Những ngày qua, nhiều ngư dân ở xã Bình Minh huyện Thăng Bình xuất ngoại làm biển dài ngày ở Hàn Quốc trở về đã đem lại nguồn thu nhập khấm khá cho gia đình và mang về quê giấc mơ đóng tàu lớn vươn khơi, góp phần phát triển nghề biển địa phương.
Nếm mật nằm gai
Thật tình cờ, hôm tôi đến, anh Nguyễn Minh Tâm (thôn Hà Tân, Bình Minh) và 2 người bạn cùng làng vừa trở về nhà. Vợ anh – chị Hà cứ ngồi đấy, đôi mắt như níu lấy anh sau một năm trời xa cách. Hai đứa con cứ chạy vô chạy ra, hết hỏi ba mệt không, uống nước gì rồi săm soi chiếc điện thoại thông minh ba Tâm vừa mang về. Năm nay 33 tuổi, dáng cao ráo cộng với nét sương gió đại dương làm anh Tâm toát lên vẻ rắn rỏi, dày dạn. Anh kể từ sau trận bão Chanchu năm ấy, nhà anh cũng mắc tang trong cái tang chung của cả làng, cả xã. Sau đận ấy, nhiều người cũng có chút ngại ngần mỗi khi leo lên tàu ra biển, nhưng riêng anh nghề biển đã thấm vào máu nên khó bỏ được. Không còn trẻ trung, săn chắc như anh Tâm, anh Nguyễn Văn Sỹ (cùng thôn Hà Tân) đã bước qua tuổi 40, chuyến đi dài ngày lao động trên tàu cá Hàn Quốc thật sự đã làm thay đổi cuộc sống, suy nghĩ của anh. Nếu không đi xuất khẩu lao động, sẽ không có hình ảnh anh ngồi lướt mạng xã hội facebook bằng điện thoại thông minh đời mới, nói chuyện về tương lai của con trẻ, của gia đình, của bạn cùng nghề với những suy nghĩ đầy tích cực. Anh cũng từng đắn đo khi quyết định lên máy bay đi lao động. “Đứa con đầu vừa đi học nhưng đã có thể thay mẹ quán xuyến chuyện nhà cửa. Vợ thức khuya dậy sớm chạy chợ cũng đủ tiền trang trải mắm muối. Mình chịu cực ở phương xa dồn tiền, tính chuyện lâu dài về sau”.
Nhà của ông Trần Đức Thanh, người có 3 con đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc. |
Hầu hết những người đi xuất khẩu lao động làm nghề biển ở Bình Minh đều hài lòng với những chuyến đi dài của mình. Bởi ở đâu cũng là biển, ở đâu cũng phải làm việc. Dù làm ở ngư trường Hàn Quốc, Malaysia đôi khi cực khổ, vất vả hơn rất nhiều nhưng đổi lại, “cái được” cũng không phải là nhỏ. “Làm trên tàu Hàn Quốc, những ngư dân như chúng tôi được tiếp cận với tàu thuyền, dụng cụ đánh bắt hiện đại. Những vấn đề thường gặp nhiều trở ngại ở tàu cá Việt Nam được khắc phục triệt để ở tàu Hàn Quốc như thiết bị bảo hộ lao động tốt, độ an toàn cao, dự báo thời tiết chính xác và kỷ luật thì tuyệt đối nghiêm ngặt” - anh Nguyễn Văn Tính (một trong 3 ngư dân ở thôn Hà Bình, xã Bình Minh vừa trở về trong đợt nghỉ phép đầu tiên của chuyến xuất khẩu lao động), chia sẻ.
