Xuất ngoại
Cầu thủ Việt Nam xuất ngoại thi đấu không còn là câu chuyện mới lạ. Sau lứa đàn anh Huỳnh Đức rồi Công Vinh, cách đây mấy năm, đến lượt một số cầu thủ lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường cũng sang các giải bóng đá hàng đầu châu lục như Hàn Quốc, Nhật Bản thử sức. Hồi đầu mùa giải năm nay, đồng loạt 3 cầu thủ cũng nói lời chia tay V-League để sang nước ngoài thi đấu, gồm thủ môn Văn Lâm từ Hải Phòng chuyển sang Muangthong United và tiền vệ Xuân Trường cũng nối gót đến Buriram United của giải vô địch Thái Lan, trong khi tiền đạo Công Phượng đến Hàn Quốc sau đó bay sang giải vô địch quốc gia Bỉ cho đến nay.

Tuy nhiên, khi Văn Hậu trở thành người của CLB Heerenveen tại giải vô địch Hà Lan, câu chuyện cầu thủ xuất ngoại lại được nhắc đến với nhiều cung bậc cảm xúc. Không chỉ dừng lại ở việc chuyển sang thi đấu ở một nền bóng đá hàng đầu châu Âu, hậu vệ cánh trái của CLB Hà Nội còn xác lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu của bóng đá Việt Nam về mức phí mượn mà đối tác chi trả cho đội bóng bầu Hiển lên tới hơn 38 tỷ đồng và tiền lương cũng cao chưa từng có cho 1 năm thi đấu tại Hà Lan với 22.000 USD/tháng. Điều đó cho thấy giá trị của cầu thủ Việt trên thị trường và đây cũng là điều mà bầu Đức lúc cao hứng bảo rằng chỉ có CLB Hoàng Anh Gia Lai mới lấy được tiền từ các nền bóng đá mạnh Nhật Bản, Hàn Quốc.
Nhưng đằng sau niềm vui cập bến châu Âu với số tiền khủng mang về từ Văn Hậu thì cũng có không ít băn khoăn liệu tài năng 20 tuổi này có lặp lại “vết xe đổ” như các đàn anh đã trải qua? Có thể nói, đến nay, chỉ duy nhất thủ môn Văn Lâm là thành công khi xuất ngoại. Còn lại, tất cả đều thất bại dù Công Phượng, Xuân Trường hay Tuấn Anh đều là những tài năng thuộc loại tốt nhất của bóng đá Việt Nam. Chắc chắn CLB Hà Lan không phải bỏ chừng ấy số tiền ra mang Văn Hậu về chỉ để ngồi ghế dự bị. Nhưng rõ ràng, tìm chỗ đứng ở môi trường mới, nhất là ở giải bóng đá đẳng cấp hàng đầu châu Âu không hề dễ dàng với một cầu thủ Đông Nam Á cho dù tài năng của Văn Hậu đã được kiểm chứng qua nhiều giải đấu châu lục.
Nói vậy không có nghĩa Văn Hậu không có cơ hội thành công tại CLB Heerenveen. Và nếu so sánh với Công Phượng đang chơi bóng ở Bỉ, rõ ràng, xác suất thành công của cầu thủ CLB Hà Nội cao hơn nhiều. Bởi lẽ, với vị trí hậu vệ cánh trái, áp lực dành cho Hậu không nặng nề như Phượng khi nhiệm vụ của cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai là phải săn tìm bàn thắng trong mỗi trận đấu. Mà vóc dáng Phượng nhỏ, thể lực không bằng các hậu vệ cao to đối phương nên đua sức để có bàn thắng là cực kỳ khó khăn. Trong khi đó, Văn Hậu có chiều cao 1m85 và thể hình không hề thua kém nhiều cầu thủ châu Âu. Thể lực của anh cũng khá tốt khi lên công về thủ như đã từng thể hiện trong màu áo CLB lẫn đội tuyển quốc gia.
Cầu thủ Việt Nam xuất ngoại giờ đây không còn là hiện tượng mà là xu thế tất yếu của một nền bóng đá hội nhập. Bóng đá Việt Nam đã khẳng định mình trong những năm gần đây, nhất là tại các giải đấu tầm châu lục như Asian Cup, vòng chung kết U23 châu Á. Nhờ đó, bóng đá thế giới biết đến cầu thủ Việt Nam nhiều hơn. Và vì vậy, không ngẫu nhiên mà các đội bóng ở châu Âu lại đưa ra lời mời Công Phượng, Văn Hậu về đầu quân. Không chỉ có lợi cho phát triển tài năng của bản thân, việc cầu thủ ra nước ngoài thi đấu còn giúp cho bóng đá nước nhà nâng tầm. Với việc sang trời Âu chơi bóng, Đoàn Văn Hậu chính là cầu thủ đáng xem nhất vào mỗi cuối tuần của bóng đá Việt Nam thời gian tới.