Xuân không biên giới

ALĂNG NGƯỚC 17/02/2016 08:59

Không chỉ tổ chức nhiều hoạt động vui xuân thắm nghĩa tình với bà con các bản Lào vùng giáp biên, tết năm nay đồng bào vùng cao vui hơn khi nhiều công trình dân sinh đã sớm được hoàn thành đón chào năm mới.
Thêm chặt nghĩa tình

Năm nay, không khí đón Tết Nguyên đán của đồng bào Tà Riềng ở các xã biên giới Đắc Tôi, La Dêê, Chà Vàl (huyện Nam Giang) trở nên rộn ràng hơn khi có những người bạn Lào ở bên kia biên giới đến chung vui trong ngày xuân mới. Một không gian đón tết cổ truyền vừa lạ, vừa quen. Trên khắp bản làng vùng cao, đâu đâu cũng bắt gặp không khí đón tết ấm cúng, sum vầy cùng những lời chúc năm mới an lành.

Hội làng đón tết nghĩa tình của dân làng Đắc Tà Vâng với bà con dân bản Lào.  Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Hội làng đón tết nghĩa tình của dân làng Đắc Tà Vâng với bà con dân bản Lào. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Suốt 3 ngày xuân, cả làng Đắc Tà Vâng (xã Đắc Tôi) chìm trong những âm thanh vui nhộn. Dù đã lần thứ hai đón những người bạn Lào ở bản Đắc Tà Oọc Nhày (huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông) cùng ăn Tết Nguyên đán, nhưng lòng người vẫn cứ rạo rực niềm vui. Đồng bào hai bên biên giới cùng chung nụ cười, cùng chung chiêng và chung vũ điệu truyền thống trong lễ hội làng mừng xuân. Ông Chờ Rum Nhier, già làng Đắc Tà Vâng không giấu được niềm vui bên những người bạn Lào, mừng nhau bằng chén rượu tà vạt ngọt dịu, nồng ấm. Xu-moong (nhà sinh hoạt truyền thống của đồng bào Tà Riềng) chật kín người cùng vui hội mừng xuân bên điệu múa ting tít, rê rê truyền thống. Nhịp cồng chiêng rộn rã, điệu đinh tút ngân vang theo hương xuân trải khắp buôn làng. “Mỗi năm một lần, được ngồi bên nhau, được cùng uống rượu, cùng nhau say sưa hát múa, ăn tết chung, ai cũng thấy vui ấm cái bụng” - già Nhier bộc bạch. Ông Tơ Ngôl Huân - Chủ tịch UBND xã Đắc Tôi cho biết, Đắc Tà Vâng và Đắc Tà Oọc Nhày là một trong số cặp thôn, bản có nhiều hoạt động hỗ trợ nhau và thực hiện tốt quy ước thỏa thuận theo cam kết giữa các thôn, bản hai bên biên giới Nam Giang - Đắc Chưng vào cuối tháng 9.2013. Thể theo nguyện vọng của người dân, năm nay địa phương tiếp tục tạo mọi điều kiện hỗ trợ để tổ chức các chương trình hội làng vui xuân đón tết, nhằm thắt chặt thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa đồng bào hai bên biên giới Việt Nam - Lào.

Niềm vui của người dân thôn K8, xã Sông Kôn (Đông Giang) bên cây cầu mới hoàn thành trước thềm Tết Nguyên đán. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Niềm vui của người dân thôn K8, xã Sông Kôn (Đông Giang) bên cây cầu mới hoàn thành trước thềm Tết Nguyên đán. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Không khí đón tết nghĩa tình giữa đồng bào vùng cao với bà con dân bản Lào còn được tổ chức tại các làng, xã biên giới của huyện Tây Giang với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống suốt thời điểm trước, trong và sau tết. Theo ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, hàng năm cứ vào dịp đón tết cổ truyền, đồng bào hai bên biên giới Tây Giang - Kà Lừm đều tổ chức nhiều chương trình vui xuân ý nghĩa, độc đáo. Do đa số người dân ở các cụm bản giáp biên của Lào cũng là đồng bào Cơ Tu nên ngoài việc đón tết Bunpimay truyền thống, họ vẫn thường ăn tết cổ truyền của Việt Nam. Do vậy, cùng với các hoạt động hỗ trợ trong việc đi lại, huyện Tây Giang cũng đã cấp phát gạo và quà tết cho bà con dân bản Lào vùng giáp biên, tạo điều kiện để họ được cùng vui đón Tết Nguyên đán Việt Nam, theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.

Niềm vui xuân mới

Khác với mọi năm, đón Tết Nguyên đán năm nay đồng bào Cơ Tu ở thôn K8 (xã Sông Kôn, Đông Giang) có thêm niềm vui mới khi công trình cầu bê tông cốt thép bắc qua con suối Apăng đã sớm được hoàn thành, đảm bảo thuận tiện cho việc đi lại vui xuân đón tết của người dân địa phương. Theo ông Arất Bình - Trưởng thôn K8, nhiều năm trước do chiếc cầu treo của làng bị hư hỏng nặng nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân sinh, nhất là trong mùa mưa lũ. Cầu treo xuống cấp, nhiều cái tết rồi đồng bào chỉ quanh quẩn trong làng, không muốn đi ra ngoài vì “ngại” đi qua chiếc cầu (Báo Quảng Nam từng có bài phản ánh). Nhưng kể từ khi cây cầu bê tông được khởi công xây dựng, niềm vui của đồng bào cứ thế lớn dần theo tiến độ thi công. Và, trước Tết Nguyên đán năm nay, khi nghe tin cây cầu sẽ được hoàn thành, đồng bào ai cũng vui mừng phấn khởi. “Có cây cầu rồi, tết năm nay dân làng vui hơn nhiều. Bà con, khách khứa đến chơi tết cùng dân làng cũng nhiều hơn mấy năm trước” - ông Bình nói. Ngày tết, chúng tôi trở lại thôn K8, những em nhỏ vùng cao háo hức vui chơi trên cây cầu, nụ cười tươi rói. Tiếng còi xe máy kéo vang, hòa trong tiếng cười giòn tan của đám trai làng, nối đuôi nhau về cuối con đường ngày tết.

Niềm vui xuân mới không chỉ có ở thôn K8, mà còn diễn ra nhiều địa phương khác của huyện Đông Giang. Từng biết đến với cái tên “làng ốc đảo”, Ka Đắp (xã A Rooih) nay đã không còn là vùng đất cô lập với bên ngoài khi con đường mới đã được mở về tận làng, thông suốt. Đường mới sạch đẹp, đồng bào đón một cái tết với nhiều niềm vui mới, cùng diện mạo cuộc sống ngày càng “thay da, đổi thịt”. Ông Hôih Bảy - Chủ tịch UBND xã A Rooih cho hay, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng người dân Ka Đắp nay đã không còn ám ảnh với cảnh cô lập của dòng sông A Vương. Thay vào đó, niềm vui từ con đường mới đang lớn theo từng ngày, tạo động lực để đồng bào cùng vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.

Cũng như Ka Đắp, không khí tết tràn về trong rạo rực niềm vui với đồng bào Cơ Tu ở các thôn Zà Há, La Đàng (xã Jơ Ngây); Tu Núc, Kà Đâu, Bồn Gliêng (xã Kà Dăng)… khi được đầu tư xây dựng những con đường mơ ước từ suốt hàng chục năm qua. Đường mới được mở, đồng nghĩa với việc giải quyết tình trạng cô lập của các địa phương, tạo cơ hội để người dân thuận tiện đi lại, mở rộng giao thương, từng bước tìm hướng thoát nghèo bền vững.

Sắc xuân ngập tràn trên mọi nẻo đường vùng cao, cùng những bước chân vui trên con đường mới. Nhịp trống chiêng trong ngày hội làng mừng năm mới như thúc giục, từng dòng người trở về bên sân gươl truyền thống cùng vui say đón tết.

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xuân không biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO