Xuất khẩu lao động năm 2018: Thị trường đang mở rộng

DIỄM LỆ 05/07/2018 14:02

Công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) năm 2018 ở Quảng Nam những tháng đầu năm nay đã khởi sắc với sự vào cuộc tích cực của các địa phương.

Người lao động cần được tìm hiểu những thông tin rõ ràng từ doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Ảnh: D.L
Người lao động cần được tìm hiểu những thông tin rõ ràng từ doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Ảnh: D.L

Rào cản

Trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh có 568 người đi XKLĐ (chỉ tiêu 1.000 người đi XKLĐ cả năm); trong đó, thị trường Nhật Bản có 474 LĐ, Hàn Quốc có 61 LĐ, và một số thị trường khác như Đài Loan, Algeria. Một số địa phương có đông người đi XKLĐ gồm Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Núi Thành, Phú Ninh. Ông Lê Huy Tứ, Trưởng phòng Lao động - việc làm (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: “Dù công tác XKLĐ đang trên đà đi lên, nhưng vẫn còn những khó khăn trước mắt.

Có địa phương không có người đi XKLĐ gồm Hội An, Nam Giang; công tác tuyên truyền chưa sâu sát; người dân còn tâm lý e ngại, gặp khó khăn về nguồn kinh phí đi XKLĐ; nhiều doanh nghiệp chưa phối hợp chặt chẽ với địa phương trong tuyển dụng; vay vốn khó khăn khi doanh nghiệp không tuân thủ quy định khi ký kết hợp đồng...”. Và một vấn đề khiến Sở LĐ-TB&XH phải cảnh báo đến các địa phương trong quản lý, vận động LĐ về nước sau khi hết hạn hợp đồng. Bởi đến nay Quảng Nam có 149 LĐ bỏ trốn ở lại Hàn Quốc, 10 LĐ ở lại Nhật Bản khi hết hợp đồng LĐ, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của LĐ trong tỉnh. Có hiện tượng LĐ ở ngoài Bắc chuyển hộ khẩu vào Quảng Nam, cụ thể là huyện Phước Sơn có 8 người. Họ vào thường trú hơn 1 năm thì đăng ký đi XKLĐ bằng hộ khẩu ở Quảng Nam. Điều mà ngành chức năng lo lắng là số LĐ này đi rồi có bỏ trốn ở lại nước ngoài hay không, làm ảnh hưởng đến phong trào chung của tỉnh.

Theo ông Mai Minh Nguyệt - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tiên Phước, XKLĐ đang là con đường cho thanh niên Tiên Phước, không chỉ giảm nghèo mà còn làm giàu, học được nghề nghiệp và kỹ năng tốt. Nhiều LĐ của huyện đi về rồi tiếp tục đi nữa, qua các năm liên tục tăng người đi. Năm 2016 toàn huyện XKLĐ được 75 LĐ, năm 2017 có 84 người, từ đầu năm 2018 đến nay đã được 79 LĐ, và có 47 LĐ đang học tiếng Nhật, sẽ đi trong cuối năm này hoặc đầu năm sau. Huyện yêu cầu 108 thôn, khối phố trên địa bàn phải có người đi XKLĐ. Doanh nghiệp XKLĐ khi vào tư vấn cần rõ ràng chi phí, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Ông Nguyệt cho biết: “Tiên Phước cố gắng đưa LĐ đi càng nhiều càng tốt, nhưng thanh niên ngại, sợ kỷ luật, tác phong công nghiệp không theo kịp... Vì vậy địa phương tuyên truyền bằng nhiều cách đã tác động mạnh đến người dân, trong đó công tác tuyên truyền phải bám sát danh sách điều tra cung cầu LĐ, tác động đến đúng đối tượng...”.

