(QNO) - Với tấm lòng thương nhớ xiết bao về người mẹ của mình nay không còn nữa, nhạc sĩ Trần Thu Hường, người con xã Quế Hiệp (Quế Sơn) là Hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam đã viết nên nhiều ca khúc cảm động về mẹ.
Bài hát "Vòng tay của mẹ", lời: Trịnh Hương, sáng tác: Nhạc sĩ Thu Hường:
“Vòng tay của mẹ” là một trong rất nhiều ca khúc viết về mẹ của nữ nhạc sĩ Trần Thu Hường, bài hát phổ thơ Trịnh Hương, vừa đoạt giải B Giải thưởng năm 2021 - Hội nhạc sĩ Việt Nam. “Vòng tay của mẹ” không chỉ hội đủ tiêu chí nghệ thuật về ca từ, giai điệu, bố cục, tiết tấu,… âm nhạc để vượt qua hàng ngàn ca khúc để giành giải B một cách xứng đáng mà còn khiến người nghe xúc động. Nghệ sĩ ưu tú, ca sĩ Liên Hương khi thể hiện ca khúc này đã không kìm được cảm xúc.
Chị nói: “Khi thể hiện ca khúc "Vòng tay của mẹ", Liên Hương thấy hình ảnh của mẹ mình trong đó. Bài hát với những ca từ đẹp, giai điệu thiết tha sâu lắng như một bức tranh đẹp về tình mẫu từ…Vì thế, Liên Hương thể hiện ca khúc rất tự nhiên, bằng cảm xúc thật của mình...”.
Còn nhà thơ Trịnh Hương, tác giả bài thơ “Vòng tay của mẹ” xúc động: “Nhạc sĩ Trần Thu Hường đã chạm vào thơ một góc cảm xúc sâu lắng nhất của tình mẹ, chị bắt được mạch nước mắt chảy ngược để gieo cho bài thơ một giai điệu trọn vẹn như chính cảm xúc Trịnh Hương muốn chia sẻ qua từng câu chữ trong bài thơ về tình mẫu tử…”.
Nhạc sĩ Trần Thu Hường từng có những năm tháng tuổi thơ với biết bao yêu thương bên người mẹ thân yêu của mình. Ngày xưa mẹ ru chị ngủ bằng câu ca thấm đẫm tình quê xứ Quảng "Ngó lên Hòn Kẽm đá dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi". Mỗi năm tết đến xuân về mới có dịp trở về bên mẹ, chị đã cùng mẹ gói bánh tét tro, bánh ú, hì hục làm bánh khô, bánh tổ, hái chuối, hái mít sau vườn, trồng hoa vạn thọ chưng tết… Và, chị lại hát vỗ về giấc ngủ mẹ mình trong những cơn trái gió trở trời bằng chính lời ru mà ngày xưa bà thường hát ru con…
Nhạc sĩ Trần Thu Hường tâm sự: “Những năm cuối đời, lưng má tôi còng như vầng trăng khuyết, bà chỉ nằm nghiêng, không nằm ngửa được. Trên đôi vai gầy guộc của má, có biết bao nhiêu gánh sắn, gánh khoai, gánh củi từ trên núi cao về nhà rồi lại vượt hàng chục cây số gánh ra chợ bán, nuôi sáu anh chị em chúng tôi nên người. Má tôi thuộc nhiều ca dao, hò vè xứ Quảng nhưng không hiểu vì sao mỗi lần ru con ngủ bà lại bắt đầu bằng câu ca "Ngó lên Hòn Kẽm đá dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi".
Người ta thường nghĩ bà ru cháu, mẹ ru con hiếm khi con ru mẹ. Thế nhưng, nhạc sĩ Trần Thu Hường vẫn muốn ru má mình ngủ. "Mỗi lần ru như thế, tôi lại lo lắng rằng liệu những giây phút hạnh phúc đó còn được bao lâu. Và, tôi đã viết: "Ngày xưa mẹ hát ru con/ bây giờ ru mẹ biết còn bao lâu…” - nhạc sĩ bộc bạch.
Nhạc sĩ Trần Quế Sơn, em trai nhạc sĩ Trần Thu Hường xúc động, cầm ghi-ta thể hiện bài hát với một tâm trạng thương nhớ da diết người mẹ của mình.
Bài hát "Ru mẹ", sáng tác Trần Thu Hường:
Khi nghe ca khúc này, một người bạn âm nhạc của chị, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung (Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh Bình Thuận) nhận xét: “Tôi rất ấn tượng chùm ca khúc nhạc sĩ Trần thu Hường viết về mẹ, nhiều bài hay, cảm xúc chân thật. Đặc biệt, tôi thích bài hát Ru mẹ, nhạc sĩ Thu Hường dùng hai câu ca dao xứ Quảng "Ngó lên hòn Kẽm đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi" để làm chủ đề cho bài hát. Với chất liệu của thơ lục bát thì rất khó phổ nhạc, nhưng nhạc sĩ đã khéo léo phát triển tiết tấu, giai điệu mang âm hưởng dân ca ngọt ngào. Điều ấn tượng nhất là những nốt luyến láy và ly điệu trong bài. Đây cũng là một đặc điểm trong sáng tác khiến người nghe nhận ra chất của Thu Hường”.
