Ở Việt Nam, hiện tượng người lao động đổ xô về các thành phố lớn tìm việc cũng diễn ra phổ biến, để rồi trước và sau mỗi kỳ nghỉ lễ dài ngày - đặc biệt là dịp tết, lại xuất hiện những dòng người chen chúc về quê rồi chen chúc trở lại nơi làm việc. Sự dịch chuyển lao động ấy, xét theo quy luật cung - cầu nhân lực, là hết sức bình thường. Một mặt, nó góp phần giải tỏa áp lực tạo việc làm cho những nơi có nguồn lao động dư thừa, lấp đầy khoảng trống cho những nơi cần lượng lớn người lao động. Mặt khác, các khoản thu nhập được người lao động tích cóp mang về quê cũng là một nguồn lực rất quan trọng góp phần nâng cao mức sống, ổn định và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương nơi họ ra đi.
Có một thời gian khá dài, Quảng Nam là một trong những địa phương có số lao động phải ly hương tìm việc lớn. Những ưu điểm, hiệu quả tích cực của sự dịch chuyển lao động này đã được nhìn nhận. Nhưng việc người lao động buộc phải ly hương, tự đi tìm việc làm ở nơi khác chính là một kiểu xuất khẩu lao động thụ động và thiếu bền vững, kèm theo đó là những hệ lụy không dễ thống kê hết. Mỗi dịp cận tết, nhìn những chuyến xe đường dài đổ người xuống ven đường, không thể không xót xa khi mà trong sự ngóng vọng của người ở quê, thậm chí ngay cả trong sự háo hức của người trở về, đều chất chứa những mệt mỏi, tủi thân, nỗi niềm. Sau tết, càng nhói lòng hơn khi mà từng đoàn người lại tay xách nách mang thấp thỏm chờ xe ven đường...
Bây giờ thì số lao động Quảng Nam phải ly hương đã giảm đi nhiều; quy mô những cuộc "xuân vận" nhiều buồn vui, cay đắng và tủi cực theo đó cũng giảm xuống. Tạo việc làm ổn định ngay tại quê nhà cho người lao động được các cấp chính quyền tỉnh Quảng Nam thực hiện mấy năm qua như một quyết sách mang tính chiến lược đã thu được kết quả rất tích cực. Một loạt chương trình mục tiêu về phát triển kinh tế, trao sinh kế và tạo việc làm cho người dân được triển khai đồng bộ và rộng khắp. Đặc biệt, thông qua việc thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá - một trong số này là phát triển nguồn nhân lực với trọng tâm là đào tạo nghề và giải quyết việc làm, 3 năm qua toàn tỉnh đã tạo thêm việc làm mới cho hơn 52 nghìn lao động. Riêng năm 2018, toàn tỉnh thêm 21 nghìn lao động có việc làm... Thử hình dung, trong 3 năm qua, nếu không có thêm 52 nghìn việc làm được tạo ra ngay trên quê hương mình, dòng người "xuân vận" ở Quảng Nam mỗi khi tết đến xuân về sẽ căng thẳng và dữ dội đến mức nào?
Quảng Nam hiện có 919 nghìn người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động. Trong khi đó, theo số liệu của Phòng Lao động - việc làm Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh hiện có hơn 868 nghìn lao động có việc làm. Nghĩa là, vẫn còn một "khoảng trống" nhất định, và vấn đề tạo công ăn việc làm ổn định tại quê nhà để người lao động không phải ly hương tìm việc vẫn là một nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài. Thay đổi hình ảnh của "xuân vận" - từ những dòng người mệt mỏi, bơ phờ, tủi cực, thấp thỏm,... vì áp lực ly hương tìm việc bằng những dòng người du xuân vui tươi, phấn chấn, tự tin,... vì họ tìm thấy và cầm nắm được những cơ hội việc làm, sự thăng tiến ngay trên quê xứ của mình - là không dễ. Nhưng, với những gì các cấp chính quyền của Quảng Nam đã và đang triển khai, chúng ta có cơ sở để hy vọng.
BẢO ANH