Phấn đấu đạt mốc 1.000 người

Theo bà Nguyễn Thị Xuân - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thăng Bình, trong 6 tháng đầu năm Thăng Bình đã XKLĐ được 158 người. Vì huyện đã có phong trào về XKLĐ nên năm sau luôn đạt cao hơn năm trước. Bà Xuân chia sẻ: “Huyện coi trọng việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhất là đi XKLĐ ở thị trường chất lượng cao. Kinh nghiệm là địa phương phải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng XKLĐ, có người đi cùng đơn vị đến các xã, giúp người dân tin tưởng. Các hội đoàn thể cùng vào cuộc triển khai nhiệm vụ, mỗi hội đoàn thể giao nhiệm vụ cho chi hội ở cơ sở. Từ đó, người dân hiểu thông tin nhiều, thấy được hiệu quả nên tham gia nhiều”. Dù năm 2018 đã có số lượng lớn người XKLĐ, nhưng Thăng Bình sẽ tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp tổ chức hội nghị tuyên truyền đến tận trưởng thôn trong đầu tháng 7 này. Công ty XKLĐ sẽ ký kết với các trưởng thôn để trưởng thôn tuyên truyền như một cộng tác viên của công ty được trả thù lao, từ đó nhắm đến người nào chưa có việc làm, có khả năng đi XKLĐ được thì vận động, tuyên truyền.

Ông Lê Tôn Tưởng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, khẳng định qua cầu nối của các cơ quan chức năng, địa phương, phong trào XKLĐ đã khởi sắc hơn. Nhưng có điều ông Tưởng băn khoăn là các chi nhánh, văn phòng của các công ty XKLĐ về địa phương nhiều, nhưng thông tin chưa minh bạch. Vì thế khi các công ty đến liên hệ với trung tâm làm cầu nối về XKLĐ, trung tâm đều yêu cầu thông tin cụ thể, chi phí đi rõ ràng, được ghi trong hợp đồng với LĐ để tránh trường hợp LĐ đã có lịch bay mà không vay được tiền nộp chi phí đi XKLĐ. Mục tiêu trên toàn tỉnh có 1.000 LĐ đi xuất khẩu trong năm 2018 có thể đạt được vì thị trường đang mở rộng.

Để đạt mục tiêu trên, theo ông Tưởng, LĐ ngành điều dưỡng đi làm việc ở Nhật Bản thì Bộ LĐ-TB&XH đã cho phép 6 công ty thực hiện, LĐ phải qua ngành điều dưỡng, tiếng Nhật đạt trình độ N4, sau đó N3, nên đòi hỏi phải đào tạo ngay từ bây giờ. Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam đang là đơn vị thực hiện việc này, chủ động đào tạo và phối hợp với doanh nghiệp đào tạo thêm tiếng Nhật cho sinh viên ngành điều dưỡng. Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh sẽ kết nối với các doanh nghiệp có chức năng XKLĐ, để các địa phương trực tiếp làm việc với các địa phương bên Hàn Quốc, đưa LĐ đi làm việc ở Hàn Quốc trong 2 năm, LĐ bên họ cần chủ yếu ngành nông nghiệp, độ tuổi lên đến 50. Ngoài ra, trung tâm sẽ tính đến việc kết nối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, lo từ đầu vào đến đầu ra và cả khâu giải quyết việc làm sau khi đi XKLĐ về nước cho LĐ của tỉnh.

Ông Tưởng cho biết: “Các nghề cơ khí, hàn, tiện, phay, bào... thị trường Nhật Bản hút 100% nên các cơ sở đào tạo nghề cần nghiên cứu trong tuyển sinh đào tạo phù hợp. Khi đào tạo thì vận dụng cơ chế hỗ trợ đào tạo nghề đối với người học nghề. Các trường cần vào cuộc cùng thực hiện với trung tâm thì mới thành công. Đối với ngành nông nghiệp, ngành may, các doanh nghiệp ở Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang rất cần. Trung tâm sẽ tổ chức ngày hội việc làm cho LĐ về nước từ Nhật Bản, Hàn Quốc trong tháng 8.2018 với sự tham gia của các địa phương, doanh nghiệp để tạo động lực cho người có nhu cầu XKLĐ”.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xuất khẩu lao động năm 2018: Thị trường đang mở rộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO