Thiếu hụt hạ tầng và không phân định được giá đất hiện là 2 lực cản lớn khiến Quảng Nam phải bỏ lỡ nhiều cơ hội đón nhà đầu tư.
Theo Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Nam, các cuộc xúc tiến đầu tư đã mang lại hiệu quả, nhất là tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Không còn mang tâm thế “trải thảm đỏ…” chờ nhà đầu tư tới, chính quyền và các cơ quan công quyền Quảng Nam đã “dọn sẵn món” cho nhà đầu tư bằng những dự án cơ hội cụ thể và chủ động tìm nhà đầu tư tại các diễn đàn, hội nghị đầu tư liên vùng hay quốc ngoại được mở trong một vài năm gần đây. Vì thế, Quảng Nam lại liên tục tiếp đón và duy trì liên hệ để xúc tiến những dự án với các nhà đầu tư. Quyết định của Công ty Panko (Hàn Quốc) nghiên cứu đầu tư dự án dệt, may mặc quy mô 100ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 150 triệu USD; Công ty Hansae (Hàn Quốc) nghiên cứu đầu tư dự án nhuộm và may mặc quy mô 200ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 250 triệu USD hay nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, Singapore, Purac (Hà Lan), Ise Food (Nhật Bản)… ngỏ ý đầu tư những dự án vào khu vực nông nghiệp, nông thôn mới đây đã lóe lên tia hy vọng thu hút số lượng lớn nhà đầu tư từ khu vực này vào Quảng Nam. Thế nhưng thực tế lại không như mong muốn vì thiếu hụt hạ tầng, ngay cả các cụm công nghiệp và các địa phương không thể phân định được giá đất để trả lời cho nhà đầu tư đã khiến Quảng Nam bỏ qua nhiều cơ hội làm ăn. Ngày 3.11, ông Võ Văn Hùng – Phó ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh than phiền rằng đã có khá nhiều nhà đầu tư đến khảo sát nhưng sự thiếu mặt bằng và không phân định được giá đất đã khiến nhiều nhà đầu tư bỏ đi. Thậm chí có địa phương còn yêu cầu nhà đầu tư cho mượn tiền làm đường hoặc đưa giá đất cao khiến nhà đầu tư không mặn mà. Vì vậy, rất cần một bảng giá đất cụ thể để cho các địa phương dễ dàng đàm phán với các nhà đầu tư.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu cũng thừa nhận hiện các nhà đầu tư Nhật – Hàn rất quan tâm đến đầu tư tại Quảng Nam nhưng đang gặp khó vì chưa tìm đâu ra mặt bằng tốt để đầu tư cho những dự án sản xuất và chế biến thực phẩm lớn. Ông Thu chỉ trích các cơ quan liên quan là một chuyện đơn giản như tính giá đất nhưng nhiều ngày vẫn chưa thể quyết định cho các địa phương. Thực tế là chính quyền địa phương đã mời khá nhiều doanh nghiệp đến nhưng không có mặt bằng và giá đất thì mọi nỗ lực mời gọi cũng bằng không. Nếu không có mặt bằng, có bảng giá đất thì dù có phê duyệt dự án đầu tư cũng sẽ đứng bánh.
Nếu các doanh nghiệp trong nước, hầu hết muốn hưởng lợi và trông chờ vào những tác động từ ưu đãi về thuế, cải thiện môi trường pháp lý, tăng cường chống hàng nhái, hàng giả thì khối doanh nghiệp nước ngoài trông chờ nhiều nhất vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng. Đó cũng là lý do, đồng thời là sức ép lớn của khối này khi thương thảo với chính quyền trước khi quyết định đầu tư. Lịch sử thu hút đầu tư của Quảng Nam đã chứng minh rằng vấn đề nhà đầu tư quan tâm số 1 là sơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, một quỹ đất sạch để họ có quyết định đầu tư hay không thì dường như Quảng Nam chưa thể đáp ứng nổi trước ngổn ngang, ách tắc của đền bù giải tỏa, tái định cư… Không kể đến cuộc khủng hoảng đã buộc nhà đầu tư phải cơ cấu lại danh mục đầu tư, dừng những dự án mang tính dài hạn hoặc dãn tiến độ những dự án đã triển khai vì gặp khó khăn về tài chính thì vướng mặt bằng, một quỹ đất sạch dành cho nhà đầu tư, thiếu một chiến lược thu hút đầu tư dài hạn đã làm chậm tốc độ thu hút đầu tư vào Quảng Nam. Câu chuyện này đã bàn đến nhiều năm, nhưng sự thay đổi chẳng bao nhiêu. Đó chính là lý do và không khó để trả lời rằng tại sao việc xúc tiến và thu hút đầu tư của Quảng Nam nhiều năm qua vẫn chưa thực sự hiệu quả như mong muốn dù chính quyền và cơ quan quản lý đã thực sự nỗ lực!
NHẬT PHONG