Xuân về, viếng mộ đồng hương

PHẠM PHÚ PHONG 19/01/2022 08:59

Khoảng mùng 10 đến 15 sau tết, năm nào Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng ở Đại học Huế cũng họp mặt, dâng hương tiên tổ, tiền nhân. Có lẽ, từ thuở “học trò trong Quảng ra thi” đỗ đạt, có người ở lại làm việc rồi chết nằm lại đây, dấu ấn của người xứ Quảng trên đất Huế ngày càng đậm.

Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng viếng mộ hai cụ Thái Phiên và Trần Cao Vân. Ảnh: P.P
Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng viếng mộ hai cụ Thái Phiên và Trần Cao Vân. Ảnh: P.P

1. Từ những năm đầu thế kỷ trước, ở Huế đã có Nghĩa trang Hội đồng châu Quảng Nam (nay ở số 28 Tam Thai, cạnh chùa Quy Thiện). Tên gọi có lúc khác nhau, nhưng có thể Hội đồng hương Quảng Nam đã ra đời từ thời ấy.

Sau ngày thành lập Viện Đại học Huế (1957), còn có cả cư xá dành riêng cho con em Quảng Nam ra ở học, đó là Cư xá Huỳnh Thúc Kháng (nay là tòa nhà số 108 Huỳnh Thúc Kháng), nơi ở trước đây của cụ Huỳnh khi làm báo Tiếng Dân (1927 - 1943). Trong những năm chống Mỹ, Tổng hội Sinh viên Huế (22 Trương Định) cũng là nơi đầu não của phong trào đấu tranh đô thị.

Đầu những năm 1980, khi tôi về dạy ở Trường Đại học Tổng hợp Huế, cũng có một nhóm anh em đồng hương Quảng Nam liên lạc với nhau, do anh Nguyễn Văn Tiến, người Điện Bàn, sinh viên Đại học Y cầm trịch, quy tụ anh em nhiều trường, giao lưu gặp gỡ, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và cuộc sống thời bao cấp, tổ chức các chuyến đi dã ngoại...

Có lần các anh chị đi tìm mộ hai nhà yêu nước Thái Phiên và Trần Cao Vân. Theo sự chỉ dẫn của dân địa phương, các anh tìm đến nơi, nhưng bia mộ viết bằng chữ Hán không đọc được. Nghe vậy, tôi hướng dẫn các anh mang giấy bổi lên vỗ vào các chữ trên bia, mang về nhờ sư phụ tôi là Nhà giáo ưu tú Nguyễn Đình Thảng đọc: “Trần Cao quý công, Thái Duy quý công”, đó chính là ngôi mộ chung của hai nhà yêu nước Trần Cao Vân và Thái Phiên.

Khi xác định rõ cái “nắm đất bên đường” đó là mộ của hai nhà yêu nước, tôi có viết bài in trên báo Tuổi trẻ Quảng Nam - Đà Nẵng (phụ trương của báo tỉnh thời ấy). Tôi không hề nói là nhờ có bài báo của tôi, mà chỉ là sự đánh động để Giám đốc Sở VH-TT Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bây giờ là ông Nguyễn Đình An, ra làm việc với tỉnh Bình Trị Thiên, và có sự quan tâm tôn tạo lại ngôi mộ chung của hai nhà yêu nước tương đối đàng hoàng như ngày nay.

2. Hội đồng hương vẫn tiếp tục hoạt động từng trường, từng nhóm nhỏ lẻ, cho đến khi PGS-TS. Huỳnh Văn Chương lên làm Phó Giám đốc Đại học Huế, hội đồng hương được hồi sinh trong giới thầy cô giáo giảng dạy tại các trường đại học, thuộc Đại học Huế, với tên gọi Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng ở Đại học Huế.

Ngoại trừ một số nghỉ hưu, già yếu, bệnh tật hoặc đi học, đi công tác nước ngoài, hội hiện nay có 39 người tham gia sinh hoạt, trong đó có 7 phó giáo sư, 13 tiến sĩ, 17 thạc sĩ, mỗi năm có 3 lần họp mặt giao lưu, gặp gỡ vào dịp đầu năm, giữa năm (tháng 5 âm lịch) và cuối năm.

Trong các lần gặp mặt, thành viên hội đồng hương trước hết là đến dâng hương ở mộ phần của Thái Phiên và Trần Cao Vân, rồi về dâng hương ở Nghĩa trang Hội đồng châu Quảng Nam, sau đó là giao lưu, trao đổi, động viên nhau trong công tác.

Với sự nhiệt tình của các thành viên lãnh đạo hội, trong đó có các PGS. Nguyễn Thị Kim Thoa, Đỗ Quang Thiên, Ths. Phan Thị Như Hoa... Nhất là PGS-TS. Huỳnh Văn Chương, nay với cương vị của một người đang giữ nhiều trọng trách như Tỉnh ủy viên tỉnh Thừa Thiên Huế, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế, ông đã có sự kết nối quan trọng đối với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, thường xuyên thông tin về tình hình quê nhà cho anh em trong hội, tổ chức các liên kết với Đại học Đà Nẵng, Đại học Duy Tân, Đại học Quảng Nam.

Hội thường tổ chức các hoạt động hướng về quê nhà, như thăm và tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học ở các Trường THPT Trần Hưng Đạo - Hội An, Lê Tự Trọng - Thăng Bình, Duy Tân - Duy Xuyên, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu - Phú Ninh...; vận động anh em đóng góp 18,5 triệu đồng hỗ trợ người dân bị thiên tai ở Nam Trà My; tặng nhiều phần quà cho nhân dân Duy Xuyên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (trị giá 20 triệu đồng); thăm tặng quà các bệnh nhân nghèo đồng hương điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế (em Thanh Hằng, quê tiên Phước bị nhiễm trùng máu; em Quỳnh Trang, quê Bình Trị bị nhũn não...); viếng và đưa tang TS. Huỳnh Công Bá, người con ưu tú của xứ Quảng, giảng dạy ở Đại học Sư phạm Huế, chẳng may bị mang trọng bệnh qua đời...

Hội còn thuê người thường xuyên quét dọn ở khu Nghĩa trang Hội đồng châu Quảng Nam, như một nghĩa cử văn hóa nhân văn đối với tiền nhân, đã trở thành một truyền thống có ý nghĩa bản chất và đạo lý lâu đời của dân tộc.

3. Sự gắn kết, những nghĩa cử của anh em hội đồng hương tôi thấy thật đáng quý. Bởi, các anh chị là những người đương chức, ngoài giảng dạy và công việc cơ quan với nhiều chức vụ kiêm nhiệm, rồi còn phải lo toan đời sống gia đình, lại gánh thêm những việc “không công” cho hội đồng hương - cái công việc thầm lặng mà nếu không làm, cũng không ai phiền trách.

Phải chăng, đó là bởi hơi ấm của một chút tình thôi thúc từ bên trong, một nghĩa cử ấm áp từ tấm lòng của những người tha hương, mang đậm ý nghĩa văn hóa khó phôi pha của con người phương Đông, nhất là người xứ Quảng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xuân về, viếng mộ đồng hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO