Xuất khẩu lao động năm 2019: Kỳ vọng mục tiêu mới

DIỄM LỆ 27/02/2019 07:44

Năm 2019, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) của tỉnh đặt ra mục tiêu mới, đó là đưa 1.500 người đi làm việc tại nước ngoài. Mở đầu cho việc thực hiện mục tiêu này là một hội nghị vừa được UBND tỉnh tổ chức vào ngày 26.2, lắng nghe ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp để công tác XKLĐ khởi sắc hơn.

Lao động tại huyện Bắc Trà My tìm hiểu thông tin về xuất khẩu lao động tại sàn giao dịch việc làm. Ảnh: D.L
Lao động tại huyện Bắc Trà My tìm hiểu thông tin về xuất khẩu lao động tại sàn giao dịch việc làm. Ảnh: D.L

Chưa đạt như kỳ vọng

Năm 2018 toàn tỉnh đã có 1.005 người đi XKLĐ, vượt mục tiêu đề ra trong năm, nhưng theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh, con số này vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Bởi lực lượng LĐ của tỉnh dồi dào mà chưa khai thác hết tiềm năng. So với các tỉnh thành khác, kết quả XKLĐ của tỉnh vẫn còn rất khiêm tốn. Trong khi nguồn thu nhập mang về nước từ khoảng 2.500 LĐ đang làm việc ở nước ngoài mỗi năm hơn 500 tỷ đồng, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Phân tích những khó khăn cản trở việc XKLĐ của tỉnh, ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Công tác XKLĐ của tỉnh từ năm 2016 đến nay chuyển biến tốt hơn, nhưng vẫn chưa sôi nổi. Những tồn tại chủ yếu như một số địa phương có nhiều LĐ còn thất nghiệp nhưng chưa quan tâm tuyên truyền cho LĐ hiểu; nhiều doanh nghiệp tuy có đăng ký tuyển dụng nhưng không mặn mà phối hợp với các địa phương; thông tin về XKLĐ còn chưa đến được với người LĐ do khâu tuyên truyền chưa hiệu quả; trình độ tay nghề, ngoại ngữ còn thấp; việc vay vốn còn vướng mắc về thủ tục, chưa đáp ứng được nhu cầu của LĐ...”.

Ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước thông tin, huyện Tiên Phước đã đưa được 274 LĐ đi làm việc ở nước ngoài, mỗi năm gửi về địa phương hơn 4,8 tỷ đồng. Nhưng do công tác XKLĐ còn rào cản, nên chưa phát huy hết hiệu quả. Ông Huy cho rằng trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị đầu mối đào tạo kỹ năng cho người LĐ trước khi tham gia XKLĐ, LĐ phải đến các thành phố lớn để học tiếng, học kỹ năng nên đi lại khá tốn kém chi phí, khiến nhiều gia đình không đủ kinh phí cho con em đi XKLĐ. Tỉnh chưa có quy định mức giá trần về chi phí tham gia XKLĐ nên mỗi doanh nghiệp đưa ra mỗi mức giá khác nhau, gây khó cho huyện trong việc tuyên truyền đến người dân.

Mốc mới phải vượt qua

Giai đoạn 2019 - 2021, toàn tỉnh phấn đấu có 4.500 - 5.000 người đi XKLĐ, tập trung chủ yếu ở thị trường Nhật Bản trên 85%, còn lại là Hàn Quốc, Đài Loan và các thị trường khác. Riêng năm 2019 sẽ có 1.500 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Muốn đạt được mốc mới này, Sở LĐ-TB&XH đã đề ra nhiều giải pháp. Theo ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, trước tiên các cấp ủy đảng, chính quyền ở các địa phương phải quan tâm lãnh đạo bằng kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ cụ thể. Những thông tin về XKLĐ, các doanh nghiệp thực hiện chức năng tuyển dụng LĐ đi xuất khẩu trên địa bàn tỉnh sẽ được thông tin đến người LĐ rõ ràng, đầy đủ. Các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh thực hiện chức năng đào tạo tay nghề kèm giáo dục định hướng cho LĐ để tạo nguồn cung có chất lượng cho XKLĐ. Đồng thời việc triển khai các chính sách hỗ trợ cho LĐ cũng cần được thực hiện đồng bộ, nhất là Nghị quyết số 51 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ người LĐ của tỉnh đi XKLĐ. Khi các chính sách được triển khai, LĐ sẽ được giải quyết khó khăn về nguồn vốn vay đi XKLĐ khi được vay tối đa 100 triệu đồng không phải thế chấp tài sản đối với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc; tạo điều kiện cho LĐ tiếp cận được các thị trường chất lượng cao bằng cách hỗ trợ học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết.

Ông Nguyễn Đức Quốc - Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực Công ty Tocontap SaiGon nhận định, LĐ Quảng Nam đi làm việc ở Nhật Bản qua kênh của công ty đều chịu khó làm việc, chấp hành tốt kỷ luật, có tinh thần cầu tiến học tập. Điển hình, có những LĐ được phía Nhật gia hạn đi lần 2, có LĐ đạt trình độ N2 tiếng Nhật sau thời gian làm việc bên đó, về nước tiếp tục làm việc cho các doanh nghiệp Nhật Bản hoặc khởi nghiệp thành công. Ông Quốc góp ý: “Hàng năm có khoảng 1.000 LĐ của Quảng Nam đi làm việc ở Nhật Bản qua kênh công ty, nhưng phần lớn là LĐ trình độ phổ thông. Vì thế tôi đề nghị tỉnh có biện pháp thúc đẩy LĐ có tay nghề tăng lên sẽ tránh được việc LĐ vi phạm hợp đồng, bởi họ được làm đúng nghề sẽ yên tâm làm việc, có thu nhập tốt. Nếu làm được những điều này thì con số 1.500 người XKLĐ trong năm này hoàn toàn thực hiện được”.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xuất khẩu lao động năm 2019: Kỳ vọng mục tiêu mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO