Ngày 18.4, tại Nghĩa trang liệt sĩ TP.Tam Kỳ, Sở LĐ-TB&XH đã làm lễ đón nhận, truy điệu và an táng 7 hài cốt liệt sĩ Quảng Nam hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ở tỉnh Ninh Bình. Toàn bộ việc bốc dỡ và di chuyển 7 hài cốt liệt sĩ vào Quảng Nam do Ban Chỉ huy Cơ quan Quân sự tỉnh Ninh Bình thực hiện ở nghĩa trang Bệnh viện Quân y 5 (thuộc Quân khu 3).
Chúng tôi gọi buổi sáng hôm ấy là giây phút “đoàn viên” bởi khoảnh khắc chờ đợi được đưa hài cốt người thân về quê cha đất tổ canh cánh suốt mấy chục năm qua đối với thân nhân gia đình liệt sĩ. Bà Lương Thị Sương, 58 tuổi, xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn, thi thoảng buột miệng “Cậu đã về”, trong khi đôi tay ghì chặt lấy tấm Bằng Tổ quốc ghi công của cậu mình, còn đôi mắt mãi hướng về hàng quách chứa hài cốt. Bốn mươi năm qua, bà Sương dù biết cậu mình là liệt sĩ Huỳnh Phi Long hy sinh và nằm lại nơi đất Ninh Bình, nhưng vẫn không thể sắp xếp đi tìm cậu.
Sau 40 năm, bà Sương được đón cậu mình về bằng tấm Bằng Tổ quốc ghi công - liệt sĩ Huỳnh Phi Long. Ảnh: XUÂN THỌ |
Nói là sắp xếp nhưng thực ra bà hẹn với lòng khi nào có ít tiền sẽ khăn gói tìm cậu. Nhà nghèo, cộng thêm thông tin về cậu quá mơ hồ nên lời hẹn ấy không ngờ cứ lần lữa ngót 40 năm. “Cũng muốn đi lắm chớ, nhưng nhà khó khăn quá. Vậy mà đến hôm nay, nhờ các ảnh (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Bình - PV) cậu mới “về” được nhà” - bà Sương nghèn nghẹn. Trong khi đó, bà Bùi Thời, 61 tuổi, ở khối phố An Hòa, phường Hòa Thuận (TP.Tam Kỳ), sau khi rải nén đất xuống phần mộ của liệt sĩ Phạm Ngọc Lễ, nở nụ cười mãn nguyện: “Rứa là anh đã về”. Liệt sĩ Lễ là anh cùng mẹ khác cha với bà Thời. Năm 2005, gia đình mới biết nơi đang yên nghỉ của liệt sĩ Lễ là ngoài Ninh Bình, nhưng không biết cụ thể, chính xác là ở chỗ nào, tất nhiên phần lớn là vì điều kiện kinh tế khó khăn nên không thể kiếm tìm.
Danh sách 7 liệt sĩ Liệt sĩ Phạm Ngọc Lễ, SN 1947, nhập ngũ ngày 10.5.1966, hy sinh 31.7.1970, nguyên quán Tam An, Phú Ninh, nay là khối phố An Hòa, phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ. Liệt sĩ Huỳnh Phi Long, SN 1944, nhập ngũ 20.4.1965, hy sinh 23.10.1969, quê ở xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn. Liệt sĩ Huỳnh Văn Nam, SN 1949, nhập ngũ ngày 12.12.1966, hy sinh ngày 18.8.1971, quê xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước. Liệt sĩ Võ Thị Thanh Xuân, SN 1949, nhập ngũ 15.10.1967, hy sinh 21.8.1971, quê xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc. Liệt sĩ A Đế, SN 1950, nhập ngũ 2.1966, hy sinh 26.10.1970, quê thị trấn Prao, huyện Đông Giang. Liệt sĩ Bling Ding, SN 1932, nhập ngũ 7.1959, hy sinh 20.4.1971, quê xã Tr’hy, huyện Tây Giang. Liệt sĩ Nguyễn Đình Xí, SN 1939, nhập ngũ 3.1968, hy sinh 20.11.1970, quê xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn. |
Câu nói của Đại tá Lê Đình Cược - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Bình, trước khi lên xe trở về Ninh Bình vẫn còn đọng lại tâm trí nhiều người trong buổi sáng hôm ấy. “Thế là yên tâm, các anh đã về với đất mẹ”. Bởi trách nhiệm và tâm huyết ấy, sâu nặng hơn khi ông nói với đồng đội từng khoác áo lính cùng mình. Đã đôi lần theo chân những người tìm hài cốt liệt sĩ, nên chúng tôi biết đó là một hành trình đầy gian khó. Bởi chiến trường xưa nay đã không còn dấu vết, đồng đội xưa kẻ còn người mất, chưa kể không phải ai cũng có thể liên lạc, kết nối. Toàn bộ 7 liệt sĩ được đưa về sáng hôm ấy, hy sinh trong những năm 1969 - 1971 khi đang làm nhiệm vụ tại Ninh Bình. “Có một số đồng chí bị thương, được các đơn vị quân đội đưa về Bệnh viện Quân y 5 (Quân khu 3 - PV) để cứu chữa. Tiếc là vết thương quá nặng, các anh đã không qua khỏi, sau đó được an táng tại Bệnh viện Quân y 5. Đó là những đóng góp to lớn trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Còn hôm nay, trong phút giây này, chúng tôi nghĩ rằng, những phần việc bé nhỏ của mình, sẽ an ủi được phần nào nỗi đau mất mát của những người cha, người mẹ, người vợ và người con đã mãi mãi không còn gặp lại những người thân yêu của mình” - Đại tá Cược tâm sự.
“Bên lề” buổi lễ đón nhận, truy điệu và an táng 7 hài cốt liệt sĩ sáng hôm ấy, các cán bộ chiến sĩ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Bình lặng lẽ đến từng bên mộ phần, rồi cúi người để thắp nén nhang. “Có thể có đồng chí là đồng đội của tôi, có thể không. Nhưng chúng tôi đều chung màu áo lính, và chẳng có gì khác nhau cả, khi cả thảy hiến dâng tuổi trẻ của mình cho Tổ quốc. Điều khác biệt duy nhất, là hôm nay, ngay tại đây, các đồng chí ấy đang nằm trong lòng đất mẹ” - một sĩ quan của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Bình đã nói với chúng tôi như vậy. Với những người mặc áo lính, điều đó xứng đáng được liệt kê vào danh sách “những phút giây đặc biệt”. Và với riêng tôi, trong “những phút giây đặc biệt” của buổi sáng hôm ấy, có lẽ là lúc tôi nghe những lời từ bà Sương: Cậu đã về!
XUÂN THỌ