Xuất khẩu lao động năm 2019: Quá nhiều rào cản

DIỄM LỆ 04/07/2019 14:59

Sáu tháng đầu năm 2019, số người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) của tỉnh chưa đạt 50% chỉ tiêu kế hoạch cả năm. Nhiều rào cản vẫn tồn tại chưa được tháo gỡ, khiến người lao động khó tiếp cận để xúc tiến tham gia XKLĐ.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn cho lao động về việc làm trong và ngoài nước tại các sàn giao dịch việc làm ở huyện miền núi. Ảnh: D.L
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn cho lao động về việc làm trong và ngoài nước tại các sàn giao dịch việc làm ở huyện miền núi. Ảnh: D.L
Còn ách tắc, rời rạc

Theo Sở LĐ-TB&XH, trong 6 tháng đầu năm đã có 717 lao động (LĐ) đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong đó thị trường Nhật Bản có 645 người, Hàn Quốc 46 người, thị trường khác 26 người. Chương trình EPS năm 2019 đã có 125 LĐ đăng ký dự thi tiếng Hàn. Mục tiêu của tỉnh đặt ra là 1.500 người đi XKLĐ, nhưng đến nay chưa đạt 50% là thách thức hết sức lớn đối với tỉnh.

Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhìn nhận công tác XKLĐ của tỉnh còn gặp nhiều rào cản, sự liên kết giữa địa phương và doanh nghiệp (DN) chưa chặt chẽ. Những nguyên nhân mang tính “truyền thống” vẫn diễn ra dù đã nhiều lần Sở LĐ-TB&XH nhắc nhở, chấn chỉnh, như tâm lý người LĐ còn e ngại do tuyên truyền đến cơ sở chưa tốt, lãnh đạo các địa phương còn lơ là.

Ông Thùy cho biết: “DN đến với tỉnh nhưng ít phối hợp với địa phương tổ chức tư vấn, tuyển dụng, không thực hiện đúng chế độ thông tin cho tỉnh về tình hình người LĐ đi làm việc ở nước ngoài, dẫn đến tình trạng người LĐ sau khi hết hợp đồng thì trốn ở lại làm việc bất hợp pháp, ảnh hưởng đến những người sau. Việc vay vốn đối với người LĐ có chính sách hỗ trợ của tỉnh, nhưng DN không ghi mức phí trong hợp đồng theo quy định, nên người LĐ dù đã có hợp đồng nhưng vẫn không vay vốn được, có người đủ điều kiện để vay thì gia đình lại có nợ xấu ở Ngân hàng Chính sách xã hội nên không thể vay”.

Vấn đề khó khăn về vay vốn, ông Lê Hồng Lam - Phó Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh khẳng định, ngân hàng muốn giải ngân được nguồn vốn thì phải theo quy định về thủ tục hồ sơ. Ông Lam đề nghị các DN cần minh bạch, rõ ràng về chi phí đi XKLĐ được ghi trong hợp đồng, đó là căn cứ để ngân hàng cho vay nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh. Từ khi có Nghị quyết số 51/2018 của HĐND tỉnh (về chính sách hỗ trợ người LĐ tỉnh đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2019 - 2021) đến nay, tỉnh chưa bổ sung được nguồn vốn để Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay. Đối với LĐ thuộc hộ nghèo đi XKLĐ thì ngân hàng sử dụng nguồn vốn từ trung ương phân bổ về cho tỉnh, còn LĐ thuộc hộ gia đình khác muốn vay thì vẫn còn khó khăn do không có nguồn.

Dù khó vẫn quyết tâm

Ông Nguyễn Công Tiến - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Núi Thành cho rằng huyện giao chỉ tiêu về các xã, thị trấn, phối hợp với một số DN về XKLĐ tư vấn, tuyển sinh. Nhưng 6 tháng chỉ có 6 người đi XKLĐ, huyện chỉ nắm được thông tin qua kênh Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, còn LĐ đi qua kênh DN huyện không nắm được.

Ông Tiến nói: “Huyện tuyên truyền tại 3 xã Tam Hòa, Tam Tiến, Tam Giang, nhưng chỉ được vỏn vẹn 10 LĐ, còn lại trong hội trường chỉ có cán bộ xã, thôn nghe. Người LĐ quá thờ ơ, dù đã tuyên truyền, kêu gọi các hội, đoàn thể, đặc biệt đoàn thanh niên vận động LĐ tham gia nhưng không được. Người LĐ đang làm việc tại chỗ nhiều, họ so sánh và chọn làm việc tại địa phương. Các DN đến với Núi Thành còn rất ít, chỉ có 2 DN đến và liên hệ với địa phương. Chỉ tiêu 100 người đi, Núi Thành đang rất lo lắng khó đạt được”.

Bà Võ Thị Hồng Nhung - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đại Lộc thông tin, huyện có 65 người đi XKLĐ nhưng chỉ có 2 người được giải ngân nguồn vốn vay. Công tác tuyên truyền không liên tục, chỉ một số xã quan tâm, nhiều xã vẫn lơ là, nên tập trung một số xã như Đại Minh, Đại Cường hay thị trấn Ái Nghĩa, các xã còn lại rất ít dù nguồn LĐ dồi dào.

Bà Nhung nói: “Người đi học nhiều, đến khi thi tuyển rớt, về nói với những LĐ khác đi khó khăn nên gây ảnh hưởng đến công tác xúc tiến XKLĐ. Khi tổ chức tuyên truyền thì người LĐ ít tham gia, chủ yếu cán bộ thôn, xã nghe, họ lại không biết chính sách nên không tiếp cận được, hoặc có tiếp cận cũng gặp những khó khăn về vay vốn. Đại Lộc có 190 người đi XKLĐ là rất ít, huyện đang cố gắng hết sức”.

Ông Nguyễn Thùy khẳng định chỉ tiêu đã được giao từ đầu năm, nên các huyện phải cố gắng thực hiện. Những khó khăn đã được nêu, các địa phương và DN cần phối hợp chặt chẽ hơn trong thời gian tới. Sở LĐ-TB&XH đã và sẽ tiếp tục yêu cầu DN minh bạch phần chi phí, ghi cụ thể vào hợp đồng, tạo điều kiện cho người LĐ vay vốn thuận tiện hơn. Đặc biệt, sau kỳ thi tốt nghiệp THPT này, các địa phương và DN cần chú trọng tuyên truyền, vận động thanh niên đã học xong lớp 12 không đăng ký vào đại học thì đi XKLĐ. Bằng mọi giải pháp và nỗ lực, Sở LĐ-TB&XH tích cực hỗ trợ, phối hợp cùng các địa phương thực hiện đạt mục tiêu, đẩy mạnh phong trào XKLĐ của tỉnh, bởi đó là con đường thoát nghèo, và làm giàu hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xuất khẩu lao động năm 2019: Quá nhiều rào cản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO