Mỗi năm lại vắng đi vài người, vậy mà câu chuyện của những cán bộ lão thành cách mạng vẫn cứ như mới, ai cũng quả quyết rằng “tôi sẽ về gặp mặt chứ!”. Vì thế, cuộc hội ngộ truyền thống luôn được họ chờ đợi…
Cán bộ lão thành cách mạng chụp ảnh lưu niệm nhân 30 năm giải phóng Đà Nẵng. Ảnh tư liệu |
Ôn cố tri tân
Cuộc gặp mặt tổ chức vào ngày 26.3 tới tại Quảng Nam, khi chưa thấy giấy mời chuyển đến là cụ Trần Thận (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam) lại tự hỏi: “Không biết năm nay tổ chức thế nào, định thời gian ra sao, mấy ông cũ có đi được không?”. Trong căn nhà số 4 đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP.Đà Nẵng), cụ Trần Thận đang khó nhọc “luyện” đi lại với cây gậy quen thuộc, để “nếu có đi dự gặp mặt ở xa thì cũng đỡ phiền cho các chú ấy, bởi vì mình là người mong gặp bạn bè anh em cũ”. Cụ nói: “Giờ mà hỏi tôi chuẩn bị gì cho ngày gặp mặt hằng năm thì tôi chẳng biết trả lời thế nào. Có gì đâu mà chuẩn bị, tới đó là tự khắc mọi chuyện tự nhiên ùa về, nói mãi không hết chuyện. Năm nào mà không như thế, bọn già chúng tôi nhiều chuyện để nhắc lắm! Tôi chỉ mong một điều: Những ai còn có thể gặp mặt thì cố gắng tham dự để chúng tôi nhìn nhau”.
Ông Trần Thận. |
Dù chưa chắc gì tới ngày đó sẽ có mặt bởi sức khỏe người già thường khó lường, nhưng cụ Trần Thận vẫn mong gặp lại anh em. Cụ khoe quyển sách mình đang đọc, cuốn “Tự phê bình – Phan Bội Châu”, và nhận xét cuốn sách này gần lắm với những gì Đảng và chính quyền đang thực hiện. “Tôi muốn đọc để hiểu sâu sắc hơn, chỉ có một điều nhắn nhủ với chính quyền Quảng Nam và Đà Nẵng bây giờ là phải xây dựng Đảng thật sự trong sạch vững mạnh. Nội bộ Đảng phải đoàn kết, không vì lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm mà làm mất lòng tin của người dân. Ngày xưa anh em chúng tôi sống chiến đấu và làm việc đều vì lòng tin của nhân dân, dựa vào nhân dân mà chiến đấu, sự gắn bó giữa các đảng viên với nhau một lòng trung thành với Đảng toàn vẹn thì đại cuộc mới thắng lợi hoàn toàn”.
Cứ mỗi dịp gặp mặt các cán bộ lãnh đạo hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Đà cũ, cụ Trần Thận luôn có một vài điều nhắc nhớ trong câu chuyện kể. Cụ nói chân thành: “Tôi mong muốn lãnh đạo của tỉnh, thành phố, quận huyện phải sát với người dân, để biết còn bao nhiêu người nghèo, cận nghèo. Mà vì sao họ nghèo, phải tìm ra biện pháp giải quyết. Để giải phóng quê hương, chúng ta đã hy sinh biết bao máu xương của đồng bào đồng chí, nay phải xây dựng quê hương hơn mười ngày xưa. Đó là bấy nhiêu điều tôi muốn nói”. Lục lọi trong kho tư liệu cũ, cụ Trần Thận sắp xếp lại những cuốn sách, hồi ký về chiến trường cũ, những tấm ảnh kỷ niệm qua 37 lần gặp mặt được đánh dấu cẩn thận. Cụ xem lại, để nhớ lần gặp mặt này liệu có người nào không đi được…
Riêng cụ Nguyễn Tất Thắng (Vĩnh Điện – Điện Bàn) thì nói buồn: “Nhận thông tin gặp mặt mà xốn xang trong bụng nhưng già rồi, cái lưng nó không cho phép ngồi xe lâu. Tôi nhớ anh em nhiều lắm, nhưng không biết làm sao về gặp mặt”. Đã mấy năm nay cụ Thắng chỉ quanh quẩn ở nhà dù vẫn minh mẫn, trí nhớ vẫn đủ đầy về thời trai trẻ chiến đấu khắp các chiến trường và chỉ mong một ngày hạnh ngộ cùng anh em. Cụ nói đến xót lòng: “Nằm dưỡng bệnh ở Bệnh viện C17 mấy tháng mà tôi vẫn thấy vui vì được gặp lại biết bao nhiêu anh em cũ thời Đặc khu Quảng Đà và căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam. Cứ thế mà nói biết bao nhiêu chuyện, thấy mình khỏe ra cũng nhờ chuyện cũ. Lần này không tham dự được, tôi muốn nhắn là tôi nhớ anh em lắm!”.
