Xuân trên vùng núi lở

Ghi chép của NGUYỄN DƯƠNG 11/02/2018 09:44

Chúng tôi quay lại Khe Chữ vào những ngày cận tết trong cái rét như cắt da, cắt thịt. Nắng hửng lên nhưng gió lùa tứ phía. Những lán trại được lợp tạm bằng những phên bạt nay đã thành những ngôi nhà chạy men theo hình tròn ôm trọn thung lũng vào lòng. Khoảnh đất đã từng chứng kiến bao khốn khó trong cơn bĩ cực, nay chuyển mình thành vùng đất mới với niềm vui mới...

Với sự hỗ trợ từ chính quyền cũng như các tấm lòng hảo tâm, người dân Khe Chữ sẽ có được một cái tết cổ truyền đầm ấm.Ảnh: N.DƯƠNG
Với sự hỗ trợ từ chính quyền cũng như các tấm lòng hảo tâm, người dân Khe Chữ sẽ có được một cái tết cổ truyền đầm ấm.Ảnh: N.DƯƠNG

1. Hàng trăm hộ dân xã Trà Vân, huyện Nam Trà My mất nhà cửa, người thân trong cơn giận dữ của thiên nhiên hồi cuối 2017 giờ đã dần nguôi ngoai niềm cũ để bắt đầu cuộc sống trên vùng đất mới. Tỉnh và huyện đã tìm được một nơi ở mới - Khe Chữ, để bố trí cho hơn 120 hộ dân lập làng. Như ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My nói, thì từ trước, huyện đã có đề án sắp xếp lại khu dân cư trên toàn huyện, để người dân có được đủ điều kiện cần thiết. Và cuộc di dân lần này trước sau gì cũng làm, nhưng sớm hơn so với dự định. Cũng may, ông Hồ Văn Vàng - một người dân ở Khe Chữ đã chấp nhận hiến đất cho các hộ dân có nơi làm nhà. Mỗi hộ dân có được 300 - 500 mét vuông đất. Ông Bửu thở phào, “giờ chỉ còn lo cho người dân để ổn định cuộc sống, tái lập sản xuất, chăn nuôi...”.

Cả khu dân cư đang thành hình hài của một làng kiểu mẫu. Những ngôi nhà được dựng lên bằng những tấm gỗ, lợp tôn mới cứng nằm trên một khu đất rộng rãi rất thoáng mát. Nhiều nhà đã nhanh chóng trồng những gốc đinh lăng, rau màu để làm thực phẩm. Theo Trung tá Trần Văn Chín - Phó tham mưu trưởng BCH Quân sự huyện Nam Trà My, trong thời gian qua, lực lượng bộ đội và lực lượng tại chỗ của huyện đã tiến hành di dời được 98 hộ dân từ nơi ở cũ sang đây. Trong đó đã dựng được 81 ngôi nhà, san gạt được 106 nền, và từ đây đến Tết Nguyên đán sẽ cố gắng hoàn thành công việc để người dân có nhà đón tết. “Đó là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tất cả anh em và người dân ở đây. Mới đầu, mưa sụt sùi khiến cho cái rét càng thêm đậm. Khó khăn nhiều, nhưng giờ cơ bản đã cảm nhận được nét xuân trên vùng đất mới” - Trung tá Trần Văn Chín cười nói.

Trong chuyến thăm, chúc Tết bà con ở Khe Chữ mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang đã chia sẻ với những khó khăn mà bà con đang phải gánh chịu. Đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương gấp rút hoàn thiện các hạng mục hạ tầng để giúp bà con có được một cái tết an vui, đủ đầy trong ngôi nhà mới của mình. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các lực lượng phải bảo đảm hệ thống giao thông, kênh mương thủy lợi, điện, nước sạch... Đồng thời về lâu dài, cần phải nghiên cứu địa hình, thổ nhưỡng của vùng đất để hướng dẫn sinh kế cho bà con, sớm ổn định cuộc sống. Và Khe Chữ phải trở thành là một khu dân cư kiểu mẫu không chỉ ở Nam Trà My mà là 9 huyện miền núi của tỉnh.

Khe Chữ đang trong không khí rộn ràng, khẩn trương để kịp đón tết. Nhà nào đã được dựng xong thì người dân qua nhà khác phụ giúp. Người tay cưa, người tay đục để dựng lên khung nhà; người thì lo kéo tôn về lợp. Cánh phụ nữ thì dọn dẹp, giặt giũ để chuẩn bị đón tết. Với họ, năm nay tết mùa cũng là Tết Nguyên đán. Lúc chúng tôi đến, cũng là lúc già Đinh Văn Thắng vừa hoàn thành lễ cúng làng mới cho Khe Chữ. Những lo toan, muộn phiền dường như đã ở lại nơi làng cũ. Giọng già sang sảng kể: “Mỗi nhà góp vô một ít mua con heo đen, nấu ít cơm và ít đồ cúng để trình với thần làng. Lệ lâu nay đã thế rồi, cứ mỗi lần về làng mới thì mình phải thông báo cho thần rừng biết mình từ đâu tới, làm gì ở đây. Qua chút vật lễ, cầu mong cho cuộc sống của mình sớm được ổn định, mưa thuận gió hòa để cây lúa, cây bắp ở trên rẫy không bị mất mùa, để men rượu cần sẽ nồng nàn và lửa ở nơi góc bếp luôn đượm cháy”. “Thế còn tết mùa truyền thống của mình thì sao?” - tôi hỏi. Già cười, hướng tay về những ngôi nhà mới rồi bảo, cả làng ai cũng như ai, chạy tứ tán cả. Giờ chỉ lo dựng nhà để ở trước đã, còn tết mùa cũng là Tết Nguyên đán, kết hợp cả hai lễ cùng một lúc.

2. Năm Đinh Dậu đang trôi về những ngày cuối. Và Khe Chữ đang từng bước để đón cái tết đầu tiên trên vùng đất mới. Tất cả vẫn còn bỡ ngỡ, nhưng họ biết mình cần phải làm gì. Mầm sống ở đây đã được gieo xuống, và Khe Chữ là nơi làm lại từ đầu, một cuộc di dân mà theo già Hồ Văn Tâm nói, là một cuộc an cư lạc nghiệp. Và những tín hiệu vui đã đến với làng mới Khe Chữ. “Trước đây ở cùng thôn với nhau, nhưng cũng tách ra từng nhóm. Giờ mọi người đều quây quần ở với nhau, giúp nhau vượt qua thiếu thốn. Khi ổn định, cùng vui ăn tết thì chắc sẽ vui hơn nữa” - già Hồ Văn Tâm trải lòng.

Cùng nhau gói bánh chưng để chuẩn bị đón tết, điều mà trước đây chưa từng có đối với người dân nơi đây.Ảnh: N.DƯƠNG
Cùng nhau gói bánh chưng để chuẩn bị đón tết, điều mà trước đây chưa từng có đối với người dân nơi đây.Ảnh: N.DƯƠNG

Khốn khó thì có thừa, nhưng họ được an ủi phần nào bởi sự quan tâm của chính quyền cũng như tấm lòng của mọi người trên khắp cả nước cùng chia sẻ. “Gạo để cho mùa lúa mới hầu như mất hết, phần thì bị vùi lấp dưới đất đá, phần thì bị mưa làm cho ẩm mốc, hư cả. May là các nhà hảo tâm đã cho chúng tôi rất nhiều lương thực và nhu yếu phẩm nên chẳng sợ đói trong mùa giáp hạt” - chị Hồ Thị Ngang nói. Theo nhẩm tính, nhà chị nhận được hơn cả tạ gạo, đủ ăn cho gia đình 4 người đến khi cuộc tái thiết hoàn thành. Những gói mứt, bánh kẹo cũng nhiều, nhất là đợt cận tết này, người đến thăm càng nhiều hơn. “Cũng nhờ bà con khắp nơi quan tâm chia sẻ. Đến ngôi nhà cũng không ngờ là được dựng nhanh đến vậy. Vui lắm!” - Ngang nói, mắt hướng về nơi bà con đang xúm lại gói, nấu bánh chưng tỏa khói nghi ngút.

Chưa bao giờ người dân nóc Ông Tuân lại có thể cảm nhận rõ cái không khí tết gần đến vậy. Trong ngôi nhà mới dựng của anh Hồ Kiên Cường chẳng có gì nhiều ngoài chiếc giường và bộ bàn ghế đơn sơ. Nhưng trên bàn đầy ắp những bánh kẹo, mứt tết nhận từ các nhà hảo tâm. “Trước đây, tết mùa cổ truyền mình chỉ chuẩn bị ít rượu cho người lớn, bánh kẹo cho trẻ nít chứ không biết đến mùi mứt hay bánh chưng là như thế nào. Giờ thì đã biết cách gói bánh chưng, vui ngày vui của cả làng chứ không một riêng ai” - anh Cường cười nói.

3. Với chính quyền huyện Nam Trà My, mọi điều kiện cần thiết đều đang được huy động để giúp người dân Khe Chữ có được một cái tết đúng nghĩa. Tiếng máy nổ rền vang một góc rừng, gấp rút hoàn thiện các hạng mục hạ tầng, để nơi đây có được hình hài của một khu dân cư mới. Những màu áo xanh của đoàn viên thanh niên huyện đang cùng bà con tổ chức gói bánh chưng, khói bếp quyện với mùi nếp trắng, thịt heo như làm ấm hơn cái lạnh nơi xứ núi. “Hiện tại, huyện gấp rút hoàn thành đường giao thông, ít ra thì cũng để ngày tết bà con đi lại đỡ khổ hơn. Riêng hệ thống điện lưới thì trước dịp tết Khe Chữ sẽ có. Huyện đang huy động phần lớn lực lượng để vào đây giúp bà con có được một cái tết đầm ấm hơn” - ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My chia sẻ.

Ánh xuân đang tươi ửng trên ánh mắt, hồng đượm trên đôi má những người đàn bà Khe Chữ ngồi quanh nồi bánh tét đang sôi. Chính bàn tay họ đã cùng nhau góp sức tái dựng mùa xuân trên nếp nhà mới của mình. Sự gắn kết yêu thương đó làm nên sức mạnh của Khe Chữ, nơi họ gửi gắm những hy vọng về một vùng đất mới an cư, lạc nghiệp. Như già làng Đinh Văn Thắng chia sẻ, cái được nhất của Khe Chữ chính là sự gắn kết, sự đồng lòng của tất thảy người dân, là sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với bà con trong cơn hoạn nạn. “Có thể đây là ý của trời, muốn bà con được quây quần cùng nhau. Đó là sự sống mới khởi đầu bằng mùa xuân ở thung lũng này” - già Thắng cười hiền.

Ghi chép của NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xuân trên vùng núi lở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO