Xuân Thống - nhà thơ không làm thơ

TRẦN TRUNG SÁNG 29/07/2018 14:58

Xuân Thống là một nhân vật văn nghệ đương đại có nhiều giai thoại độc đáo của đất Quảng. Ông nổi danh là “nhà thơ không làm thơ”. Ông cũng là bạn thân của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng trong cả nước như Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Nguyễn Tuân, Nguyễn văn Xuân, Thanh Tịnh, Trần Dần, Hoàng Cầm, Châu Kỳ… và là một trong những nhân vật nguyên mẫu trong tác phẩm Câu chuyện Đà Nẵng của nhà văn Thái Bá Lợi.

Tranh chân dung Xuân Thống qua nét vẽ danh họa  Bùi Xuân Phái .
Tranh chân dung Xuân Thống qua nét vẽ danh họa Bùi Xuân Phái .

Theo gia đình của Xuân Thống, nhân kỷ niệm 2 năm ngày mất của ông (2016 - 2018), gia đình đã gửi tặng bức tranh chân dung Xuân Thống do danh họa Bùi Xuân Phái vẽ cho tổ chức Phẫu thuật nụ cười (Operation Smile Vietnam) đấu giá gây quỹ, nhằm góp phần ủng hộ phẫu thuật tìm lại nụ cười cho các em bé không may mắn, theo tâm nguyện của ông lúc sinh thời. Và bức tranh đã được bán với giá 4.800USD.

Từ nhiều thập niên trước, nhất là giai đoạn khó khăn thời bao cấp, giới văn nghệ đất Quảng, hầu như ai cũng đôi lần nghe nhắc tên Xuân Thống, một tay chơi tài tử hào hiệp ở Điện Bàn, từng cưu mang, giúp đỡ cho nhiều bạn bè những lúc hoạn nạn, khó khăn. Nhưng phải đến tận cuối thập niên 80, tôi mới được gặp và làm quen ông trong một cuộc triển lãm tranh của họa sĩ Vũ Dương. Lần ấy, vào lúc nửa khuya, đột nhiên mọi người nhìn thấy một gã đàn ông trung niên mang kính đen bước vào phòng tranh. Người này có dáng dấp khá ngầu, mang phong cách bụi bặm kiểu Charles Bronson (tài tử Mỹ thường đóng phim cao bồi cùng Alain Delon, tài tử nổi tiếng của Pháp). Ông ta tằng hắng nói: “Các anh biết tôi là ai không?”. Thực ra, tại buổi tiệc đã có vài người từng quen biết với Xuân Thống, nhưng nhà văn Nguyễn Văn Xuân vẫn đứng lên vỗ vai anh ta giới thiệu: “Đây là nhà thơ Xuân Thống nổi tiếng của Điện Bàn”. Có người đùa vui: “Em ruột nhà thơ Xuân Diệu đó”. Thế rồi, Xuân Thống nhập cuộc cùng mọi người, và ông đem lại một không khí thật sôi động bằng những tiết mục thơ nhạc do tự ông cải biên nghe rất lạ tai. Nhiều lần gặp về sau, tôi nhận ra, dù hoàn cảnh nào, Xuân Thống vẫn luôn đến với mọi người bằng tâm hồn văn nghệ hào sảng, lạc quan, trong sáng. Ông thuộc nhiều thơ và nhạc đến mức dân chuyên nghiệp cũng phải ngả mũ. Tuy nhiên, Xuân Thống từ chối sáng tác, mặc dù ông vốn được bạn bè phong danh hiệu là “nhà thơ”.

Xuân Thống sinh năm 1949, quê ở Điên Bàn. Thời trước 1975, ông từng là kỹ thuật viên bảo trì máy bay. Sau ngày hòa bình, ông mưu sinh bằng nghề sửa máy nước, thợ hàn sắt… Tuy cuộc sống chẳng phải sung túc là bao, nhưng ông luôn trải lòng, san sẻ hết mình với bạn bè xung quanh, nhất là với những văn nghệ sĩ mà ông yêu mến. Ngay đầu những năm 80, Xuân Thống có lần mời Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Phùng Quán… về  thăm quê chơi, và ông bị an ninh mời làm việc nhiều lần, vì giao du với “bọn Nhân văn - Giai phẩm”.

Riêng với Bùi Xuân Phái, Xuân Thống có nhiều tình cảm và kỷ niệm khá ấn tượng. Nguyên vào năm 1981, đoàn họa sĩ Hà Nội gồm: Nguyễn Văn Tỵ, Phan Kế An, Bùi Xuân Phái và Đặng Thu Hương… đi trại sáng tác 3 tháng tại Quảng Nam - Đà Nẵng, Xuân Thống đã kết bạn và thân thiết với Bùi Xuân Phái vào dịp này. Từ đó, trong nhiều năm liền, cứ mỗi lần đi Hà Nội mua phụ tùng máy nước, Xuân Thống đều dành thời gian ghé thăm Bùi Xuân Phái (và Văn Cao), rồi tế nhị gửi hai anh bạn của mình chút tiền rượu.

Theo nhà thơ Lý Đợi, vào năm 1987, Bùi Xuân Phái đề nghị vẽ chân dung Xuân Thống. Bức tranh ký ngày 25.6.1987, nhưng thực tế là 24.6 (vì cái đồng hồ Liên Xô của Bùi Xuân Phái bị sai ngày). Xuân Thống có nhắc điều này, nhưng Bùi Xuân Phái nói đại ý tụi mình chơi với nhau quên ngày tháng, sai một ngày có sao đâu! Xuân Thống không ngờ một năm sau, đúng ngày 24.6.1988, Bùi Xuân Phái qua đời. Lần gặp nhau cuối cùng đó, biết Bùi Thanh Phương (con trai ông Phái) sắp lấy vợ lần 2, Xuân Thống gửi Bùi Xuân Phái 2 chỉ vàng để phụ chút chi phí, vì sợ ngày đám cưới không ra được. Bùi Xuân Phái tặng Xuân Thống 2 bức tranh. Sau này, khi rời bỏ quê nhà, đưa gia đình vào Sài Gòn sinh sống, Xuân Thống tặng lại một bức cho người hàng xóm, một bức tặng cho một bác sĩ ở Bệnh viện Điện Bàn. Ông chỉ giữ lại bức chân dung.

 Với những bạn hữu thâm niên ở quê nhà, ngoài những kỷ niệm rất sâu sắc với họa sĩ Đỗ Toàn, nhà văn Thái Bá Lợi, kiến trúc sư Ba Lan Kazimierz Kwiatkowski…, Xuân Thống đặc biệt yêu quý nhà văn Nguyễn Văn Xuân. Có thể nói, Xuân Thống thể hiện với thầy Xuân bằng tình cảm hiếu nghĩa như một người con. Hồi còn ở Điện Bàn, cứ mỗi lần ra Đà Nẵng, Xuân Thống đều vội vã ghé qua nhà thầy Xuân lo lắng thăm hỏi chăm sóc sức khỏe cho thầy và cả những người trong gia đình thầy. Sau này, khi thầy Xuân bệnh nặng phải ngồi xe lăn, mỗi lần từ Sài Gòn trở về, Xuân Thống đều tự tay tắm rửa cho thầy và đặt thầy vào xe lăn đẩy đi dạo chơi trên đường phố. Ông nói: “Thỉnh thoảng phải để thầy nhìn ngắm phố phường, thưởng thức cái đẹp trần gian chớ…”.

Vừa qua, kỷ niệm tròn hai năm ngày mất Xuân Thống qua đời, đông đảo bạn bè thân hữu đã tập trung về nhà ông tổ chức chương trình văn nghệ “Xuân Thống -  một chốn rong chơi”. Dù không phải là người sáng tác, nhưng những dấu ấn ông để lại trong ký ức mọi người không phải dễ mấy ai làm được. Và một trong những dấu ấn đó, phải chăng chính là bức chân dung ông qua bàn tay tài hoa của danh họa Bùi Xuân Phái đã góp phần đem lại nụ cười cho những trẻ thơ không may mắn?

TRẦN TRUNG SÁNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xuân Thống - nhà thơ không làm thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO