Cuộc sống thường ngày

Xuân trên ngàn...

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 08/02/2024 07:59

Nắng ấm biên giới. Đi ngang qua nhiều bản làng, đã thấy mạ lên xanh trên các cánh đồng lúa nước. Các ngả đường rực sắc cờ... Xuân, bằng nhiều cách, đã đến thật sớm nơi miền biên viễn.

z5133329651126_f8275e02db00cabdd6cb82721b666e20.jpg
Các già làng vui vẻ trò chuyện với Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh về những đổi khác của vùng biên huyện Tây Giang hôm nay. Ảnh: C.N

Màu xuân mới

Xúng xính trong bộ váy thổ cẩm, những em bé gái Cơ Tu, Tà Riềng... tay cầm cờ, đồng thanh chào khách. Lũ trẻ vùng cao, dẫu tuổi thơ hằn in cơ cực, nhưng điểm chung là các em đều rất lễ phép, luôn chào khách lạ mỗi khi ra đường. Tiếng chào con trẻ ấm lại không khí của ngày cuối tháng Chạp, dẫu vùng biên còn vương lại cái rét se sắt những ngày đông cuối.

Đã thành lệ, cuối tháng Chạp, bà con các xã biên giới Nam Giang lại háo hức đón chờ một ngày hội đặc biệt: chương trình “Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản” của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh.

Từ hôm trước, người dân ở các làng, bản ở La Êê, Chơ Chun, hai xã biên giới xa xôi nhất của Nam Giang, và cả những đồng bào Cơ Tu từ cụm bản phía bên kia nước bạn Lào đã tề tựu về đây, để sẵn sàng hòa mình vào không khí rộn ràng của ngày hội kết đoàn.

Rất nhiều hoạt động được tổ chức như giao lưu lửa trại, liên hoan ẩm thực, trình diễn văn nghệ quần chúng, trang phục truyền thống, các môn thể thao đặc trưng của miền núi.

z5132412797638_ed67856205783a123945fc77c313cc3d.jpg
Già làng Alăng A - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Chà Vàl với món quà vừa được tặng. Ảnh: C.N

Thượng tá Quách Thiện Dư - Chính trị viên Đồn Biên phòng La Êê nói, nhiều năm nay, nơi phên dậu La Êê - Chơ Chun này luôn được gìn giữ vững chắc nhờ sự kết đoàn của nhân dân hai bên biên giới và lực lượng BĐBP. Hòa bình và no ấm hôm nay, là thành quả của chặng đường dài đồng hành cùng dân bản của cán bộ chiến sĩ biên phòng.

Trở lại thăm xã La Êê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nói, đã có rất nhiều đổi thay chỉ sau 2 năm, tính từ lần công tác trước của ông tại xã vùng biên này.

“Tôi rất vui mừng khi diện mạo của vùng biên đã bớt đi khốn khó, nhiều gam màu tươi mới với điện, đường, hạ tầng công trình... ở nơi này.

Vui nhất là qua thăm hỏi, tôi được biết đời sống bà con đã có nhiều cải thiện, no ấm hơn, tuyến biên giới vẫn giữ được bình yên, mối đoàn kết hữu nghị giữa bà con vùng biên với các bản giáp biên ở nước bạn Lào vẫn thắm thiết.

Niềm tin của bà con với Đảng, với Nhà nước và truyền thống kết đoàn sẽ tiếp tục là điểm tựa cho BĐBP trong giữ chủ quyền, là sức mạnh để giúp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm mới 2024” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nói.

Tết ấm

Gác lại những toan lo cuộc sống, đồng bào Cơ Tu ở vùng biên Tây Giang rộn ràng lại chuẩn bị đón một cái tết theo cách riêng của người ở núi. Dọc các hàng quán ngay trung tâm của huyện, không khí mua sắm đang trở nên nhộn nhịp.

Ông Zơrâm Vương (ở thôn Agrồng, xã A Tiêng) nói, năm nay người dân địa phương không còn phải đi xa để sắm tết. Gần như mặt hàng nào cũng đều có sẵn, từ quần áo mới, bánh kẹo cho lũ trẻ, cho đến gà vịt, các loại rau, củ quả tươi xanh…

Chưa xa trong ký ức của ông Vương, là chuyện tết năm nào đó còn phải lo toan cơm áo chưa đủ đầy, đường sá cách trở, cả làng du xuân bằng... ủng vì lầy lội trơn trượt.

“Nay khác rồi, A Tiêng giờ khác gì phố. Hàng hóa đầy các cửa hàng, được bày tràn ra. Tôi thấy các amế chất đầy gùi các loại quà bánh xanh đỏ rủ nhau ngược về làng, mà nhớ lại những năm tháng phải dành dụm từng cái kẹo để dành cho trẻ con ngày tết hồi trước” - ông Vương chia sẻ.

Xuân về theo những chuyến xe. Ngược núi, lên Axan (Tây Giang), đã thấy người tập nập phía các tiệm tạp hóa nằm gần trụ sở UBND xã. Tết đến gần thật rồi.

Bà Nguyễn Thị Thoắt, chủ quán tạp hóa tại trung tâm xã A Xan cho biết, vài tháng gần đây, nhiều hộ người dân địa phương rầm rộ thu hoạch đẳng sâm và các nông, lâm sản.

“Có tiền, bà con sắm tết thoáng hơn. Tết là để vui, để nghỉ ngơi sau một năm dài. Bà con vùng cao vốn hiếu khách, nên ai cũng muốn dịp này, gia đình đủ đầy hơn ngày thường để có thứ đón khách đến thăm những ngày xuân mới.

Mừng nhất là nhiều hộ khó khăn cũng đã được chính quyền, các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền để sắm sửa” - bà Thoắt cười, chào vội để vào trong soạn hàng, tính tiền cho đoàn khách đang đứng chật cửa hàng.

Chưa hết hẳn những gian khó của vùng biên, nhưng “đọc” đâu đó trong ánh mắt, cái cười của những vị già làng trong chuyến ngược núi cuối năm, xuân đã đến rồi.

Xuân đến trên chiếc gùi chất đầy hàng tết theo mẹ, theo chị về làng. Xuân về theo không khí náo nức của đêm lửa trại với các chiến sĩ biên phòng. Những gia đình khó khăn cũng đã được chăm lo để người người, nhà nhà đều có tết.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xuân trên ngàn...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO