Xuân không chỉ đến từ những con đường hoa rực rỡ phố xá, ngang qua nẻo quê lung linh ánh đèn trang trí, mà đến từ cả sự sẻ chia yêu thương, dạy con trẻ biết giữ gìn nét đẹp truyền thống tết xưa...
CHÚT ẤM ÁP VỚI NGƯỜI NEO ĐƠN
Tết Nguyên đán Canh Tý đang cận kề, nhiều ngôi nhà vắng lạnh của các cụ già neo đơn trở nên sáng ấm bởi có nhiều tấm lòng nhân ái góp yêu thương.
Dịp cuối năm, Câu lạc bộ (CLB) Nhân ái TP.Đà Nẵng triển khai chương trình “Xuân nhân ái” giúp đỡ 10 hoàn cảnh neo đơn tại thị xã Điện Bàn. Anh Trần Văn Duy - Chủ nhiệm CLB Nhân Ái TP.Đà Nẵng cho biết: “Thành thông lệ, năm nào anh em chúng tôi cũng mua quà đến thăm các cụ. Cho nên dù tất bật với công việc, chúng tôi vẫn thực hiện chương trình, nếu không các cụ sẽ trông, thương lắm!”.
Những suất quà bao gồm quà bánh, sữa, gạo và phong bì lì xì (700 nghìn đồng/suất) chính là tấm lòng của các bạn trẻ thành viên CLB Nhân ái TP.Đà Nẵng. Cụ Trần Thị Buội (90 tuổi, trú tại khối phố Phong Nhị, phường Điện An, thị xã Điện Bàn) tuy đã già yếu nhưng vẫn phải nuôi 2 người con trai tâm thần. Tết về, căn nhà cũ kỹ vắng vẻ quạnh hiu, thấy có người đến thăm, cụ Buội mừng vui: “Năm nào tôi cũng chỉ mong lúc này, căn nhà đông vui hẳn ra. Tôi thầm ước giá như các cháu ở mãi nơi đây. Thấy các cháu là thấy tết!”.
Còn cụ Nguyễn Thị Trợ (83 tuổi, trú tại khối phố Tân Khai, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn) không có chồng con, lâu nay sống neo đơn, thiếu thốn cả vật chất lẫn tình yêu thương gia đình. Hẳn vì thế, khi thấy CLB Nhân ái đến thăm, cụ nghẹn ngào xúc động, hết lời cảm ơn và vui bởi tết này đủ no ấm.
Ở phường Thanh Hà, TP.Hội An cũng có một số trường hợp người già neo đơn hoặc phụ nữ đơn thân mắc bệnh hiểm nghèo. Hầu như năm nào chị Nguyễn Thị Thu Trang - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thanh Hà cũng đi tìm nhiều nhà hảo tâm, đội nhóm từ thiện quyên góp tặng những mảnh đời bất hạnh quà mừng năm mới. Gặp chúng tôi, chị Trang chia sẻ rằng, năm nay chị vận động trực tiếp 2 phần quà cho cụ Nguyễn Thị Thúy (84 tuổi) và bà Kiều Thị Xinh (49 tuổi) cùng ở khối phố Bàu Súng, phường Thanh Hà, TP.Hội An.
Không chỉ là những suất quà bánh mứt ngập tràn không khí tết, cụ Thúy còn nhận được chiếc nồi cơm điện hay bà Xinh vui mừng vì là lần đầu trong đời có người may tặng bà 2 bộ quần áo mới mặc tết. Bà Xinh nói: “Hôm đó, tôi đang rửa rau thì có người vào báo tin dịp tết tôi có tên trong danh sách nhận quà. Ai ngờ, họ còn may cho mấy bộ đồ mới. Sống cảnh đơn thân, lại đau bệnh bướu ác tính, nhận tấm lòng này, tôi quý vô cùng!”.
