Xuất khẩu lao động (XKLĐ) được xem là giải pháp hữu hiệu, giúp giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững tại Quảng Nam. Nhưng chọn lối đi nào cho XKLĐ vẫn là câu hỏi khó trả lời vào thời điểm này.
Xuất khẩu lao động vẫn là lựa chọn của đông đảo thanh niên. ẢNH: Công ty xuất khẩu lao động tư vấn về việc làm ở nước ngoài cho người lao động. Ảnh: DIỄM LỆ |
Nơi dư dả, chỗ nợ nần
XKLĐ trở thành phong trào với Thăng Bình khi 20/22 xã, thị trấn của huyện đều có người đi XKLĐ. Nổi bật là xã Bình Minh được biết đến là “xã XKLĐ” khi có đến 101 hộ có người đang làm việc có thời hạn tại nước ngoài. Đến cuối tháng 12.2013, toàn huyện Thăng Bình có 331 lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài. “Hầu hết hộ có người XKLĐ về kinh tế đều khá giả hẳn lên. Nhiều hộ mang vốn về đã trở thành ông chủ khi họ đầu tư mở cơ sở sản xuất, kinh doanh. Có hộ còn mua được cả ô tô để đi lại, làm ăn. XKLĐ đã có sức lan tỏa tốt khi nhiều người dân ở Thăng Bình xem đây là con đường thoát nghèo bền vững” - ông Nguyễn Tấn Bình, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thăng Bình cho biết. Trong 3 tháng đầu năm 2014 đã có 3 lao động ở Thăng Bình xuất cảnh sang Đài Loan, Hàn Quốc và 24 lao động đang chờ tuyển chọn sang làm nghề đánh bắt gần bờ tại Hàn Quốc. Ngoài ra, có 18 lao động đã đăng ký XKLĐ thông qua các phiên giao dịch việc làm của Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh.
“Dù gì XKLĐ vẫn là giải pháp căn cơ trong việc giải quyết việc làm, giảm nghèo. Tuyên truyền, tư vấn một cách kỹ càng vẫn là khâu đầu tiên có vai trò quan trọng. Giữa các huyện với doanh nghiệp làm công tác XKLĐ cần duy trì mối quan hệ chặt chẽ với nhau trước, trong và sau khi người dân đã đi XKLĐ. Làm chặt chẽ ở khâu này sẽ giảm thiểu tình trạng lao động về nước trước thời hạn”. Ông Võ Duy Thông - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH |
Trong khi đó, ở các huyện miền núi như Phước Sơn, Tây Giang và Nam Trà My, XKLĐ đang trở thành vấn đề gây nhiều khó khăn. Theo ông Hồ Minh Long, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tây Giang, nhiều lao động đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây Giang đi XKLĐ nhưng bỏ trốn trở về trong tình trạng thiếu thốn, nợ tiền vay ngân hàng. Nhiều người nói rằng đi XKLĐ qua Malaysia mức lương thấp, điều kiện ăn ở tồi tàn và môi trường lao động thấp. Chính vì vậy họ buộc phải bỏ trốn hoặc trở về nước trước thời hạn. Chính việc đưa lao động đồng bào DTTS đi XKLĐ không thành công đã tạo nên dư luận xấu trong cộng đồng. Đồng bào DTTS chẳng còn mấy mặn mà với việc đăng ký đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đặc biệt là ở thị trường Malaysia.
Ở các huyện Phước Sơn, Nam Trà My, việc đưa người DTTS đi XKLĐ theo đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020 (Quyết định 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) như đang sa vào vũng lầy. Hàng loạt lao động trở về nước không thể trả nợ cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Ông Lê Hùng Lam - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết, hiện nay các lao động vay vốn tham gia XKLĐ tại các huyện nghèo Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang về nước trước thời hạn nhưng vẫn chưa trả nợ cho ngân hàng, với tổng số tiền 2,19 tỷ đồng gồm 112 hộ vay.
Đi hướng nào?
Đưa lao động là đồng bào DTTS của tỉnh XKLĐ là chính sách đúng, tuy nhiên việc thực hiện chính sách thất bại có lỗi của công ty đưa người đi và cả người lao động. Lỗi đầu tiên thuộc về khâu tư vấn công việc, hợp đồng lao động của công ty XKLĐ. “Công ty XKLĐ mập mờ “đánh lận con đen”, không rõ ràng nên cả cán bộ quản lý và người lao động đều hình dung về một bức tranh màu hồng khi đi XKLĐ. Công ty XKLĐ thực hiện đào tạo nghề, kỹ năng sống, ngoại ngữ… cho người lao động trước khi xuất cảnh ra nước ngoài còn sơ sài. Thêm nữa, hợp đồng đi XKLĐ không ghi rõ thời gian làm việc, điều kiện ăn ở... Người lao động khi ra nước ngoài, không làm nổi nên buộc phải vi phạm, bỏ trốn về nước” - ông Phạm Văn Xuân, cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Trà My phân tích.
Nhiều người dân miền núi tham gia xuất khẩu lao động.Ảnh: D.LỆ |
Lao động người DTTS hạn chế về trình độ ngoại ngữ, kỹ năng và tay nghề, tác phong công nghiệp. Vì thế, khi vào khuôn khổ công nghiệp mang tính kỷ luật cao thì bản thân họ không chịu đựng nổi, bị sa thải hoặc bỏ trốn nên bị trục xuất về nước. “Điều cần nhất hiện nay là vận động, tuyên truyền một cách bài bản, sâu hơn để dần thay đổi nhận thức của đồng bào. Và các công ty làm công tác XKLĐ nên lựa chọn đối tác ổn định, có mức thu nhập cao, môi trường ăn ở tốt… để người DTTS khi xuất cảnh sẽ cảm thấy an tâm và tỷ lệ thành công cao hơn. Khi họ trở về trong thành công, được nhiều tiền tích cóp thì vấn đề e ngại đi XKLĐ sẽ tự mất đi trong cộng đồng đồng bào DTTS” - ông Hồ Minh Long phân tích. Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Tấn Bình nhận định: “Người lao động cần thấy chứ không cần nghe. Các tấm gương thực tế đi XKLĐ có thu nhập cao sẽ tác động tốt đến cộng đồng. Nhiều gia đình có con em đi XKLĐ thành công cùng tích cực làm cộng tác viên tuyên truyền, tư vấn cho nhiều hộ khác. Chính vì vậy, phong trào XKLĐ ở Thăng Bình luôn hiệu quả và trở thành hướng đi quan trọng để giảm nghèo”.
Ông Lê Hùng Lam cho rằng Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh có thể khoanh nợ và góp ý giúp người lao động. Ông Lam nói: “Nên tránh tình trạng chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng khi tuyển dụng lao động là người DTTS đi XKLĐ. Chúng ta nên tiếp tục tạo điều kiện, động viên các lao động tại 3 huyện nghèo đã về nước trước thời hạn được tham gia XKLĐ trở lại để có thu nhập, trả nợ ngân hàng”.
DIỄM LỆ - ĐOÀN ĐẠO