Chiếc xe đò từ Sài Gòn đổ khách xuống bến xe Mỹ Tho lúc hơn 10 giờ, một ngày cuối tháng 9.1956. Tôi choáng ngợp trước sông Tiền rộng mênh mông, vòm trời cao lộng nắng. Mang cái túi xách mua tại chợ Đông Ba (Huế) trong đó đựng cả “gia tài” của một lãng tử bất đắc dĩ, tôi rảo bước về phía bến chợ. Bước đi mà chả biết sẽ đến đâu vì không quen biết ai ở miền này. Sau mấy tháng từ miền Trung vào Nam, tôi nhận thấy chưa thể dừng lâu tại Sài Gòn được. Một đàn anh khuyên nên xuống miền Tây Nam Bộ một thời gian, dặn lúc nào dành đủ tiền hãy trở lại Sài Gòn…
Bến Mỹ Tho đang có nhiều tàu thuyền vào ra nhộn nhịp. Tôi chú ý đến một chiếc ghe mui thật lớn đang neo gần bờ, lớn cỡ ghe bầu từng thấy ở bến Hội An. Tôi bước lại gần quan sát, nghe chú bán kem bảo đó là ghe thương hồ chở hàng bách hóa đi bán khắp nơi dọc sông Tiền sông Hậu. Chủ ghe, ông Tư Thới, có nhà trong chợ Cái Bè, lại là võ sư. Vừa lúc ấy, từ trong khoang một người đàn ông trạc ngũ tuần bước ra phía mũi ghe. Trông ông thật rắn chắc, da nâu, mặt chữ điền, ngực và đôi vai phồng căng dưới lằn áo bà ba vải sa-tanh màu mỡ gà. Ông và tôi nhìn nhau, tự nhiên tôi nói lớn:
- Xin chào bác Tư.
Ông hỏi lại:
- Sao chú nhỏ biết “qua”?
- Dạ, bác Tư thì ai mà chả biết.
- Vậy mời xuống ghe chơi.
Lên ghe, tôi cúi chào ông lần nữa. Ông hỏi:
- Chú nhỏ quê ngoài Trung phải không ?
- Dạ, cháu ở Quảng Nam.
- Vậy có biết võ sư Hồ Cưu và Bùi Hí không ?
- Dạ có. Tên đầy đủ của võ sư Hồ Cưu là Hồ Tấn Cưu. Mà sao bác Tư biết hai vị ấy?
- Hai vị ấy nổi tiếng về tài võ khắp Đông Dương từ năm 1940, những người mê võ như “qua” đều phải biết.
Ông quàng vai tôi dẫn vào bên trong ghe. Dẫn tôi xem mọi thứ bày trong ghe, rồi ông vào bên trong lấy ra hai chai li-mô-nat (nước chanh), khui nắp chỉ bằng một đầu ngón tay cái rồi đưa tôi một chai. Thấy ông xởi lởi coi bộ dễ tính, tôi trình bày ý định của mình. Ông Tư vỗ vai tôi, nói lớn:
- Đi đâu cho mệt. Cứ ở đây làm việc với “qua”, khi nào có việc tốt hơn hãy hay. Đúng lúc thằng phụ vừa xin nghỉ để về cưới vợ, “qua” đang tìm người thay nó nên phải neo ghe hơn tuần nay…
Thương hồ. Tôi nghĩ ai đã đặt tên cho loại ghe này hay quá, vừa đúng với công năng lại vừa lãng mạn. Ở Quảng Nam cũng có loại ghe cỡ này nhưng gọi là “ghe bầu”. Chất lãng mạn, nên thơ của ghe bầu xem như không có vì nó chỉ chở hàng trực chỉ từ nơi cung tới nơi cầu, dù thủy trình có thể xa hơn như từ Hội An vào Sài Gòn, lắm chuyến sang tận Nam Vang. Còn tính cách của ghe thương hồ là lênh đênh, nay ghé chợ này mai đến thành phố nọ để mua hàng, giao hàng. Nó là một căn nhà lưu động trên cái nền sông nước bao la phương Nam.
Sau mấy ngày thử việc, tôi thấy cảm tình với ghe thương hồ và rất mến người chủ ghe tốt bụng. Ngày nọ, ghe thương hồ chúng tôi ghé lại thị xã Trúc Giang (Bến Tre) lấy hàng bổ sung. Khi đến bến cửa sông Hàm Luông, vừa sập tối, bác cho ghe ghé vào bãi cát hẹp không có nhà cửa. Vừa lúc ấy, từ rặng dừa có hai người đi ra, bác Tư cũng rời ghe. Họ trao đổi với nhau gì đó, rồi bác Tư bảo tôi:
- Cháu lấy hết hàng ở hai ngăn 6 và 8 rồi đem xuống giao cho hai chú.
Tôi soạn và bỏ tất cả vào hai bao đựng gạo loại 50 ký, toàn là thuốc tây, vở tập, giấy pelure, mấy hộp carbon đánh máy chữ, sữa hộp, hộp quẹt và đá đánh lửa…
Tôi vác hai bao đầy hàng xuống bãi. Khi trở lên ghe, tôi lật sổ xem nhưng không thấy lô hàng này có ghi ở phần nhập, liền nhìn bác Tư ra dấu việc nhận tiền của khách hàng này. Ông lắc đầu. Khi hai người nhận hàng khuất dạng dưới bóng dừa nước, bác Tư dặn:
- Loại hàng này không ghi nhập, xuất và lấy tiền. Cháu hiểu không?