Người mong kẻ ngóng
Ông Trương Thanh Hà. |
Năm nay được làm “chủ nhà”, nhưng bác Trương Thanh Hà (khối phố 2, phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ, nguyên Bí thư Đảng ủy Dân Chính Đảng Quảng Nam) lại bồn chồn hơn. Bác gọi cho từng người để chắc chắn ai cũng đã biết thông tin và cố gắng sắp xếp thời gian để về. Liên lạc mãi cho ông Lương Văn Hận ở Núi Thành mà không được, bác Hà còn định đón xe buýt vào tận nơi để vừa thăm bạn cũ vừa báo tin. Bác Hà cười xòa: “Có gì đâu khó khăn, tôi thỉnh thoảng vẫn “bắt” xe buýt đi thăm bạn cũ như vậy. Chắc cô biết anh Nguyễn Lẫm ở Núi Thành, cũng đồng đội cũ. Giờ ảnh đau nằm một chỗ. Vậy mà mỗi lần tôi vào thăm, gợi nhắc một vài người là ảnh nhớ vanh vách từng chuyện một. Thương lắm!”. Bác Hà còn nhắc thêm nhiều chuyện cũ, nhiều tên đồng đội một thời sát cánh ở chiến trường khu 5, ở đèo Ba Hương, núi Dương Bồ…
Trong 37 lần gặp mặt, khi ở Đà Nẵng lúc ở Quảng Nam, chưa bao giờ bác Trương Thanh Hà vắng. Bác nhớ đến từng chi tiết những cảm xúc gặp nhau của từng người theo từng năm. “Chỉ dăm câu nói chuyện, vài lời hỏi thăm nhưng cũng đủ làm cho chúng tôi rất vui, chỉ cần nhìn mặt đồng đội cũ là mừng vì ai cũng còn nhớ. Năm nay tôi biết anh Nguyễn Hà, nguyên Chủ nhiệm Hậu cần Tỉnh đội, không đi được. Ảnh đau nằm một chỗ mấy năm rồi. Cả anh Phan Ngọc Ánh ở Điện Bàn cũng rứa. Chỉ mong những ai còn khỏe thì hãy đến cùng chúng tôi” - bác tâm sự.
Ông Trần Kim Anh. |
Tuổi cao sức yếu, nên người này lỡ quên thì đã có người kia nhắc giúp. Đại tá về hưu Trần Kim Anh (nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự Quảng Nam, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh) cũng ở gần đó nhắn qua bác Hà: “Tôi chưa có giấy mời, nhưng thế nào tôi cũng đi, ông có giấy mời rồi thì mang giúp qua cho tôi nhé. Tôi chuẩn bị hết cả rồi đấy”. Phần chuẩn bị đón tiếp đồng đội của bác Trần Kim Anh là câu chuyện được nhắc lại nhiều lần: được gặp Bác Hồ, được ôm hôn chân Người từ khi còn niên thiếu. Câu chuyện đó đã theo vị chỉ huy Trần Kim Anh trong những trận đánh oai hùng sau này. Và mãi đến bây giờ, ký ức được gặp Bác Hồ vẫn được ông nhắc nhớ. Nhưng nói về ngày hội ngộ sắp tới, ông lại hóm hỉnh: “Tôi không mong đợi gì, chỉ đến gặp mặt các đồng đội, đồng chí tỉnh ủy viên ngày trước, để… cãi nhau một trận, cũng đủ thấy vui”.
Nhưng sâu xa hơn cả trong các cuộc gặp mặt các cán bộ lão thành cách mạng, là không chỉ để tự nhắc nhớ nhau về ký ức đấu tranh mà còn nhìn thấy ở họ sự minh mẫn sau rất nhiều trải nghiệm. Như cụ Trần Thận đã nhắn nhủ: “Cán bộ lãnh đạo phải ngày đêm suy nghĩ, phải sát với nhân dân và hiểu người dân của mình đang thiếu cái gì”.
ANH TRÂM