Anh Trần Công Vương trước ngôi nhà được xây dựng từ số tiền tích lũy được khi xuất khẩu lao động. |
Được tiếp cận với kỹ thuật khai tác hải sản hiện đại là những bài học quý giá cho các ngư dân, nhưng cái giá phải trả cho những bài học đó cũng không phải dễ chịu. Các anh Tâm, Sỹ, Tính và những ngư dân đi lao động trên tàu biển Hàn Quốc có lẽ sẽ chẳng bao giờ quên được những cực khổ, vất vả mình phải trải qua. Làm việc quần quật từ 14 – 16 giờ trên tàu cá trong cái lạnh cắt da cắt thịt của xứ Hàn, với những anh làm nghề đánh bắt ghẹ, cá bơn có khi làm liên tục 35 giờ đồng hồ mới được nghỉ ngơi. Mắt thâm quầng, thiếu ngủ là tình trạng chung của nhiều ngư dân. Mang tiếng đi Hàn Quốc nhưng cuộc sống của họ chỉ quanh quẩn trên tàu với biển cả đầy sóng gió trong suốt chặng đường mưu sinh. Độ nguy hiểm và vất vả cao hơn so với các ngành nghề khác nhưng mức lương của họ lại thấp hơn nhiều lao động nước ngoài tại Hàn Quốc. Lương trung bình của những thuyền viên ở đây khoảng 800USD mỗi tháng, nhưng nhiều người tạm chấp nhận vì họ đều xuất phát là người miền biển, chưa được đào tạo nghề bài bản. Qua các trang cá nhân, thỉnh thoảng mọi người lại bắt gặp hình ảnh nhiều ngư dân trong chiếc áo rét dày cộm cặm cụi cắt mồi chuẩn bị cho những chuyến ra khơi. “Nhiều chủ tàu sợ chúng tôi trốn nên khi cập bờ họ không cho anh em lên bờ, cuộc sống chỉ loanh quanh trong ký túc xá và trên tàu, giấy tờ tùy thân chủ giữ hết” - anh Tâm nói. Cuộc sống ngư dân trên biển đã khổ, ngư dân lưu lạc xứ người còn khổ hơn. Trường hợp của anh Phạm Văn Long (tổ 12, thôn Hà Bình) đến nay vẫn khiến nhiều người xót xa. Anh Long lên đường sang Hàn Quốc giữa năm 2013, vừa qua làm được vài tháng thì bị tai nạn lao động, dây cáp đứt khiến anh liệt nửa người. Rủi thay, thời gian anh lao động chưa được chủ tàu mua bảo hiểm nên làm chưa được đồng nào thì phải nằm một chỗ, không được bồi hoàn tiền. Anh Long giờ mang thương tật, bơ vơ giữa đất khách quê người chưa hẹn ngày trở về.
Anh Nguyễn Văn Sỹ đoàn tụ trong đợt nghỉ phép đầu tiên khi đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. |
Giấc mơ làng biển
Phong trào xuất khẩu lao động làm nghề biển lan rộng ở Bình Minh và trở thành niềm hy vọng cho rất nhiều người. Ông Trần Công Tám – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, toàn xã hiện có hơn 100 người đi xuất khẩu lao động làm nghề biển ở Hàn Quốc và Malaysia. Thôn An Tân và Hà Bình có ngư dân trẻ xuất ngoại nhiều nhất xã, có nhà 3 - 4 anh em cùng sang Hàn Quốc đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, con số 100 người đi xuất khẩu lao động là nằm trong diện chính ngạch do Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh làm đầu mối, số người tự làm thủ tục đi xuất ngoại còn rất nhiều. Và hiện có rất nhiều người nộp hồ sơ xuất khẩu lao động chờ được giải quyết.
Ông Nguyễn Đức Thanh (thôn Hà Bình) vốn là một lão ngư dày dạn kinh nghiệm với hơn 30 năm bám biển ở ngư trường Hoàng Sa. Ông Thanh có 3 người con là Nguyễn Đức Mẫn, Nguyễn Đức Minh, Nguyễn Đức Tiến đều đã sang Hàn Quốc làm biển từ vài năm nay. Ông tự hào chỉ vào ngôi nhà hai tầng khang trang và chiếc ô tô đậu gần đấy, bảo rằng đó là của nả mấy đứa con trai xuất ngoại gửi về. Cuộc sống của ông hiện khá nhàn nhã, hằng ngày ông lái ô tô ra vào Đà Nẵng, Tam Kỳ làm dịch vụ du lịch còn vợ và con gái quán xuyến cửa hàng tạp hóa. Hiện nay, 3 người con ông vẫn cần mẫn làm việc ở nước ngoài, tích cóp vốn liếng để mai mốt trở về quê hương tính chuyện làm ăn. Cạnh đấy là căn nhà tiền tỷ của anh Trần Công Khuyên, Trần Công Vương..., những người xuất ngoại đầu tiên của xã, tích lũy tiền để xây dựng cơ ngơi này.
Ông Trần Văn Tám cho biết, đến nay vẫn chưa có một con số thống kê cụ thể về lượng kiều hối mà những người đi xuất khẩu lao động gửi về, nhưng diện mạo của xã đã đổi thay tích cực nhờ lực lượng xuất khẩu lao động. Nhiều người cho biết sẽ làm việc cật lực ở nước ngoài, tích lũy vốn để sau này đầu tư phương tiện, phát triển nghề biển quê nhà. Anh Nguyễn Văn Sỹ nói: “Anh em trong những giờ phút nghỉ ngơi, tụ tập cùng nhau thường có chung nguyện vọng, đến khi nào có đủ tiền về quê mua tàu hiện đại giống tàu ở nước bạn để đi đánh bắt. Bởi tàu đánh bắt của mình nhiều nhất là 5 - 7 tỷ đồng, tàu đánh bắt theo kiểu ở Hàn Quốc ước chừng hơn 200 tỷ đồng. Thế nên, một ngày nào đó được vươn khơi bằng những con tàu công suất lớn, thiết bị hiện đại là giấc mơ chung của nhiều anh em đánh cá thuê chúng tôi”.
Ghi chép của VƯƠNG HẰNG SA