Xen lẫn bao niềm vui và cả sự xúc động trong dịp năm mới đến gần, các cụ già neo đơn hiện đang ở tại Trung tâm Dưỡng lão Hiệp Đức bày tỏ sự cảm ơn vì được Nhóm thiện nguyện Gia Đình TP.Đà Nẵng đến thăm, trao quà. Theo lời kể của anh Lê Tuấn Vũ - Trưởng nhóm thiện nguyện Gia Đình, để chuẩn bị cho chuyến đi “Tết đoàn viên”, nhóm kêu gọi hơn 30 triệu đồng mua sữa, bánh và nhu yếu phẩm, trao 10 triệu đồng tiền mặt hỗ trợ các cụ chữa bệnh lúc già yếu. Không chỉ thăm, tặng quà, Nhóm thiện nguyện Gia Đình còn tổ chức chương trình “Hát cho nhau nghe” để các cụ vui, không khí Trung tâm Dưỡng lão Hiệp Đức vì thế cũng rộn ngập tiếng cười.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Vũ nói: “Dù hành trình đi trao yêu thương có vất vả, nhưng chúng tôi đều vui và rất hạnh phúc. Nhất là khi chúng tôi biết cho đi yêu thương vào dịp tết đến, xuân về”.
SAN SẺ YÊU THƯƠNG
Những ngày này, các cơ quan, ban ngành, các tổ chức xã hội trên địa bàn Tiên Phước triển khai nhiều hoạt động thiết thực, giúp các gia đình chính sách, hộ khó khăn, neo đơn, nạn nhân chất độc da cam đón tết cổ truyền đầm ấm.
Những người nghèo, neo đơn, gia đình khó khăn trên địa bàn huyện Tiên Phước nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về nhiều mặt để có được cái tết ấm áp. Ông Võ Kim Chung - Chủ tịch UBND xã Tiên Mỹ cho biết: “Trong 5 năm lại đây mỗi khi tết đến xuân về địa phương đều vận động các tổ chức, mạnh thường quân chung tay với chính quyền chăm lo cho các đối tượng chính sách, gia đình khó khăn, neo đơn. Sau khi có được nguồn kinh phí xã tổ chức đêm văn nghệ “Mừng Đảng - đón xuân” trao quà “Tết yêu thương”. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, xã đã vận động được 300 suất quà, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng, giúp gia đình đón tết ấm áp hơn”.
Dịp này, UBND xã Tiên Hiệp, thị trấn Tiên Kỳ cũng tổ chức đêm văn nghệ “Mừng Đảng - đón xuân” và trao gần 400 suất quà, mỗi suất trị giá 300 - 500 nghìn đồng cho các gia đình khó khăn, người nghèo, nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn. Đối với Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện cũng đã vận động gần 2.500 suất quà tết, với kinh phí gần 900 triệu đồng; đồng thời hội viên CTĐ và người dân đã gói được hơn 200 cặp bánh chưng và trao 136 suất quà (mỗi suất trị giá 300 nghìn đồng) cho đối tượng khó khăn, gia đình chính sách...
Đối với các cấp ủy, chính quyền huyện những ngày này cũng khẩn trương trong việc chăm lo, trao quà tết đến tận tay cho người nghèo. Theo đó, các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện cũng đến thăm hỏi, trao tặng 250 suất quà (mỗi suất trị giá 300 nghìn đồng) cho các gia đình chính sách, hộ khó khăn, người nghèo, neo đơn trên địa bàn các xã Tiên Lập, Tiên An, Tiên Ngọc, Tiên Lãnh và Tiên Phong.
Ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND Tiên Phước cho biết, ngay từ đầu năm huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, bảo đảm đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Chủ động rà soát tất cả các đối tượng khó khăn, người nghèo, nạn nhân chất độc da cam… không để bất cứ người dân nào bị thiếu đói trong dịp tết.
Được biết Tết Nguyên đán năm nay, toàn huyện có hơn 4.300 đối tượng được nhận quà tết của Chủ tịch nước, của tỉnh với hơn 10.000 suất gồm quà và tiền mặt, trị giá hơn 3,2 tỷ đồng. Huyện cũng trích ngân sách hơn 412 triệu đồng để thăm hỏi, tặng quà cho người có công cách mạng và đối tượng xã hội.
“Ngoài ra, huyện cũng triển khai việc chỉnh trang khu vực trung tâm huyện, ra quân lập lại trật tự, dọn vệ sinh đô thị. Đặc biệt là tập trung sửa chữa một số tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp, lát đá vỉa hè nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp” - ông Huy nói.
TRẺ EM VỚI TẾT CỔ TRUYỀN
Cùng trẻ làm bánh mứt, chơi trò chơi dân gian… để trẻ cảm nhận không khí tết cổ truyền là cách làm của các trường mầm non, mẫu giáo, các câu lạc bộ kỹ năng sống trên địa bàn.
“Mừng bé thêm một tuổi” là chủ đề sinh hoạt trước thềm năm mới được các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn tỉnh tổ chức nhằm giúp trẻ hiểu hơn về nét văn hóa truyền thống của Việt Nam trong ngày tết. Năm nay, Trường Mẫu giáo Bình Minh (Tam Kỳ) tổ chức cho trẻ, cô giáo và phụ huynh cùng tham gia gói bánh chưng, bánh tét, trang trí mâm ngũ quả, trang trí hoa xuân, viết thư pháp…
Theo cô Phạm Thị Phương Thảo - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Bình Minh, những hoạt động này nhằm giúp trẻ tìm hiểu về tết cổ truyền cũng như được trải nghiệm những hoạt động của tết xưa; đồng thời tạo sự gắn kết giữa nhà trường và phụ huynh.
Anh Lê Công Phát - phụ huynh cháu Lê Cát Gia Như (lớp nhỡ 1) chia sẻ, cùng con gói bánh tét, anh mong con hiểu hơn về cái tết của ngày xưa, khi ông bà cha mẹ mình tự tay chuẩn bị mọi thứ để đón tết, chứ không mua đồ làm sẵn như bây giờ. Ngày hội tết của Trường Mẫu giáo Bình Minh còn thêm ý nghĩa, khi phụ huynh và giáo viên cùng nhau tổ chức những gian hàng ẩm thực dân gian để gây quỹ từ thiện giúp đỡ học trò nghèo.
Lễ hội mùa xuân của Trường Mẫu giáo Cẩm Hà (Hội An) cũng hướng đến chủ đề “Ngày tết quê em” với nhiều hoạt động dành cho trẻ như chơi bài chòi, trang trí hoa mai, hoa đào, mua - bán hàng, gói bánh chưng, bánh tét… Tương tự, mừng Xuân Canh Tý, Trường Mẫu giáo Hương Sen (Tam Kỳ) tổ chức chương trình “Bé vui hội xuân”. Học sinh được tham gia nhiều hoạt động có vui tươi, ý nghĩa như văn nghệ, biểu diễn thời trang, gói bánh chưng bánh tét, trang trí hoa xuân, viết câu đối tết, tham gia ẩm thực “hương vị quê”. Đặc biệt, lần đầu tiên nhà trường phối hợp với Đoàn Ca kịch Quảng Nam tổ chức hô hát bài chòi, thu hút nhiều phụ huynh và trẻ tham gia.
Trong hai ngày cuối tuần của ngày giáp tết, cô Phạm Cẩm Vân - Chủ nhiệm CLB kỹ năng sống Cánh Diều tổ chức chương trình “Tết quê trong lòng phố” dành cho trẻ tại một địa điểm đậm chất quê, có cánh đồng, bãi cỏ, có đất cát, có nắng gió… ở phường Hòa Thuận (TP.Tam Kỳ). Tham gia hoạt động, trẻ được tìm hiểu về tết, chơi trò chơi dân gian, vẽ tranh chủ đề tết, được làm bánh, mứt; nướng khoai, nấu xôi… trên bếp củi.
Ngoài ra, trẻ còn học cách chúc tết, phép lịch sự khi nhận lì xì, viết điều ước đầu năm mới… Nhiều em háo hức vì chưa từng được làm bánh, mứt nay tự tay làm các công đoạn từ đầu đến cuối, từ chuẩn bị nguyên liệu, trộn, sên mứt dừa hay gói bánh ít lá gai. Em Nguyễn Ngọc Gia Nhi (11 tuổi, phường An Xuân, Tam Kỳ) chia sẻ, em rất vui khi được tự tay làm mứt dừa, nướng khoai, bắp…, rồi thưởng thức sản phẩm do chính tay mình làm.
Còn chị Sandy, người Canada chia sẻ, khi biết thông tin về chương trình trải nghiệm tết quê qua mạng xã hội, chị cũng đến tham gia và hiểu thêm về tết cổ truyền ở Việt Nam. Với mong muốn giúp học sinh cảm nhận không gian tết xưa, Trung tâm Khoa học sáng tạo STEAM và Kỹ năng sống Little House cũng tổ chức chương trình gói bánh chưng, nghe kể sự tích bánh chưng, bánh dầy; đố vui về tết...
GIỮ VỊ BÁNH QUÊ
Ông Nguyễn Đức Hoàng (70 tuổi, xã Tam Xuân 1, Núi Thành) được nhiều người trong vùng biết đến với tay nghề làm bánh nức tiếng xa gần.
Những ngày cuối tháng Chạp, tại khoảng sân rộng nhà ông Hoàng, 5 người trong gia đình chia nhau ra làm các công đoạn như chẻ lạt, rửa lá chuối, gói, cột và luộc bánh chưng, bánh tét. Dù công việc nhiều, làm không ngơi tay nhưng ai nấy vừa làm vừa trò chuyện rôm rả khiến không khí những ngày giáp tết thêm rộn ràng và đầm ấm.
Gắn bó với nghề gần 20 năm, nhưng cứ mỗi độ tết về, người ông Hoàng lúc nào cũng chộn rộn. Phần vì đơn hàng từ các đầu mối tăng và hối thúc, phần vì niềm vui cùng vợ và con cháu quây quần bên bếp than, nấu những mẻ bánh cổ truyền. Ông Hoàng nhớ lại, những ngày đầu, khi mới bắt tay vào việc gói bánh chưng, bánh tét để bán, vợ chồng ông đã trải qua rất nhiều khó khăn. Ngoài việc bánh nấu ra không đạt chất lượng, gia đình ông còn không có nhiều đầu ra sản phẩm. Những lần nấu được mẻ bánh ngon, vợ chồng ông phải đạp xe mang bán khắp nơi trong vùng.
Cứ thế, ngoài làm ruộng, vợ chồng ông tranh thủ làm thêm bánh tét để bán kiếm thêm thu nhập. Nhờ sự tỉ mỉ trong khâu chọn nguyên liệu và cách chế biến cùng với sự khéo léo trong cách gói, bánh của ông Hoàng ngày càng được nhiều người biết đến và tìm mua.
Ông Hoàng cho biết, lò bánh đỏ lửa quanh năm, nhưng chủ yếu là những ngày rằm, mùng 1 và dịp lễ, tết. Trung bình, mỗi đợt nhà ông nấu khoảng 30 ký nếp, đến đầu tháng Chạp số lượng tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Giá bán thường dao động 30 - 60 nghìn đồng/cặp bánh chưng, khoảng 30 - 40 nghìn đồng/chiếc bánh tét. Đặc biệt là 3 ngày cận tết, lượng bánh nấu ra nhiều không đếm được. Chính vì thế, ngoài việc thuê thêm nhân công làm việc, ông Hoàng còn gọi con cháu về để giúp một tay.
Là giáo viên nhưng anh Nguyễn Đức Tín (SN 1997, con trai ông Hoàng) gói bánh nhanh và đẹp như người thợ chuyên nghiệp. Vừa làm anh vừa trò chuyện: “Công việc nấu bánh tuy vất vả, phải thức đêm dậy sớm nhưng thấy ba mẹ yêu thích, thỏa niềm vui tuổi già nên mình rất ủng hộ. Bên cạnh việc tìm và kết nối với các mối tiêu thụ, mình cũng tham gia gói bánh, vừa đỡ được phần việc, vừa có dịp trò chuyện, sẻ chia cùng ba…”.
Để bánh đạt chất lượng, ngoài việc chọn lọc đúng loại nếp cái hoa vàng, thịt heo quê, ông Hoàng còn tận dụng hơn hai sào đất trồng thêm chuối và tre để lấy lá và lạt. “Muốn bánh đẹp, người thực hiện công việc sắp lá chuối phải thật chuẩn chỉ, sắp đều và hợp lý để khi gói có thể bẻ lá cho vừa tay. Công đoạn khó nhất là gói bánh, yêu cầu người thợ phải gấp bánh dứt khoát, lực tay tác động vừa đủ mạnh thì bánh chưng mới vuông vứt, bánh tét mới tròn đều, đẹp mắt. Bánh chưng nấu khoảng 4 giờ đồng hồ là vừa còn bánh tét phải mất từ 7 - 12 giờ. Mọi người trong gia đình sẽ thay phiên nhau túc trực, để lửa ổn định, bánh chín đều, giữ được hương vị đậm đà cả nửa tháng mà không bị mốc, bị chua, hư hỏng” - ông Hoàng chia sẻ.
RẠNG RỠ ĐƯỜNG QUÊ
Những ngày này, trên khắp các con đường, khu dân cư nông thôn mới Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên được khoác áo mới chào đón năm mới Canh Tý 2020.
Thời điểm này, nhiều làng quê Đại Lộc, những “đoạn đường hoa” được nhân rộng tại các khu dân cư, tạo sắc thắm cho xuân. Trên trục ĐT609B qua thôn Quảng Huế, xã Đại An, không chỉ có một đoạn đường dài vài trăm mét rợp cờ hoa, người dân sống hai bên đường đã cùng nhau triển khai những trụ đèn lung linh màu sắc về đêm.
Theo một hộ dân thôn Quảng Huế, ban đầu, chỉ lác đác một vài hộ gia đình làm trụ đèn hoa, rồi nhiều người thấy đẹp nên mua dây điện, đèn nháy về làm để tiết kiệm tiền, thay vì mua, như vậy mỗi trụ đèn tự làm thì chỉ tốn chừng 500 - 600 nghìn đồng. “Mọi người góp tiền làm trụ đèn vừa để trang trí, vừa tạo thêm ánh sáng về đêm để người và phương tiện lưu thông an toàn; bởi đây là khu vực có lượng xe cộ rất lớn, từ khi cầu Giao Thủy hình thành” - một chủ tiệm tạp hóa ở ngã ba Quảng Huế chia sẻ.
Từ Quảng Huế, men theo đường ĐH3.ĐL qua vùng B Đại Lộc, đường hoa xuất hiện nhiều hơn, nhất là đoạn đường vắng qua cầu Khe Gai, thôn Phú Long, Đại Thắng cũng đã có “đường hoa”. Một số xã như Đại Phong, Đại Quang, để giảm thiểu bớt những khó khăn của người dân, chính quyền địa phương đã vận động mạnh thường quân, người con xa quê thành đạt hỗ trợ bà con làm đường xuân, ai khó khăn được miễn góp. Những người dân sống dọc hai bên đường ĐT609 qua thôn Phiếm Ái 2, thôn Hòa Mỹ, xã Đại Nghĩa đã trang trí trụ đèn đón tết.
Trên đường ĐT 610 qua địa phận huyện Duy Xuyên, dịp tết này, nhiều đoạn đường vắng, tối, cây cối rậm rạp đã được phong quang bằng “ánh sáng đường làng”, giúp người dân du xuân về đêm an toàn hơn, an ninh nông thôn được cải thiện. Tại một số đoạn của xã Duy Châu, người dân đã giăng mắc rực rỡ những cờ hoa, biểu ngữ. Từ trục ĐT609 qua cầu Kỳ Lam, tới Gò Nổi (Điện Bàn) những ngày này, ban đêm, đường xuân, ánh sáng đường làng tạo yên bình cho ngày xuân. Nhiều đình làng, miếu, nhà thờ ở vùng Kỳ Lam và Gò Nổi, theo lệ, thời điểm này cũng đã được trang trí, sơn sửa, người dân chuẩn bị vật dụng làm cây nêu, dựng nêu ngày tết, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, nhà nhà êm ấm, làng quê được thanh bình...
Không chỉ vậy, dọc các trục đường chính cho tới đường quê ở các vùng Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, nhiều đường hoa xinh với đủ loại cúc, thược dược, vạn thọ, mai dạ thảo, dạ yến thảo, hoa mào gà, cúc đại đóa, mai chậu, quật cảnh... đủ thể loại, đủ kích cỡ, giá cả để ai cũng có thể mua chưng tết. Bên cạnh đó, dọc các trục đường chính các huyện trên, hàng chục shop hoa với đủ loại, kích cỡ, từ hoa, cây cảnh để bàn cho tới hoa treo, dòng cây phong thủy đã mọc lên, chờ mang hương xuân đến từng nhà...