Trên các làng tái định cư thủy điện của huyện Phước Sơn và Đông Giang, Đảng bộ và chính quyền các địa phương đang triển khai, tận dụng cơ chế chính sách của Trung ương, tỉnh để tính toán giảm nghèo bền vững.
Lo tết cho đồng bào
Hơn 10 ngày nay, chiến dịch đưa lương thực, các nhu yếu phẩm phục vụ tết cho đồng bào dân tộc thiểu số được chính quyền huyện Phước Sơn quan tâm đặc biệt. Ông Hoàng Hoa - Chánh văn phòng UBND huyện Phước Sơn thông tin, gần 1.000 suất quà đã được trao cho những gia đình chính sách; trong vài ngày tới, toàn bộ số gạo hỗ trợ sẽ đến được những rẻo xa xôi nhất. Rút kinh nghiệm, năm nay địa phương chọn loại gạo chất lượng cao. Trước đó, cán bộ đã khảo sát các điểm cung ứng lương thực, thực phẩm ở các xã vùng cao như Phước Thành, Phước Lộc, Phước Kim… Tuần qua, Bệnh viện Thống Nhất TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn thế giới đã trao 1.800 cái mền, giúp bà con giữ ấm trong tiết trời xuân; Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng trao quà cho 200 hộ nghèo khó. Theo ông Hoa, từ các nguồn trợ cấp bảo trợ xã hội, quỹ người nghèo, các tổ chức tài trợ, thiện nguyện… đã đóng góp hỗ trợ hàng tỷ đồng cho người nghèo; hộ nghèo nào trên địa bàn cũng đều nhận được sự hỗ trợ nên sẽ không xảy ra tình trạng thiếu gạo ăn trong 3 ngày tết.
Gạo cứu trợ tết đã, đang chuyển đến đồng bào vùng cao. |
Niềm vui nhân đôi khi xuân này người dân ở 2 làng tái định cư thủy điện tại Nước Lang (xã Phước Xuân) và thôn 2 (xã Phước Hòa) của huyện Phước Sơn được chủ đầu tư là nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 hỗ trợ 1 tỷ đồng sửa chữa lại nhà ở. Gần 8 năm ra ở làng mới, nhưng người dân vẫn chưa thể an cư lạc nghiệp. Chính quyền sở tại cho rằng, do khan hiếm tư liệu sản xuất, kể cả đất cho chăn nuôi trâu bò nên đời sống bà con rất chật vật. Đồng bào Bh’noong cho biết, tết cổ truyền với họ đơn giản chỉ là trẻ con có áo quần mới, trong nhà vệ sinh quét dọn sạch sẽ, có thêm ít bánh mứt hay cân thịt, ký nếp so với ngày thường. Còn chuyện vui chơi, giao lưu với vùng miền khác gần như là chuyện xa vời bởi phần lớn người dân chỉ sinh hoạt, giải trí quanh quẩn trong làng.
Theo chính quyền huyện Phước Sơn, thời điểm này địa phương đã sửa chữa, khắc phục nhiều điểm sạt lở trên các tuyến giao thông tại 5 xã vùng cao nhằm phục vụ đi lại, vận chuyển hàng hóa dịp tết; kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo môi trường. “Ngoài chăm lo đời sống vật chất, sức khỏe cho đồng bào, chúng tôi còn chỉ đạo sớm đôn đốc nhân dân thực hiện đúng lịch sản xuất vụ đông xuân và cách phòng ngừa dịch bệnh với cây trồng, con vật nuôi” - ông Hoa cho biết. UBND tỉnh cũng vừa thống nhất hỗ trợ gạo cho nhân dân trong dịp Tết Ất Mùi. Theo đó, đối với 9 huyện miền núi, ngân sách tỉnh đảm bảo 50% kinh phí, huyện 50% kinh phí; gạo chuyển đến tay người dân kết thúc trước ngày 15.2.
Gỡ khó làng mới
Ở các làng tái định cư thủy điện A Vương, Sông Tranh đã đi vào nơi ăn chốn ở nhiều năm nhưng chưa thể ổn định. Theo Sở NN&PTNT, người dân tái định cư thủy điện A Vương hộ nghèo chiếm hơn 77%, Sông Tranh 2 hơn 86%. Các làng Pachê Palanh, Cút Chờrun (Đông Giang), xã Trà Đốc, Trà Bui (Bắc Trà My) luôn “đội sổ” về số hộ nghèo. Đất sản xuất nông nghiệp màu mỡ nhất của đồng bào thường nằm ở thung lũng, trũng thấp dọc các con sông, suối nhưng dự án thủy điện đã bị nhấn chìm. Riêng 2 khu tái định cư của thủy điện A Vương thuộc huyện Đông Giang, phần lớn người dân đều không đủ đất nông - lâm nghiệp để sản xuất, thiếu lương thực trong những tháng giáp hạt, đôi khi kéo dài cả 4 - 5 tháng. Cho nên, đồng bào chuyển sang khai thác mây, đót hoặc làm thuê để sinh sống. Điều kiện chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gia súc như trâu, bò, dê… không thuận lợi bởi tại các khu tái định cư tập trung, đất ở, nhà ở liền kề, chật hẹp, xung quanh là đất rừng.
Trước khó khăn của người dân, cuối năm 2014, Trung ương dự thảo hàng loạt cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn lâu dài cho các làng tái định cư thủy điện. Quảng Nam đã, đang triển khai các cơ chế này, như hỗ trợ giao đất sản xuất, cải tạo đất sản xuất nông nghiệp và tăng cường cán bộ khuyến nông, khuyến công cho xã có điểm tái định cư; hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, con vật nuôi có giá trị kinh tế; phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; bảo vệ, phát triển rừng và sản xuất nông lâm kết hợp. Chính quyền các huyện miền núi rà soát quy hoạch 3 loại rừng; những khu vực rừng nghèo được chuyển sang rừng sản xuất, giao đất cho dân. Các loại cây trồng thực nghiệm trước đây không có hiệu quả, địa phương dứt khoát bỏ hẳn; riêng ở Đông Giang, cây chuối được xác định là cây trồng chủ lực. Và hiện các dự án trồng cao su đang tính toán tiến sâu lên các ngôi làng tái định cư thủy điện. Theo Ban Dân tộc tỉnh, giảm nghèo miền núi là việc lâu dài, Nhà nước chỉ cho “cần câu” chứ không thể “cho cá” như hiện nay. Năm 2015, trách nhiệm của ngành nông nghiệp và các ngành hữu quan là đánh giá toàn bộ hiệu quả và bất cập của từng mô hình kinh tế. Đồng bào miền núi, đặc biệt ở các làng tái định cư muốn ổn định đời sống, có hai cách đơn giản nhất là giúp họ an tâm giữ rừng và giao đất sản xuất.
TRẦN NGUYỄN