- Dạ… hiểu.
- Tốt. Hiểu rồi thì để bụng. Lâu lâu ghe ta lại có một chuyến hàng như thế, nơi giao và nhận hàng không cố định một chỗ.
Tết Đinh Dậu 1957 sắp tới. Hai bác cháu chúng tôi phải làm việc cật lực để mua hàng và rong ruổi ghe đi giao hàng bán tết tại nhiều chợ nhỏ, chợ lớn dọc sông Tiền, sông Hậu, đến tận những chi lưu của hai trường giang này. Hàng tết của miền Nam rất phong phú nhưng không có nơi nào tập trung đủ loại để nhận một lần. Chẳng hạn, muốn có bánh pía phải cho ghe đến Sóc Trăng, rượu nếp Gò Đen phải đến Long An, nem chua Lai Vung phải vào Sa Đéc… Khách tiêu dùng đòi phải có các mặt hàng tết chính gốc mới chịu, mặc dù những nơi khác cũng có những thứ ấy.
Lúc này, hễ giao hàng tới đâu mà hết ngày thì chúng tôi dừng ghe ngủ qua đêm tại đó. Đêm nào trước khi ngủ tôi cũng ngâm những bài thơ kháng chiến. Bác Tư rất thích loại thơ này nhưng không thuộc được bao nhiêu. Ông mua một tập vở giấy trắng bìa cứng bảo tôi lúc nào rảnh thì chép vào đấy cho ông. Đọc qua bài nào bác Tư cũng khen hết lời. Ông cố đọc thuộc trước mấy bài của Tố Hữu, Chính Hữu, Vũ Cao… Gặp bài làm theo thể lục bát, ông ngâm kiểu “nói thơ Lục Vân Tiên”.
Chỉ còn 2 ngày nữa là Tết Đinh Dậu (1957), ghe thương hồ chúng tôi chạy chầm chậm vào bến chợ Long Xuyên. Khi ghe quay ngang để vào bến thì một chiếc vỏ lãi gắn máy bị xuồng cảnh sát tuần giang rượt đuổi đâm phải. Bánh lái gãy, đến quá trưa ngày 29 tháng chạp mới thay xong. Bác Tư nhìn ra sông, than không về về Mỹ Tho kịp, liền xách giỏ lên chợ mua thực phẩm chuẩn bị đón năm mới trên sông.
Ghe lúc này nhẹ tênh rời khu tứ giác Long Xuyên chiều 30 tết. Làng xóm hai bờ sông đã nổi tiếng pháo cúng tất niên. Bác Tư quyết định cho ghe chạy luôn đêm, giao thừa ở đâu thì cúng ở đó. Ông bảo: Vậy mới đúng là thương hồ của hai kẻ giang hồ…
Đồng hồ báo 23 giờ đêm. Tôi ra ngồi lái để bác Tư vào nấu đồ cúng. Nửa giờ sau, bác lấy hai vỏ thùng các-tông lớn đặt thành bàn trước chiếc đèn măng-xông sáng rực, mặt bàn trải chiếc khăn vải hoa. Xong, bác sắp các lễ phẩm lên “chiếc bàn” ấy. Cũng có con gà luộc, thịt heo quay, bánh tét, bánh ngọt và chai rượu nếp. Bác lên hương đèn rồi chấp tay khấn vái. Ghe vẫn chạy chậm trên dòng sông đêm, không thấy chiếc ghe nào đi cùng chiều hay ngược chiều…
Lễ tất. Thời khắc đã sang năm mới Đinh Dậu. Tôi rót ly rượu tân niên dâng người chủ ghe thương hồ khả kính mà tôi đang thọ ơn. Ông gật đầu, cười và uống cạn ly rượu rồi bảo:
- Cháu cũng uống một ly đầu năm cho có khí thế.
Đang ăn, bác lấy từ túi áo ra một gói giấy đỏ trao cho tôi, khoản tiền trả 3 tháng lương và thưởng tết. Tôi xin phép mở ra xem, tất cả là 14 ngàn đồng (thời điểm ấy vàng lá hiệu Kim Thành chỉ năm ngàn đồng một lượng), nhiều quá nên không dám nhận. Ông giải thích, trong đó có 4 ngàn là khoản “lì xì” để tôi lên Sài Gòn lo giấy tờ tùy thân. Ông còn bảo, là nam tử đừng nên để tâm nhiều về chuyện tiền nong vốn là vật ngoại thân… Tôi đành chỉ biết nói lời cảm ơn. Bác Tư uống cạn ly rượu nữa rồi nói:
- Có những cuộc chia ly tuy buồn nhưng không thể cản. Thế này nhé, ngày mai mùng Một tết, đường sá xe cộ không bị kiểm soát. Thừa dịp này, khi về đến Mỹ Tho cháu ngồi xe đò lên Sài Gòn luôn…
Chiếc ghe vẫn đi chậm như trôi. Vòm trời rộng đầy sao. Lần đầu tiên và có lẽ là lần duy nhất trong đời, tôi đón xuân trên sóng thương hồ tại một dòng sông lớn nhất trong chín nhánh Cửu Long giang.
TƯỜNG LINH