt vào mùa xuân trên cánh đồng Điện Minh năm ấy. Khi đưa tôi đi ăn sáng hôm tôi vào dự lễ, cô Lương Mỹ Linh - Phó Trưởng phòng VH-TT thị xã Điện Bàn chỉ cho tôi vị trí của trại giam Vĩnh Điện, làm sống lại trong tôi những trận đòn thù… Đêm thứ hai tôi ở lại nơi này cũng vào một mùa xuân, năm 2001, mẹ tôi bị tai biến phải chở vào bệnh viện Điện Bàn, rồi chuyển ra Đà Nẵng, với bao lo toan vất vả kéo dài hàng năm trời, nhưng cuối cùng người cũng bỏ anh em tôi mà ra đi. Ai đó đã nói rằng, con người ta dù sống đến bao nhiêu tuổi, nhưng đến khi cả bố lẫn mẹ đều qua đời, cũng trở thành trẻ mồ côi! Tôi gọi đêm thứ ba tôi được ngủ lại ở thị xã quê mình là đêm “tươi sáng” bởi tấm lòng ấm áp của các anh lãnh đạo thị xã. Đêm đó cũng là đêm mất ngủ, một mình tôi lang thang trên các nẻo đường phố thị, ngước nhìn những đổi thay từ khi Điện Bàn lên thị xã đến giờ. Từ đường phố, nhà cửa, cầu cống, sân bãi… cái gì dường như cũng trở nên to lớn, rộng rinh, còn tôi thì bé lại, già nua, khiến cho đến đâu phố cũng phải cúi nhìn tôi, còn tôi thì ngước nhìn lên phố. Bao nhiêu ký ức xưa cũ tràn về, bao nhiêu con người, các anh như anh Mùi, anh Xứng, anh Nghi… những người đã ngã xuống, đã ra đi nhưng không hề khuất bóng, các anh về đứng chật tâm hồn tôi và luôn hiện hữu trong tâm tưởng bao người, trong cuộc sống hôm nay. Thế mà lòng dặn lòng rằng, hãy để tâm hồn thanh thản, đừng trĩu nặng ký ức chiến tranh. Nhưng biết làm sao được. Ai đó đã nói rằng, người nào nghĩ nhiều đến quá khứ, người đó không có tương lai. Nhưng với tôi, như con lạc đà luôn mang nặng vác đầy quá vãng, tâm thức tôi luôn thường trực ý nghĩ rằng, người nào sống mà không biết gì đến quá khứ, đó không phải là con người toàn vẹn với ý nghĩa của từ này, mà chỉ là một kẻ vô ơn đáng trách.

Tôi trải lòng tôi lên từng trang giấy. Vẫn không cảm thấy đủ đầy. Tôi vo tròn ký ức đời tôi và ném xuống dòng sông sâu, chờ mùa xuân tới. Sông sẽ đắp bồi những bãi ngọt phù sa, tốt tươi cho ruộng đồng cây trái. Nhìn phố xá rực rỡ dưới nắng mai, trong tiếng reo cười của đàn em nhỏ đang cắp sách đến trường, hòa trong tiếng rộn rã của các loại động cơ lướt trên đường phố, lửa trong lòng tôi cũng bỗng reo cười. Tôi tin vào tương lai tươi sáng của thị xã quê mình. Chắc chắn sẽ không còn những đứa trẻ chăn trâu, là tôi của thời xa xưa ấy, thả trâu ăn rồi ra ngồi trên đường cái cả một ngày trời trông mong có chiếc xe máy chạy qua, nghe mùi xăng mà cứ hít vào lồng ngực, cảm thấy thơm vô cùng, một mùi thơm từ trong vô thức. Đó là cái thời mà cả làng mới có một cái radio, vài chiếc xe đạp gọi là “xe máy”, bởi vì nó có “máy” mới đạp chạy được trên đường!

PHẠM PHÚ PHONG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xuân 68 và những mảnh vụn ký ức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO