Xuân mới ở K'xêêng…

Ghi chép của THÀNH CÔNG -  ALĂNG NGƯỚC 16/02/2016 09:08

Cái tết đầu tiên trên gươl làng K’xêêng (xã Dang, Tây Giang) rộn ràng với rượu cần dịu vợi, với niềm vui đong đầy nơi làng mới. Xa rồi những tháng ngày gian khó, đồng bào Cơ Tu giờ hân hoan cùng xuân mới với nhiều đổi thay…

Những ngày “sống tạm”

Trong ký ức của những ngày chưa xa, K’xêêng là dấu chấm lặng buồn miên man giữa bạt ngàn những cánh rừng bên lòng hồ thủy điện A Vương. Không điện, không đường, không có nổi một chiếc xe máy, dân làng sống chen chúc trên mặt bằng chật hẹp dưới những mái nhà vách nứa tạm bợ. Abing Chính - Bí thư Chi bộ thôn K’xêêng mở điện thoại di động cho chúng tôi xem hình ảnh căn nhà của anh thời còn ở làng cũ, vách nứa lợp tranh trên nền đất nện, hệt như một mái “duông” (nhà canh rẫy). Hơn ba chục hộ là chừng ấy nóc nhà, cùng một kiểu. “Hồi đó khổ dữ lắm. Cả nhà sáu, bảy người chen chúc nhau nằm quanh bếp. Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa, xoay đằng này cũng đụng người, không né được mưa dột xuống nóc nhà. Ánh sáng duy nhất là bếp lửa. Tôi đi học dưới xuôi, mua điện thoại di động chỉ dùng được một ngày, rồi cất vì không có chỗ sạc pin. Khi nào có việc ra tận trung tâm xã mới sạc được điện thoại về dùng” - ông Chính kể.

Một góc làng K’xêêng vào xuân. Ảnh: NGƯỚC CÔNG
Một góc làng K’xêêng vào xuân. Ảnh: NGƯỚC CÔNG

Gian khó quá, nên cũng dễ hiểu khi ông Chính bảo, hồi ở làng cũ, 100% là hộ nghèo. Nghèo thật, không phải kiểu ỷ lại vào chính sách. Có nhà không đủ ăn vì đông con, phải độn cả sắn vào nồi cơm từng bữa. Cứ mỗi lần có ai đau ốm là cả thôn lại phải xóc võng, đốt đuốc khiêng đến trạm xá xã. Nói như già làng K’xêêng - ông Bh’ling Xóc, là “kể không hết khổ”. Cứ triền miên trong những cơ cực ấy, thứ gì làm ra cũng chỉ để đổi gạo, đổi muối nuôi người. Hết làm rẫy, lại lên rừng bứt mây, bẻ măng, rồi gùi bộ hơn nửa ngày xuống tận thôn A Xanh (xã Za Hung, Đông Giang) để đổi gạo muối. Một gùi măng khô, phải đi lấy suốt hai ngày rồi phơi khô, nhưng chỉ đổi được chừng 40 nghìn đồng. Mỗi sợi mây có giá 1.000 - 1.500 đồng, người khỏe mạnh nhất cũng chỉ có thể gùi được 40 sợi, vượt đoạn đường dài để mang xuống bán. Cứ luẩn quẩn giữa những thiếu thốn, những đứa trẻ lớn lên, muốn học cái chữ cũng phải nhọc nhằn không kém cuộc mưu sinh của người lớn trong gia đình mình. “Nghèo lắm, chỉ nghĩ đến ngày mai kiếm gì ăn, sống tạm bợ qua ngày. Không ai dám nghĩ sẽ có một ngày được ở sướng, ngủ sướng như bây giờ đâu” - già Xóc bộc bạch.

Những mái nhà mới khang trang dần được “mọc” lên, K’xêêng đang đổi thay từng ngày.
Những mái nhà mới khang trang dần được “mọc” lên, K’xêêng đang đổi thay từng ngày.

Cuộc di dân lịch sử

Ước vọng đổi đời - mà ngay cả chính người dân K’xêêng cũng chưa ai dám nghĩ - bỗng bừng tỉnh từ một cuộc di dân lịch sử của làng K’xêêng: về làng mới. Làng mới, là một mặt bằng nằm ngay cạnh con đường chính của xã, được san ủi bằng phẳng, kéo điện, cấp nước hẳn hoi. Chủ trương di dời làng ít nhiều cũng làm dân làng có chút băn khoăn. Nhưng nhờ sự vận động của chính quyền, cùng với mặt bằng mới đã được san ủi, xây dựng đã tiếp thêm động lực cho dân làng đồng lòng di dời về làng mới. Vậy là đầu năm 2014, dân làng bắt đầu giúp nhau vận chuyển đồ đạc. Từng căn bếp mọc lên, dù còn tạm bợ, bởi người Cơ Tu quan niệm bếp là nơi quan trọng nhất của một căn nhà. Đến khi nhà nào cũng đã làm xong bếp, lại giúp nhau kéo từng cột gỗ, vác từng mảnh ván, hết căn nhà này lại giúp tiếp cho nhà kia. Ròng rã suốt ba tháng trời như thế, hơn ba mươi nóc nhà bán kiên cố mọc lên trên mặt bằng mới, đánh dấu bước chuyển mình của làng K’xêêng sau những năm tháng dài gian khó.

Dòng tộc kết đoàn
Về làng mới K’xêêng, từ chỗ sống chen chúc, chật chội ở làng cũ, người dân đã bàn bạc, thống nhất dựng nhà theo từng nhóm tộc họ nằm cạnh nhau nhằm hỗ trợ, giúp đỡ nhau, đồng thời tăng cường tình đoàn kết giữa các tộc họ. Cụ thể, bốn tộc họ của làng là các họ Alăng, Abing, Bhling và Hôih đều dựng nhà theo hình vòng cung quanh gươl làng, trong đó những gia đình cùng tộc họ nằm cạnh nhau. Không chỉ hỗ trợ giúp đỡ nhau trong đời sống và sinh hoạt, những tộc họ này còn thường xuyên giúp nhau theo hình thức đổi công, tăng cường hiệu quả sản xuất, góp phần thắt chặt tinh thần đoàn kết của dân làng…

Bh’ling Alúc - Trưởng thôn K’xêêng tâm sự, ổn định xong nhà cửa, dân làng một lần nữa chung sức dựng gươl. Đến tháng 9.2015, gươl làng được hoàn thành trong niềm hân hoan. Xuân Bính Thân này cũng là cái tết đầu tiên làng K’xêêng được ăn một cái tết đủ đầy, no ấm nhất, trong những căn nhà mới, gươl mới, trong những đổi thay của dân làng. Có điện, có đường, lại được bố trí đất để làm ruộng, trồng lúa nước, cái đói được giải quyết. Những thứ lâm sản phụ như măng rừng, chuối, mây được thương lái mua tận nơi. Một số mô hình sinh kế như trồng chuối, trồng keo được phát triển, nhân rộng giúp dân K’xêêng thực hiện ước mơ làm giàu. Từ nơi tăm tối, ánh điện đã sáng bừng trong nhà, dân làng còn biết theo dõi tin tức trên truyền hình, học cách trồng cây, chăn nuôi sản xuất… Với nhiều người, nhất là những người già trong làng, ngày tết đi lễ “tà - moòi, tr’záo” (thăm thông gia) đã không còn phải băng bộ suốt cả ngày trời đường rừng nữa, vì đã có cháu con chở xe máy đi đến tận nhà. Một xuân mới thật khác, đánh dấu những ngày tươi sáng ở K’xêêng, từ bây giờ…

Trong niềm hân hoan, ông Nguyễn Thanh Tâm - Chủ tịch UBND xã Dang cho biết thêm, K’xêêng bây giờ đang là một trong những thôn dẫn đầu trong việc xây dựng nông thôn mới và một trong những thôn văn hóa tiêu biểu. “Sự đầu tư đồng bộ cùng chủ trương tái định cư đúng đắn, hợp lòng dân đã giúp cho đời sống người dân thôn K’xêêng no ấm, đầy đủ hơn, không còn thiếu đói, khó khăn như trước nữa. Một số hộ trong thôn tự nguyện đăng ký thoát nghèo, là điển hình để tuyên truyền, vận động đồng bào thay đổi cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình” - ông Tâm nói.

Ghi chép của THÀNH CÔNG -  ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xuân mới ở K'xêêng…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO