Xuất khẩu lao động (XKLĐ) ngành ngư nghiệp tại thị trường Hàn Quốc được đánh giá là lợi thế của tỉnh và có triển vọng phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn không ít thách thức, đòi hỏi sự thay đổi nhận thức của mỗi lao động đang đi làm việc tại Hàn Quốc cũng như lao động ở các địa phương có lợi thế về ngành này.
Tay nghề lao động ngành ngư nghiệp của tỉnh được đánh giá cao, đây là một lợi thế để đi xuất khẩu lao động trong ngành này. Ảnh: D.L |
Thu nhập cao
Trên địa bàn tỉnh, các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Núi Thành có lợi thế về lao động ngành ngư nghiệp, vì vậy tỉnh xác định tập trung đẩy mạnh XKLĐ ngành ngư nghiệp ở những địa phương này. Trong đó, xã Bình Minh (Thăng Bình) là địa phương dẫn đầu, khi trong 2 năm 2015 - 2016 có 150 lao động ngành ngư nghiệp đi XKLĐ ở Hàn Quốc. Nhiều gia đình có đến 2 - 3 người cùng đi XKLĐ ngành ngư nghiệp. Hàng năm, bình quân mỗi lao động của xã Bình Minh đi Hàn Quốc chuyển về địa phương hơn 260 triệu đồng. Theo thống kê của xã Bình Minh, toàn xã có hơn 200 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, trong đó ở Hàn Quốc làm ngành ngư nghiệp là chủ yếu. Và nguồn thu nhập từ XKLĐ chuyển về cho gia đình ở địa phương đã làm thay đổi bộ mặt của xã Bình Minh trong những năm gần đây. Có thể kể đến anh Hồ Văn Khảm, đi XKLĐ sang Hàn Quốc về nước đúng hạn và đã đăng ký đi trở lại. Hay anh Hồ Ngọc Minh khi trở về đã tích lũy được nguồn vốn kha khá, mở cửa hiệu bán vật liệu xây dựng.
Ở thôn Tân An của xã Bình Minh có nhiều lao động đi XKLĐ ngành ngư nghiệp, gửi tiền về cho gia đình mua xe tải, mua đất mở tiệm kinh doanh; có nguồn vốn, các gia đình hợp tác đóng tàu lớn đi biển... Ông Trần Văn Tám - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho rằng, XKLĐ đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến cho cuộc sống của các gia đình, gián tiếp làm thay đổi bộ mặt địa phương. Bằng chứng thiết thực là nhiều gia đình có con em đi XKLĐ ngành ngư nghiệp gửi tiền về xây nhà, lo cho cuộc sống gia đình tốt hơn. Rồi lao động đi làm việc trở về đúng hạn, đăng ký đi lại cũng nhiều. Thu nhập cao, nhiều người đi XKLĐ gửi tiền về mua đất đai, mở cửa hiệu làm ăn, tạo nên sự sôi động trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ ở địa phương.
Lao động bỏ trốn, thách thức lớn nhất
Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng lao động ngành ngư nghiệp bỏ trốn ra làm chui cho tàu khác, điều này ảnh hưởng khá lớn đến cơ hội của những người đi sau. Ông Trần Văn Tám - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, chính quyền địa phương sẽ cố gắng bám sát gia đình các lao động, vận động người thân cùng vào cuộc tuyên truyền để lao động sau khi qua Hàn Quốc thực hiện đúng hợp đồng, không bỏ trốn làm ảnh hưởng đến bản thân họ và cả những lao động đang có nguyện vọng đi XKLĐ ở Hàn Quốc. Còn theo Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Minh, nhiều lao động cứ nghĩ rằng khi hết hợp đồng làm việc trở về nước sẽ không được đi lại, trong khi thu nhập ở đây khá cao, nên họ bỏ trốn không về và làm chui. Vì thế, ngành chức năng cần tuyên truyền cho lao động hiểu rõ chính sách XKLĐ, khi hết hạn về nước vẫn có thể đăng ký đi tiếp để lao động yên tâm không bỏ trốn.
Theo ông Lê Tôn Tưởng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, lao động của tỉnh sau khi sang Hàn Quốc, do lợi ích trước mắt nên bỏ tàu theo hợp đồng ký kết, chuyển sang tàu khác có nguồn thu nhập cao hơn. Đây là thách thức lớn nhất. Việc không chấp hành đúng pháp luật lao động của nước sở tại sẽ khiến Chính phủ Hàn Quốc xem xét lại. Nếu tỷ lệ bỏ tàu trốn đi làm ngoài hợp đồng cao thì lao động của tỉnh đứng trước nguy cơ bị Chính phủ Hàn Quốc cấm không cho phép tham gia thị trường lao động của nước này. Hàn Quốc cũng đã từng đóng cửa đối với lao động Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến giữa năm 2016, do tỷ lệ lao động bỏ trốn quá nhiều, trong đó có lao động Quảng Nam. Đến tháng 5.2016, sau nhiều nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong vận động lao động về nước đúng hạn, kêu gọi lao động bỏ trốn trở về, phía Hàn Quốc mới mở cửa thị trường lao động trở lại đối với Việt Nam.
Nhiều địa phương chưa mặn mà
Hiện nay, XKLĐ ngành ngư nghiệp qua kênh doanh nghiệp thì cả nước chỉ có 6 công ty được cấp phép; hạn ngạch hàng năm rất hạn chế, không quá 300 lao động/năm; chi phí đi rất cao, khoảng từ hơn 160 triệu đồng đến 190 triệu đồng (đã bao gồm tiền đặt cọc chống trốn). “Lao động của tỉnh mà chủ yếu là lao động ở xã Bình Minh những năm qua đã được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn đi qua kênh doanh nghiệp. Tuy nhiên lao động bỏ trốn khỏi tàu, chuyển tàu rất lớn nên từ năm 2015 đến nay các doanh nghiệp lo lắng, không tiếp tục tiếp nhận lao động của tỉnh” - ông Tưởng nói. Lao động của tỉnh còn đi qua kênh của Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS), được Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc ký biên bản ghi nhớ với các nước để phái cử và tiếp nhận lao động đến Hàn Quốc làm việc, trong đó có Việt Nam. Chương trình EPS mở lại đối với Việt Nam từ tháng 5.2016 đến nay, mỗi năm có khoảng 800 chỉ tiêu, chi phí đi rất thấp, chỉ gần 14 triệu đồng. Qua kênh này, lao động phụ thuộc vào chỉ tiêu Bộ LĐ-TB&XH giao cho tỉnh, điều kiện thi tuyển gắt gao hơn, qua 2 kỳ kiểm tra tiếng Hàn và tay nghề. Đối với tay nghề, lao động Quảng Nam không lo; nhưng đối với tiếng Hàn, chỉ học tập trung 5 tháng, trong khi lao động học tập theo kiểu vừa học vừa đi biển nên hiệu quả kém. Chính vì thế mà tỷ lệ lao động thi đậu để đi bằng Chương trình EPS không cao.
Lao động ngành ngư nghiệp trong tỉnh tập trung ở Thăng Bình, Duy Xuyên, Núi Thành nhưng đến nay chỉ mới có xã Bình Minh của Thăng Bình có người đi XKLĐ kể cả qua kênh doanh nghiệp và Chương trình EPS. Vì đâu mà lao động các địa phương chưa mặn mà với việc đi XKLĐ ngành ngư nghiệp? Theo Phòng LĐ-TB&XH các huyện Núi Thành, Duy Xuyên, chi phí đi theo kênh doanh nghiệp cao nên lao động không đủ khả năng tài chính. Còn đi bằng Chương trình EPS tuy chi phí thấp nhưng lại khó đáp ứng điều kiện; khi trúng tuyển còn phải học tập trung, rồi chờ hợp đồng có lúc lâu quá nên lao động chán nản. Hơn nữa, lao động ngành ngư nghiệp là lao động nặng nhọc, đi làm cho tàu của các nước không thể “tự do” như đi tàu ở nhà, nên nhiều lao động cho rằng thà ở nhà đi làm còn hơn, dù thu nhập không cao bằng. Trước những thách thức này, Sở LĐ-TB&XH tỉnh xác định sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương ven biển làm tốt công tác tuyên truyền; lập danh sách lao động có nhu cầu để đào tạo ngoại ngữ cho phù hợp với ngành đặc thù. Riêng về chi phí đi qua kênh doanh nghiệp, với lao động thuộc hộ nghèo hay gia đình chính sách, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ lãi vay ngân hàng.
LÊ DIỄM