Những ngày tháng hát cho mẹ nghe rồi cũng qua đi khi người mẹ của nhạc sĩ qua đời cách đây gần ba năm. Nỗi đau mất mẹ như cứa vào tim chị và bật lên nhũng dòng cảm xúc không thể tả nỗi bằng lời. Vì lẽ đó mà âm nhạc của Trần Thu Hường ở giai đoạn này khi viết về mẹ, có nhiều cung bậc cảm xúc hơn. Bài nào cũng có cao trào và dùng nhiều dấu hoá bất thường để diễn tả nội tâm của một người con chịu mất mác quá lớn khi mẹ mình vĩnh viễn ra đi…
Trong nỗi chơi vơi thiếu vắng bóng hình mẹ, nhạc sĩ Trần Thu Hường đã xúc cảm viết nên ca khúc “Đất và mẹ” - phỏng theo lời thơ Trần Huyền Tâm. Lời bài hát có đoạn: "Cái đêm con ra đời, mẹ cắt nhau chôn vào đất/ Mẹ gửi tình yêu chân thật vào mảnh đất quê hương/ Con sinh ra con sống cùng với đất/ Đất theo chân mẹ đưa con vượt quãng đường xa…"
Bài hát “Đất và mẹ”, thơ Trần Huyền Tâm, phổ nhạc và thể hiện Trần Thu Hường:
Tự sự về mẹ mình, nhà thơ Lương Duyên Thắng (Hà Nội) nhớ lại: "Mẹ tôi mất vào một ngày đầu đông năm 2017, trên đường đưa mẹ tôi từ Hà Nội về quê, trời mùa đông mây xám, sương giăng trắng cả lối mẹ tôi về. Qua những cây cầu, qua những con đê, qua những mảnh ruộng thân quen, chúng tôi về đến nhà thì trời đã quá trưa. Nhìn ra ngoài mảnh vườn loang nắng, nhìn chiếc bình vôi đã cũ, cây cầu ao,… nơi đâu tôi cũng thấy bóng dáng của mẹ. Nhớ đến tấm lưng còng của mẹ mỗi mùa đông cấy lúa trong gió mùa đông bắc. Tôi nhớ những ngày mẹ tôi mặt buồn nhìn ra ngoài đồng ruộng mênh mông nước, nhớ biết bao kỷ niệm về mẹ để rồi những câu thơ chợt bật lên: "Mẹ tôi tóc bạc da mồi/ Mẹ tôi áo vá cả đời bì con…”.
Khi bắt gặp những dòng thơ chan chứa biết bao kỷ niệm thân thương ấy, nhạc sĩ Trần Thu Hường cũng trong tâm trạng không còn mẹ trên đời đã xúc động đưa giai điệu âm nhạc vào thơ để “Tôi đi tìm mẹ” được ra đời rưng rưng một trời thương nhớ.
Bài hát “Tôi đi tìm mẹ”, thơ Lương Duyên Thắng, phổ nhạc và trình bày Trần Thu Hường:
Chẳng có gì trên đời này quan trọng hơn gia đình. Cho nên hãy tranh thủ những giây phút cha mẹ còn ở bên, nhất là những ngày đầu xuân này để quan tâm và yêu thương cha mẹ nhiều hơn "Hãy nói yêu mẹ đi, khi ta còn có thể/ Đừng để đến một ngày, mẹ rời xa trần thế/ Mỗi người chỉ có một mẹ thôi/Ngại gì không nói, con yêu mẹ, mẹ ơi, mẹ tuyệt vời nhất trên đời…". Bài hát "Hãy nói yêu mẹ" là lời thủ thỉ của nhạc sĩ Trần Thu Hương gửi đến mọi người rằng, hãy biết trân trọng phút giây bên cha mẹ và nói yêu mẹ nhiều hơn.
Chùm ca khúc viết về mẹ của nhạc sĩ Trần Thu Hường là tiếng lòng được viết lên từ con tim yêu tha thiết với mẹ. Âm nhạc của chị trong các ca khúc này khắc khoải, thổn thức với những cung bậc của ballad nhẹ nhàng, của những bosonova, slow, mang âm hưởng dân ca miền Trung với nhiều luyến láy ngọt ngào, da diết. Xa quê gần 30 năm nhưng hồn cốt quê hương như thấm đẫm vào từng câu chữ của nhạc sĩ Trần Thu Hường.
Cái sân gạch, bờ mương, giàn trầu, bữa cơm canh rau má, mắm nêm đã hiện hữu trong ca khúc của Trần Thu Hường một cách khéo léo mang lại cho người nghe hình ảnh chân thực, gần gũi. Mùa xuân này, nghe những ca khúc về mẹ của nữ nhạc sĩ sinh ra trên vùng đất Quế Hiệp, mỗi chúng ta - những người đang còn hay đã mất mẹ, lại dâng trào tình thương yêu bao la, nhung nhớ mẹ vô bờ.