Khép lại năm 2019 với nhiều khởi sắc trong công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên toàn tỉnh, người LĐ đã tiếp cận được thị trường chất lượng thông qua sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành liên quan.
Chuyển biến ở Tây Giang
Công tác XKLĐ tại huyện Tây Giang những năm gần đây đã có sự vào cuộc tích cực từ các cấp chính quyền, đoàn thể. Công tác XKLĐ đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010 - 2015). Theo đó, UBND huyện xây dựng chương trình, kế hoạch và nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện công tác XKLĐ hằng năm. Từ 2011 - 2015, LĐ của Tây Giang đi XKLĐ theo Nghị quyết 30a tại Malaysia được 115 người, Hàn Quốc 1 người. Trong số đó, có 39 LĐ về trước thời hạn hợp đồng do nhiều nguyên nhân, chủ yếu vì lý do sức khỏe, vi phạm pháp luật bị trục xuất về nước trước thời hạn, nhà máy phá sản, không đảm bảo công việc. Từ năm 2015 đến nay, LĐ của Tây Giang vẫn tiếp tục đi làm việc tại Malaysia, nhưng con số không còn nhiều như trước, chỉ 34 người, chủ yếu làm việc ở các nhà máy sản xuất bánh kẹo, sản xuất linh kiện điện tử. Đến nay có 19 LĐ đã về nước, 15 LĐ hiện vẫn đang làm việc ổn định tại thị trường Malaysia, trong đó 13 LĐ chưa hết thời hạn hợp đồng và 2 LĐ gia hạn hợp đồng.
Năm 2019, huyện Tây Giang tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các doanh nghiệp tuyên truyền thông tin XKLĐ đến với người LĐ của huyện. Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết: “Trong năm 2019, công tác XKLĐ của huyện có chuyển biến tích cực hơn khi người LĐ tiếp cận được các thị trường chất lượng như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga... Huyện đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể và các xã cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động người LĐ tập trung đi học nghề, đi làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ của tỉnh về vay vốn, hỗ trợ học nghề... đã giúp người dân tháo gỡ khó khăn về tay nghề, ngoại ngữ, kinh phí khi tham gia vào XKLĐ”. Đơn cử, Công ty TNHH Vinaco sau khi làm việc với huyện Tây Giang đã chủ động đi tuyên truyền, tư vấn, phối hợp với UBND các xã thông báo cho người LĐ biết thông tin và mời họ về nghe buổi tư vấn thị trường XKLĐ. Các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu các xã A Xan, Tr’Hy, Lăng, Dang, A Tiêng luôn chủ động phối hợp với Công ty TNHH Vinaco và mời người LĐ đến nghe tư vấn; đồng thời tham gia tuyên truyền, vận động người LĐ đi XKLĐ theo khả năng và nguyện vọng. Sau nhiều nỗ lực, đã có 29 LĐ của Tây Giang được UBND huyện làm lễ xuất quân đưa đi làm việc ở nước ngoài.
Vượt kế hoạch
Theo Sở LĐ-TB&XH, trong công tác XKLĐ, tỉnh tập trung nhiều vào các thị trường chất lượng gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, một số nước châu Âu. Các chương trình tuyển chọn ứng viên đi học tập và làm việc tại CHLB Đức, tuyển chọn thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo Chương trình IM Japan, làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS được tỉnh ưu tiên thông tin rộng rãi đến người LĐ. Bởi các chương trình này có được sự hỗ trợ tích cực về chi phí xuất cảnh cho LĐ, phù hợp với điều kiện LĐ của tỉnh còn khó khăn về kinh phí đi XKLĐ. Các cuộc đối thoại chính sách, pháp luật và cung cấp thông tin các chương trình, dự án đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Sở LĐ-TB&XH tổ chức từ đồng bằng đến miền núi. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức nhiều đợt tuyên truyền lồng ghép đến các xã vùng cao, giúp LĐ tiếp cận được với chính sách. Các trường cao đẳng nghề cũng đã phối hợp với doanh nghiệp XKLĐ tuyên truyền chính sách đến học sinh, sinh viên. Như Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam phối hợp với các công ty XKLĐ triển khai chương trình tư vấn đưa điều dưỡng viên, hộ lý đi học tập, làm việc tại Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức do Cục Quản lý LĐ ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) thực hiện.
Đến tháng 11.2019, toàn tỉnh có 1.525 người đi XKLĐ (kế hoạch 1.500 người), chủ yếu thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức. Đạt được con số này là nhờ sự vào cuộc tích cực từ tỉnh đến các cấp cơ sở. Đặc biệt, Nghị quyết 51 ngày 6.12.2018 của HĐND tỉnh được áp dụng từ năm 2019 đã tác động tích cực đến phong trào XKLĐ của tỉnh. Ngân sách tỉnh đã cấp cho Sở LĐ-TB&XH 1 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người LĐ của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài năm 2019; cấp kinh phí cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để bổ sung nguồn ngân sách tỉnh thực hiện chính sách cho vay đối với người LĐ đi làm việc ở nước ngoài là 7,5 tỷ đồng. Sở LĐ-TB&XH đã hỗ trợ cho 20 LĐ có nhu cầu học ngoại ngữ số tiền 45 triệu đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho 89 LĐ vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài với doanh số cho vay 7,317 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương và ngân sách tỉnh ủy thác.